Chủ động ứng phó mưa lũ khu vực miền Trung và Tây Nguyên
Bộ Công thương vừa có công điện về việc chủ động ứng phó với mưa lũ tại các tỉnh khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
Theo đó, Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự, phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Bộ Công thương điện Sở Công thương các tỉnh, thành phố: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắc Nông, Lâm Đồng; các chủ đập thủy điện và công trình khai thác khoáng sản khu vực miền Trung và Tây Nguyên... yêu cầu triển khai phòng, chống thiên tai nói chung, mưa lũ, sạt lở nói riêng.
Đồng thời đề nghị các tỉnh, thành phố chỉ đạo các chủ đập thủy điện thực hiện nghiêm quy trình vận hành hồ chứa đã được cấp thẩm quyền phê duyệt, tăng cường kiểm tra vận hành đảm bảo an toàn đập, hồ chứa thủy điện, nhất là các hồ đập xung yếu, các thủy điện nhỏ hoặc đang thi công, sửa chữa. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tại địa phương thông tin kịp thời, bảo đảm an toàn cho người dân, nhất là trong tình huống xả lũ khẩn cấp; tăng cường kiểm tra đảm bảo an toàn đối với hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản và hệ thống lưới điện. Chỉ đạo doanh nghiệp cung ứng hàng hóa triển khai tốt kế hoạch dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ phòng, chống thiên tai năm 2023 của địa phương, chủ động rà soát các khu vực có thể bị chia cắt do mưa, lũ gây ra để có phương án cụ thể đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu, đảm bảo chất lượng phục vụ người dân trên địa bàn.
Bộ Công thương cũng lưu ý các chủ đập thủy điện tổ chức quan trắc, theo dõi chặt chẽ diễn biến khí tượng, thủy văn để chủ động báo cáo cấp thẩm quyền, phối hợp với các cơ quan có liên quan vận hành hồ chứa an toàn, hiệu quả; tham gia cắt/giảm/làm chậm lũ, đảm bảo an toàn cho công trình và vùng hạ du; nghiêm túc tuân thủ quy trình vận hành liên hồ, đơn hồ chứa thủy điện đã được cấp thẩm quyền phê duyệt, đặc biệt là khi xuất hiện các tình huống bất thường, vận hành đảm bảo an toàn công trình.
Chủ cơ sở khai thác khoáng sản cần tổ chức kiểm tra, rà soát kỹ lưỡng các sườn dốc, xung quanh và phía sau công trình đang xây dựng, kho, nhà xưởng, văn phòng nhà điều hành, công trình gần sườn dốc, các mỏ và các bãi thải... nhằm phát hiện nguy cơ dễ gây sạt lở đất không đảm bảo an toàn để có biện pháp xử lý kịp thời.