Nan giải tình trạng "báo hóa" mạng xã hội
Đây là chia sẻ của Nhà báo Trần Trọng Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tại buổi tọa đàm với chủ đề “Phát huy vai trò báo chí, xuất bản tham gia thực hiện các Nghị quyết về phát triển TP HCM” do Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM phối hợp cùng Sở Thông tin Truyền thông TP và Hội Nhà báo TP tổ chức ngày 2/11.
Ban Tổ chức tọa đàm cho biết, đã nhận được 65 bài tham luận của các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo thành phố, các chuyên gia từ các cơ quan nghiên cứu, giảng dạy, đại diện các sở ngành, quận, huyện và các lãnh đạo cơ quan báo chí, xuất bản TP HCM và báo chí trung ương đóng chân trên địa bàn thành phố.
Phát biểu tại tọa đàm, Nhà báo Trần Trọng Dũng cho biết, thời gian qua một số cơ quan báo chí đã chủ động xây dựng các tuyến thông tin đa dạng hình thức, trong đó mạnh dạn đưa những hình thức mới như diễn đàn, tọa đàm, infographic, podcast… trên các nền tảng đa phương tiện, mà mạng xã hội như Facebook, YouTube, trang thông tin điện tử,…
Dù vậy, Nhà báo Trần Trọng Dũng cũng chỉ ra, nhiều trang tin tổng hợp và mạng xã hội đã và đang lợi dụng những kẽ hở của pháp luật để tự sản xuất tin bài như báo chí, đăng tải các nội dung có xu hướng tiêu cực, giật gân câu like, câu view,…
Đó là tình trạng “báo hóa" mạng xã hội với hành vi tự sản xuất tin, bài viết như của các cơ quan báo, tạp chí chuyên ngành chính thống. Đồng thời, tình trạng này diễn ra ngày càng phổ biến dưới nhiều hình thức. Thậm chí, có không ít trang thông tin điện tử tổng hợp còn thay đổi nội dung bài viết, đặt lại tít bài,…để giật gân, khai thác mặt tiêu cực của vấn đề.
Theo Nhà báo Trần Trọng Dũng, những hiện tượng tiêu cực này đã và đang ảnh hưởng đến các cơ quan báo chí chính thống, đồng thời cũng trực tiếp ảnh hưởng đến việc tiếp nhận thông tin của xã hội và bạn đọc trên các nền tảng.
Hiến kế tại buổi tọa đàm, đại diện Hội Nhà báo Việt Nam đề xuất mô hình Hội Nhà báo TP HCM cùng các cơ quan hữu quan có thể nghiên cứu thành lập Nhóm điều phối gồm các Phó Tổng Biên tập phụ trách nội dung hoặc Thư ký tòa soạn của các báo đài. Từ đó, giúp tham mưu cho Ban Biên tập các báo đài tổ chức các tuyến bài theo tôn chỉ mục đích và góc nhìn mỗi báo đài. Đồng thời, tạo sự đồng thuận, lan tỏa truyền thông mạnh mẽ hơn trong xã hội.
Cùng quan tâm đến vấn đề về đổi mới báo chí xuất bản, Nhà báo Nguyễn Ngọc Phước, Tổng Biên tập Báo Pháp luật TP HCM cho rằng, việc truyền thông các chủ trương, chính sách của Trung ương và địa phương, trong đó có TP HCM cần song song với công tác truyền thông. Bởi vì, bài học thực tiễn đã cho thấy truyền thông phải đi trước và song hành cùng chính sách. Trong đó, việc tạo điều kiện thuận lợi để báo chí tiếp cận thông tin sớm, đúng, đủ sẽ giúp tuyên truyền tốt nhất về các Nghị quyết phát triển TP HCM.
Cũng tại tọa đàm, Nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng Biên tập Báo Thanh niên hiến kế, TP HCM tiếp tục phát huy việc chủ động cung cấp thông tin cho báo chí, coi đây là giải pháp giữ vai trò quyết định đến thành công của truyền thông chính sách. Riêng người phát ngôn báo chí phải am hiểu và tâm huyết với những chính sách mà Sở ngành, địa phương, cơ quan đơn vị mình quản lý. Mặt khác, việc cung cấp thông tin cũng cần chủ động, nhất quán và xuyên suốt.
Phát biểu tổng kết tọa đàm, ông Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM đã cảm ơn các góp ý, kiến kế của đại diện các cơ quan báo đài khẳng định vai trò của các Nghị quyết được Trung ương, Quốc hội ban hành về phát triển TP HCM. Qua đó, thể hiện sự thống nhất với ý chí và quyết tâm cao, sự tin tưởng, đặt niềm tin vào Đảng bộ và chính quyền thành phố.
Ông Phan Nguyễn Như Khuê cũng cho biết, thời gian tới thành phố sẽ chỉ đạo tiếp tục nghiên cứu đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền, tiếp thu các đóng góp, hiến kế của các cơ quan báo chí để làm sao tăng cường tuyên truyền những mô hình, cách làm hay, sáng tạo liên quan đến quá trình triển khai thực hiện các nghị quyết về phát triển TP HCM./.