Ngân hàng trước nguy cơ nợ xấu

T.Hằng-P.Vân 03/11/2023 06:47

Dù các ngân hàng rất nỗ lực kiềm chế nợ xấu, tuy nhiên, so với đầu năm, tình hình nợ xấu là đáng lo ngại.

Nhiều ngân hàng đối mặt với nợ xấu.

Chẳng hạn tại Saigonbank, nợ xấu (nợ từ nhóm 3 đến nhóm 5) đến cuối tháng 9/2023 tăng 9,4% với 435 tỷ đồng. Tại BacABank, tổng nợ xấu nội bảng đến cuối tháng 9 là 762,3 tỷ đồng, tăng đến 48,3% so với hồi đầu năm. Còn ở PGBank, nợ xấu đến cuối tháng 9 đã tăng lên mức 796 tỷ đồng...

Trên trang web của nhiều ngân hàng, các thông báo bán nợ, đấu giá khoản nợ xuất hiện nhiều. Tại phiên thảo luận tổ về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 mới đây, ĐBQH Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) đã bày tỏ lo ngại khi nợ xấu ngân hàng đang cao và sẽ tiếp tục gia tăng, phản ánh sức khỏe nền kinh tế thực.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà thừa nhận, trong bối cảnh khó khăn, doanh nghiệp (DN) khó trả nợ cũ, không muốn vay mới, nợ xấu có xu hướng tăng lên. Theo Ngân hàng Nhà nước, nguyên nhân khiến nợ xấu tăng là do DN đang chịu những tác động bất lợi từ môi trường bên ngoài, làm suy giảm khả năng trả các khoản nợ quá hạn của các hộ gia đình và DN. Ý thức trả nợ của một bộ phận khách hàng còn thấp, cùng với đó thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn, thanh khoản thấp, gây khó khăn trong việc xử lý tài sản bảo đảm là bất động sản.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), nợ xấu của các tổ chức tín dụng là rất đáng lo ngại. Trong khi đó, việc thu hồi nợ xấu, bán tài sản đảm bảo rất gian nan do thị trường trầm lắng, hàng loạt vướng mắc về pháp lý chưa được gỡ.

Không chỉ vậy, theo phản ánh từ phía ngân hàng, một số ngân hàng đang đứng trước nguy cơ tài sản thế chấp “bỗng dưng bốc hơi” do khách hàng kiện nhau khiến hợp đồng tín dụng bị tuyên vô hiệu. Cụ thể, gần đây, việc khách hàng vay vốn đã thế chấp tài sản đảm bảo, song sau đó tranh chấp với chủ sở hữu cũ tăng lên chóng mặt, khiến ngân hàng không thể thu hồi nợ. Các ngân hàng nghi ngờ, tình trạng này xảy ra do khách hàng sử dụng “chiêu trò” để ngân hàng không thể thu giữ tài sản đảm bảo, trốn tránh trả nợ ngân hàng. Nhiều trường hợp khi vay vốn ngân hàng, bố mẹ ký vào hợp đồng thế chấp tài sản đảm bảo, nhưng con cái không ký. Đến khi quá hạn trả nợ, ngân hàng thu giữ tài sản đảm bảo, thì người trong gia đình lại tranh chấp, kiện tụng, các con đòi chia tài sản… Hoặc có trường hợp con bịa chữ ký của mẹ để vay vốn, khi ngân hàng thu hồi nợ mới phát hiện ra, khi đó hợp đồng tín dụng bị tuyên vô hiệu, ngân hàng mất trắng tài sản thế chấp, có nguy cơ không đòi được nợ.

Dù đã rất cố gắng song trong thời gian gần đây, hoạt động xử lý nợ xấu của ngành ngân hàng gặp nhiều khó khăn, thậm chí có chiều hướng xấu đi, do thị trường bất động sản “đóng băng” và phần lớn khách hàng là DN thiếu đầu ra. Để giảm tỷ lệ nợ xấu, Ngân hàng Nhà nước đã có các biện pháp điều hành linh hoạt kéo lãi suất giảm trở lại bằng nhiều công cụ chính sách tiền tệ. Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 02/2023 cho phép tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ. Từ đó, hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh và khách hàng gặp khó khăn trả nợ khoản vay phục vụ đời sống, tiêu dùng.

Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ thực hiện quyết liệt các biện pháp thu hồi nợ, sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro, nâng cao chất lượng tín dụng, ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh, phấn đấu đến cuối năm 2025, đưa nợ xấu toàn hệ thống (không bao gồm các ngân hàng thương mại yếu kém) ở mức dưới 3%, bao gồm nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho Công ty TNHH một thành viên Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) chưa được xử lý, thu hồi và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính từ năm 2012 đến cuối tháng 7/2023, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 1.695,7 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Tính riêng trong 7 tháng của năm 2023, toàn hệ thống xử lý được 128,8 nghìn tỷ đồng nợ xấu, tăng 46,3% so với cùng kỳ năm trước. Đến cuối tháng 7/2023, tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 3,56%, cao hơn mức 2% cuối năm 2022 và mức 1,69% cuối năm 2020. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn của hệ thống các tổ chức tín dụng là 6,16% so với tổng dư nợ.

T.Hằng-P.Vân