Khi thủy điện bất ngờ xả lũ
Trong những ngày miền Trung tiếp tục đón những trận mưa lớn, nước sông dâng cao thì Sở Công thương tỉnh Nghệ An đã có báo cáo kết quả kiểm tra việc vận hành xả lũ của các đập, hồ chứa thủy điện Châu Thắng, Nhạn Hạc, trong đợt mưa lớn từ ngày 26 đến 27/9/2023. Đợt mưa lũ đó đã khiến hơn 1.200 nhà dân huyện Quỳ Châu ngập sâu từ 1-5 mét, 5.000 người dân phải di dời.
Chỉ trong 2 ngày, mưa lớn kết hợp với thủy điện đồng loạt xả lũ đã gây thiệt hại cho huyện Quỳ Châu khoảng 180 tỷ đồng. Quỳ Châu là một huyện miền núi nghèo có hơn 60.000 dân, thu ngân sách năm 2022 chỉ có 27 tỷ đồng, thiệt hại như vậy là quá lớn.
Đoàn kiểm tra của Sở Công thương tỉnh Nghệ An đã kết luận công tác dự báo của hồ thủy điện Châu Thắng, Nhạn Hạc chưa chính xác, còn bị động trong dự báo lưu lượng nước về hồ nên chưa thực hiện được thông báo cảnh báo sớm cho vùng hạ du.
Trước đó, sau khi trận lũ xảy ra trong 2 ngày 26-27/9 trên địa bàn, UBND huyện Quỳ Châu đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Nghệ An, trong đó huyện kiến nghị tỉnh đánh giá nguyên nhân gây lũ lụt, trong đó xem xét quy trình xả lũ của các nhà máy thủy điện trong việc xả lũ.
Nhiều năm qua, bão lũ và ngập lụt luôn là nỗi ám ảnh người dân miền Trung, suốt từ Nghệ An cho tới Phú Yên, Khánh Hòa. Mưa lũ gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản của người dân. Nhiều khi chỉ một trận lụt đã đủ nhấn chìm và cướp đi toàn bộ tài sản mà người dân phải gây dựng từ mồ hôi, nước mắt bao năm ròng. Đáng lo ngại hơn là mưa lớn kéo dài gây lũ lụt, nhưng nước lên nhanh còn có thể do các nhà máy thủy điện, hồ thủy lợi xả lũ.
Nước mênh mông, người dân chạy lũ rét tê tái nhưng trong lòng lại như có lửa đốt. Còn nhớ tháng 10 năm 2016, trong mùa mưa bão, huyện Hương Khê - “rốn lũ” của tỉnh Hà Tĩnh - bị thiệt hại nặng nề khi có hơn 5.000 nhà dân bị nước ngập sâu, có nơi ngập sâu tới 4 mét. Thời điểm đó, người dân và cả lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, thuỷ điện Hố Hô chính là thủ phạm vì xả lũ bất thình lình, không thông báo trước. Việc xả lũ lại diễn ra ban đêm khiến nhiều người dân không kịp trở tay, mất trắng tài sản.
Còn tại Nghệ An, trong mùa mưa bão năm 2018, các huyện miền núi dọc Quốc lộ 7A phải hứng chịu thiệt hại sau khi các nhà máy thủy điện xả lũ. Nhiều thôn, bản bị ngập sâu trong nước. Trong đó, Nhà máy thủy điện Bản Vẽ xả mức nước kỷ lục. Tháng 5/2019, Nhà máy thủy điện Nậm Nơn bất ngờ xả lũ cũng không thông báo, khiến một người dân xã Xá Lượng (huyện Tương Dương) đang đánh cá phía dưới vùng hạ du bị lật thuyền, mất mạng. Công an huyện Tương Dương sau đó khởi tố vụ án “vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính”. Phía nhà máy và các cá nhân liên quan đã hỗ trợ gia đình nạn nhân số tiền gần 700 triệu đồng nhưng cũng không thể nguôi được nỗi đau mất người thân.
Lo sự an toàn cho các hồ chứa, người ta đã xả lũ ngay trong khi mưa bão, nước từ thượng nguồn ào ạt đổ về. Từ đó gây ra “lũ chồng lũ”. Thiên tai đến cùng “nhân tai”. Lượng nước khổng lồ được ví như những quả bom nước trút xuống vùng hạ du trong khi dòng chảy thoát lũ hẹp đã tạo thành cơn lũ lớn. Trong khi đó, theo quy định, thông báo vận hành xả lũ phải được ban hành trước khi thực hiện xả lũ ít nhất 4 giờ.
Chưa hết, cuối năm 2022, phát biểu tại phiên họp HĐND tỉnh, nói về quy trình xả lũ, ông Thái Thanh Quý - Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An cho rằng, dù xả lũ đúng quy trình, nhưng thông báo xả lúc 2 giờ sáng thì người dân làm sao kịp trở tay. “Việc tính toán được lưu lượng nước về hồ chứa để điều tiết xả lũ phù hợp là trách nhiệm của các chủ thủy điện, để đảm bảo an toàn cho hạ tầng, tính mạng và tài sản của người dân vùng hạ du” - ông Quý nói.
Theo cơ quan dự báo thời tiết, từ nay đến cuối năm, miền Trung vẫn có thể phải hứng chịu bão, mưa lớn. Vì thế, trách nhiệm của các nhà máy thủy điện, hồ chứa thủy lợi lớn trong việc dự báo, đề phòng cũng như vận hành rất lớn. Nếu chỉ vì lo cho sự an toàn của mình, vội vã xả nước mà “quên” sự an toàn của hạ du thì đó là hành vi không thể chấp nhận. Dư luận đang chờ việc xử lý của cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An đối với vi phạm của 2 thủy điện Châu Thắng, Nhạn Hạc khi được cho là đã góp phần tạo ra trận lũ gây thiệt hại rất lớn cho huyện Quỳ Châu vào cuối tháng 9 vừa qua.
Chỉ có xử lý nghiêm thì người dân miền Trung mới không còn lo sợ “những quả bom nước phát nổ” trong mùa mưa bão.