Phục hồi thị trường lao động cuối năm

Lê Bảo 03/11/2023 06:46

Tình hình kinh tế - xã hội trong thời gian tới tiếp tục có những điểm sáng, sản xuất công nghiệp khởi sắc… Những tín hiệu tích cực này đã thúc đẩy nhiều doanh nghiệp gia nhập thị trường, dẫn đến nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp có sự tăng trưởng.

Tăng cường kết nối cung - cầu để điều tiết thị trường lao động cuối năm.

Không khó tìm việc

Tại Phiên giao dịch việc làm lưu động Đông Anh (Hà Nội) mới đây, chị Nguyễn Thị Tuyết (37 tuổi, quê Nam Định) đã quyết định nộp hồ sơ ứng tuyển vị trí công nhân may tại 1 doanh nghiệp trong Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội. Trước đây, chị là công nhân may nhưng đã nghỉ việc từ cuối năm 2022 do công ty giảm đơn hàng. Từ đó đến nay, chị làm đủ các việc bán thời gian từ phụ hàng ăn, giao hàng, trông trẻ… để mưu sinh. Nữ công nhân này vẫn luôn mong muốn có công việc ổn định, được đóng bảo hiểm xã hội để hưởng chế độ khi về hưu.

Tương tự, nhiều lao động từng thất nghiệp cho biết, sau thời gian tìm kiếm việc làm đầy khó khăn, ở thời điểm này, họ cảm thấy dễ dàng tiếp cận cơ hội công việc hơn thông qua nhiều kênh thông tin việc làm khác nhau, nhất là tại các sàn giao dịch việc làm, phiên giao dịch việc làm diễn ra liên tục trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đánh giá, từ nay đến cuối năm là thời điểm diễn ra nhiều ngày lễ lớn như Noel, Tết Dương dịch, Tết Nguyên đán, từ đó sẽ tác động tích cực đến xu hướng tuyển dụng, đặc biệt với các vị trí việc làm bán thời gian.

“Chúng tôi đang ghi nhận những tín hiệu tích cực của thị trường lao động vào thời điểm này. Nếu như cách đây 1 - 2 tháng, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, số lượng tuyển dụng ít hơn, nhưng đến nay nhiều doanh nghiệp tham gia tuyển dụng trên thị trường với chỉ tiêu lớn” - ông Thành nói và cho biết, đây cũng là thông lệ của thị trường lao động dịp cuối năm.

Cũng giống như Hà Nội, thị trường lao động tại TPHCM và các tỉnh phía Nam cũng bắt đầu có dấu hiệu phục hồi. Những tấm biển tuyển lao động xuất hiện phổ biến tại cổng các nhà máy, khu công nghiệp tại TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An... nhiều doanh nghiệp tuyển với số lượng lớn từ 1.000 - 2.000 lao động. Dù vậy mới chỉ có khoảng 20% công nhân về lại nhà máy, vẫn còn hàng nghìn vị trí việc làm đang chờ người lao động.

Tăng cường kết nối cung - cầu

Theo nhận định của các chuyên gia, những tín hiệu tích cực của nền kinh tế kéo theo thị trường lao động, tăng trưởng.

Nhận định từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), trong quý IV, 2 địa phương cần nhiều lao động nhất là TPHCM với hơn 80.000 vị trí làm việc, Bình Dương hơn 10.000 vị trí làm việc. 70% nhu cầu tập trung ở nhóm lao động có tay nghề cao, lao động phổ thông. Để kết nối người lao động với doanh nghiệp có nhu cầu, các địa phương đang liên kết với nhau để phân bố nguồn nhân lực đồng đều hơn.

Phó Giám đốc Sở LĐTBXH Hà Nội Nguyễn Tây Nam cho biết, từ nay đến cuối năm, Sở tiếp tục hướng trọng tâm vào thực hiện kế hoạch của thành phố phát triển thị trường lao động linh hoạt, nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội và kế hoạch thu thập, lưu trữ tổng hợp thông tin thị trường lao động trên lao động địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023…

Bà Nguyễn Văn Hạnh Thục - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM cho biết, ngay trong tháng 11 đơn vị này sẽ tổ chức sàn giao dịch việc làm giữa người lao động thành phố với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ. “Doanh nghiệp có nhu cầu thì liên hệ với trung tâm dịch vụ việc làm, chúng tôi giới thiệu miễn phí. Còn người lao động có nhu cầu tìm việc thì từ trước tới nay chúng tôi không thu phí. Ngoài các phiên giao dịch việc làm trực tiếp, sàn giao dịch trực tuyến sẽ liên tục cập nhật các vị trí việc làm mới để người lao động dễ tiếp cận” - bà Thục thông tin.

Lê Bảo