Những công trình “đổi đời” vùng dân tộc thiểu số ở Tiên Yên
Từ nguồn lực Chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, những công trình mới được đưa vào sử dụng ở huyện Tiên Yên đã thực sự làm thay đổi cuộc sống, sinh hoạt, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Niềm vui Mả Phềnh
Mới 1 năm trước, 15 hộ dân với 71 nhân khẩu đều là dân tộc Dao ở khu Mả Phềnh thuộc thôn Bình Sơn, xã Đông Ngũ (huyện Tiên Yên) thường xuyên sống trong cảnh bị cô lập mỗi khi nước lũ về.
Do điều kiện tự nhiên, khu dân cư Mả Phềnh bị ngăn cách với các địa phương khác bằng con suối Hà Thanh, bên kia bờ là đường liên xã Đông Ngũ - Đại Dực của huyện Tiên Yên. Để sang được bờ bên kia, người dân phải đi bộ qua cầu tre tạm bắc ngang giữa suối. Đây cũng là lối đi chính để ra vào Mả Phềnh.
Gần 30 học sinh học tại các điểm trường bên kia suối hàng ngày đến trường đều phải đi qua suối bằng cầu tre tạm này. Khu vực lòng suối sâu, chảy xiết, rất nguy hiểm, chỉ cần trượt chân sẽ rơi xuống dòng nước chảy xiết. Các em thường xuyên phải nghỉ học mỗi khi mùa mưa bão đến.
Người dân ở Mả Phềnh chủ yếu làm nông nghiệp. Điều kiện để phát triển kinh tế vô cùng khó khăn cũng do bị ảnh hưởng bởi giao thông đi lại.
Để đảm bảo giao thông ổn định, thông suốt trên tuyến đường tràn qua suối Hà Thanh, phục vụ sản xuất nông nghiệp và ổn định đời sống lâu dài cho các hộ dân, tháng 3/2023 UBND huyện Tiên Yên đã ra quyết định xây dựng công trình Đường vào khu Mả Phềnh, thôn Bình Sơn, xã Đông Ngũ.
Chỉ trong vòng 6 tháng, công trình đã được hoàn thành, với tổng trị giá đầu tư 2 tỷ 650 triệu đồng, trong đó 2,5 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ chương trình xây dựng NTM, còn lại là nguồn xã hội hóa.
Chia sẻ về niềm vui của người dân, ông Hoàng Văn Phim, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Bình Sơn cho biết, khi nghe thông tin có dự án tuyến đường tràn qua suối vào Mả Phềnh được triển khai, bà con ai cũng phấn khởi. Đặc biệt, khi đưa dự án ra bàn bạc, bà con trong khu không những đồng tình ủng hộ mà còn sẵn sàng hiến đất làm đường.
Công trình đường và cầu tràn hoàn thành, đưa vào sử dụng không chỉ có ý nghĩa nối liền đôi bờ, mà còn tạo thêm động lực, niềm tin để người dân yên tâm lao động, sản xuất, vươn lên xóa đói, giảm nghèo.
“Lên đời” 4 bánh nhờ đường mới
Từ hơn chục năm nay, sáng nào cũng vậy, cứ từ 5h sáng là anh Lồ A Phấu (thôn Khe Quang, xã Đại Dực) chở lâm sản phụ như nhựa thông, quế, hồi từ nhà đi lên Cửa khẩu Hoành Mô (huyện Bình Liêu) bán.
Trước đây, anh Phấu phải thồ hàng bằng xe máy, di chuyển qua tuyến đường liên xã Đại Phong nối liền ba xã Đại Dực, Đại Thành và Phong Dụ của huyện Tiên Yên với Quốc lộ 18C. Con đường bê tông nhỏ cũ nát, ngoằn ngoèo với những khúc cua hiểm trở, khiến anh Phầu phải mất hơn 3 tiếng mới lên được tới Hoành Mô.
Kể từ khi Dự án Đường giao thông nối từ trung tâm xã Đại Dực sang trung tâm xã Đại Thành cũ được hoàn thành vào đầu năm 2023, anh Phấu chỉ mất 2 tiếng đồng hồ để di chuyển từ Khe Quang tới Hoành Mô. Công việc thuận lợi nhờ tuyến đường mới, anh Phấu quyết định đầu tư hẳn chiếc xe tải Isuzu, kết thúc những ngày dài đằng đẵng nắng mưa trên chiếc xe máy.
Đường giao thông nối từ trung tâm xã Đại Dực sang trung tâm xã Đại Thành cũ có tổng chiều dài toàn tuyến hơn 7km, thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp V miền núi, với vận tốc thiết kế 30km/h; bề rộng mặt đường 3,5m. Dự án có tổng mức đầu tư trên 150 tỷ đồng, sau khi hoàn thành rút ngắn khoảng cách đi lại giữa xã Đại Thành cũ và Đại Dực từ 20km xuống còn 10km.
Ông Nình A Lộc, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Dực cho biết: Từ ngày có con đường mới, bà con nhân dân trong xã vô cùng phấn khởi. Từ đây, con đường phát triển các ngành nghề nông, lâm nghiệp, du lịch cộng đồng… ở Đại Dực cũng bắt đầu rộng mở.
Hết thời “ăn khe, tắm suối”
Từ nhiều đời nay, người dân xã Phong Dụ, huyện Tiên Yên vẫn quen dùng nước dẫn từ khe, suối về. Dù đã có một số chương trình, dự án nước tự chảy, nước hợp vệ sinh trước đây nhưng hầu như không hiệu quả, nên gần 1.000 hộ dân trong xã lại quay về sử dụng nước khe, như một lẽ thường mà người dân phải chấp nhận.
“Nhưng nước khe chỉ có nhiều vào mùa mưa, mùa khô thì ít lắm. Mùa mưa thường xuyên phải lên rừng sửa ống, vì lũ lên bùn đất chui vào ống gây tắc, nước không dân về được” - chị Phùn Tài Múi, thôn Khe Xóm, xã Phong Dụ, huyện Tiên Yên, kể.
Nhưng đó là câu chuyện từ năm 2022 trở về trước. Ngày 6/4/2022, UBND huyện Tiên Yên ra quyết định phê duyệt Dự án Xây dựng đập dâng nước Khe San và hệ thống đường ống, bể chứa, bể lọc cấp nước sinh hoạt trên địa bàn xã Phong Dụ. Công trình có tổng mức đầu tư 30 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ xây dựng NTM, do UBND huyện Tiên Yên làm chủ đầu tư.
Gần 1.000 hộ dân xã Phong Dụ (huyện Tiên Yên) vô cùng phấn khởi, bởi dự án xây dựng đập dâng nước Khe San và hệ thống đường ống, bể chứa, bể lọc cấp nước sinh hoạt trên địa bàn xã đã hoàn thành. Giờ đây người dân đã có thể sử dụng nguồn nước sạch thay thế nguồn nước không đảm bảo vệ sinh lấy từ các khe suối.
Ngoài ra, công trình nước sạch mới đã góp phần hoàn thiện các tiêu chí về xây dựng NTM nâng cao của xã Phong Dụ, tạo ra động lực thúc đẩy phát triển KT-XH, nâng cao đời sống người dân địa phương.
Trung tâm giáo dục thường xuyên to, đẹp hơn ở phố
Từ tháng 7/2023, tại thôn Xóm Nương, xã Tiên Lãng (huyện Tiên Yên) mọc lên một công trình giáo dục bề thế, quy mô không thua kém những ngôi trường THPT ở phố. Đó là công trình Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Tiên Yên.
Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Tiên Yên cũ được xây dựng và thành lập từ năm 2009, nằm trên khu đồi cao, diện tích nhỏ hẹp ở khu vực phố Long Tiên, thị trấn Tiên Yên. Qua thời gian, cơ sở vật chất của Trung tâm xuống cấp nghiêm trọng, thường xuyên phải sửa chữa để sử dụng, các phòng học, nhà xưởng không đáp ứng được nhu cầu học tập, đào tạo.
Trước thực tế này, UBND huyện Tiên Yên đã đề xuất tỉnh đầu tư xây mới lại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện tại thôn Xóm Nương, xã Tiên Lãng, huyện Tiên Yên. Công trình đã được hoàn thiện và đưa vào sử dụng từ tháng 7/2023, tổng mức đầu tư 25,5 tỷ đồng, nguồn vốn từ ngân sách tỉnh hỗ trợ xây dựng NTM.
Trường được đầu tư mới đồng bộ, hiện đại với 18 phòng học lý thuyết văn hóa chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT và thực hành dạy nghề; khu nội trú; bếp ăn; nhà để xe; khuôn viên...
Hiện Trung tâm dạy và đào tạo 461 học sinh. Năm học 2023-2024, được chuyển sang nơi mới khang trang, đầy đủ điều kiện, cơ sở vật chất giảng dạy và đào tạo, là niềm vui, phấn khởi và động viên rất lớn của giáo viên và học sinh. Việc xây mới và đưa Trung tâm vào sử dụng đã tạo được một môi trường làm việc, học tập thuận lợi và đáp ứng được niềm mơ ước bấy lâu của cô và trò.
Lãnh đạo Trung tâm cho biết, công trình giúp học sinh ở xa có thể ở lại tại khu nội trú, không phải đi về trong ngày và đảm bảo an toàn cho các em trong những ngày mưa bão, giúp học sinh nâng cao tinh thần học tập, đi học đều hơn, giảm hẳn tình trạng bỏ học như trước. Đây cũng là động lực, tiếp thêm sức mạnh để thầy, trò không ngừng nâng cao chất lượng dạy học và đào tạo nghề, đáp ứng được nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương.