Tăng học phí có phải là 'màng lọc'?
Trong bối cảnh học phí chiếm trên 70% nguồn thu, đầu tư từ ngân sách nhà nước giảm, nhiều trường đại học (ĐH)vẫn giữ ổn định quy mô tuyển sinh nhưng chuyển đổi mô hình đào tạo để vừa giải bài toán kinh tế, vừa nâng cao chất lượng đào tạo.
Lợi thế của chương trình chất lượng cao
Theo thông tin từ Trường ĐH Ngân hàng TPHCM, nguồn thu học phí của trường tăng từ 162 tỷ đồng năm 2020 đến 184 tỷ đồng năm 2021 và 359 tỷ đồng năm 2022 trong khi quy mô đào tạo gần như không thay đổi.
PGS. TS Nguyễn Đức Trung - Hiệu trưởng Trường ĐH Ngân hàng TPHCM cho hay, trường chuyển đổi mô hình sang đào tạo chất lượng cao. Ở thời điểm hiện tại, đã có rất nhiều chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn trước kia đến nay đã chuyển sang hình thức chất lượng cao. Cụ thể, trường hiện có 3 chương trình ĐH chính quy chất lượng cao với chỉ tiêu dự kiến 1.500 sinh viên trong tổng số hơn 3.600 sinh viên.
Học phí dự kiến của chương trình ĐH chính quy là khoảng 7 triệu đồng/ học kỳ trong khi chương trình ĐH chính quy chất lượng cao gần 18 triệu đồng/ học kỳ.
Chương trình chất lượng cao với mức học phí cao hơn chương trình tiêu chuẩn được nhiều trường ĐH áp dụng trong những mùa tuyển sinh gần đây đem lại nguồn thu tốt. Tuy nhiên, tháng 6 vừa qua, Bộ GDĐT bãi bỏ Thông tư 23/2014 quy định về đào tạo chất lượng cao trình độ ĐH, có hiệu lực từ 1/12/2023. 2023 sẽ là năm cuối cùng các trường ĐH được tuyển sinh chương trình chất lượng cao.
Dẫu vậy, từ thực tế các chương trình chất lượng cao giúp chủ động hơn trong xử lý bài toán kinh tế, nhiều trường ĐH đã chủ động thay đổi tên gọi thành chương trình tăng cường ngoại ngữ, chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh… với mức học phí cao hơn nhiều so với chương trình đại trà.
Năm học 2023 – 2024, Trường ĐH Kinh tế - Luật ((ĐH Quốc gia TPHCM) thu học phí chương trình đào tạo bằng tiếng Anh (51 triệu đồng/năm) trong khi chương trình bằng tiếng Việt là 25,9 triệu đồng/năm. Trường ĐH Kinh tế TPHCM thu học phí chương trình bằng tiếng Việt là 940.000 đồng/tín chỉ còn các học phần giảng dạy bằng tiếng Anh có học phí gấp 1,4 lần học phí dạy bằng tiếng Việt.
Mong muốn tự chủ học phí
Hiện nay, khi nguồn thu từ học phí đang chiếm phần lớn trong tổng thu của các trường ĐH, xóa bỏ các chương trình thu học phí cao rõ ràng gây khó khăn cho các trường chưa thực hiện tự chủ, chưa được tự quyết mức thu học phí, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 những năm qua nên không được tăng học phí ĐH.
Với chủ trương đẩy mạnh trao quyền tự chủ cho các trường ĐH, thời gian qua nhiều trường đã công khai mức thu học phí cao hơn ở các chương trình tiêu chuẩn.
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng trường ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội) nhiều lần bày tỏ trăn trở về mức thu học phí ĐH hiện nay. Theo GS Đức, cũng đào tạo về công nghệ, trường khác được thu 60 triệu trong khi Trường ĐH Công nghệ chỉ được thu 20 triệu. Trong bối cảnh nhà nước không còn cấp tiền, học phí thấp khiến nhà trường thiếu nguồn lực để phát triển. GS Đức đề xuất khi thực hiện tự chủ ĐH, trường được tự chủ về tài chính, được cho phép xây dựng định mức kỹ thuật và tự quyết định thu.
Học phí ĐH cao là nỗi lo của nhiều gia đình, học sinh khi chọn ngành, chọn trường. Tuy nhiên, nguồn ngân sách nhà nước ít, nhiều trường phải lấy học phí hệ đào tạo chất lượng cao “bù” cho hệ đại trà cũng không hợp lý. Khi các trường đẩy mạnh tự chủ ĐH, bài toán học phí rõ ràng sẽ dần theo hướng tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo nhằm đưa việc đào tạo và học ĐH trở về thực chất.
Nhiều chuyên gia nhìn nhận đây cũng là “màng lọc” để gia đình và bản thân sinh viên phải cân nhắc kỹ khả năng kinh tế, năng lực học tập, cơ hội việc làm, chất lượng giáo dục của một trường để quyết định có theo học hay không. Bên cạnh đó cần có thêm các chính sách tín dụng cho sinh viên để tạo điều kiện cho người học có khả năng, mong muốn theo học ĐH không bị rào cản về học phí. Ngược lại, điều này có thể trở thành động lực để sinh viên học tập nghiêm chỉnh, quyết tâm lấy lại số vốn đã đầu tư.