Mạo hiểm nhưng không nguy hiểm
Không ít tai nạn đến từ du lịch mạo hiểm, đặc biệt là 2 vụ xảy ra tại tỉnh Lâm Đồng gần đây khiến 5 du khách nước ngoài tử nạn đã khiến dư luận dậy sóng. Không ít người đưa ra đề xuất về việc “nói không” với du lịch mạo hiểm. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam với nhiều lợi thế vẫn nên phát triển du lịch mạo hiểm, trên cơ sở kiểm soát chặt chẽ và tăng cường trách nhiệm của nhiều bên.
Ở đây, chưa bàn đến luồng ý kiến cho rằng cần phải cấm hẳn du lịch mạo hiểm, mà xin được góp thêm ý kiến về việc làm sao vẫn phát triển hình thức du lịch mạo hiểm, nhưng không nguy hiểm.
Với thế giới, du lịch mạo hiểm thu hút nhiều du khách và cũng có được nguồn thu đáng kể. Đặc biệt, người châu Âu, châu Mỹ rất thích loại hình trải nghiệm, khám phá và khẳng định bản thân khi có được cảm giác không bao giờ quên. Mạo hiểm và rủi ro, nhưng theo Tổ chức Du lịch thế giới (NUWTO), du lịch mạo hiểm toàn cầu đạt giá trị 3,67 tỷ USD vào năm 2022 và được dự đoán tăng lên 4,6 tỷ USD vào năm 2030.
Còn tại Việt Nam, do có nhiều dãy núi cao, nhiều khu rừng nguyên sinh, nhiều hang động, thác nước và biển đảo... thuận lợi cho du lịch mạo hiểm phát triển. Tour du lịch mạo hiểm có 2 cấp độ. Ở mức độ thông thường mang tính trải nghiệm như trekking, leo núi, chèo thuyền kayak và lặn biển. Còn ở cấp độ cao, còn gọi là “siêu mạo hiểm”, bắt buộc đơn vị tổ chức phải rất chuyên nghiệp.
Dù Luật Du lịch đã có (năm 2017) nhưng đáng tiếc đây là loại hình mới nên chưa có các quy định rõ ràng về hoạt động du lịch mạo hiểm, mới chỉ có các quy định về thể thao mạo hiểm. Trong khi đó, cùng với trào lưu du lịch tự do, tại nhiều điểm du lịch mạo hiểm, du khách đi tự phát, không có tổ chức, không sử dụng biện pháp bảo vệ mình khi tham gia chương trình mạo hiểm, dễ dẫn đến nguy cơ bị tai nạn. Còn về phía điểm du lịch cũng không tự trang bị điều kiện cần thiết bảo vệ du khách tránh được hiểm nguy có thể xảy ra. Đáng chú ý, các tour du lịch mạo hiểm mang lại hiệu quả kinh tế lớn nên chủ cơ sở du lịch đã “quên” sự an toàn của du khách.
Cụ thể là với vụ tai nạn vào chiều 24/10/2023 khiến 4 du khách Hàn Quốc tử vong ở làng Cù Lần (huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) thì tour này được tổ chức vào mùa mưa khi có nhiều diễn biến bất thường như mưa gió, bão lũ, sạt lở… Thời điểm xảy ra tai nạn, nhân viên lái xe khu du lịch đang chở khách tham quan trải nghiệm dọc khu vực suối cạn, theo tuyến du lịch tại Khu du lịch Làng Cù Lần, thì bất ngờ lũ từ thượng nguồn đổ về cuốn trôi chiếc xe. Trên xe có 5 người, gồm 4 du khách Hàn Quốc (2 nam, 2 nữ) và 1 lái xe người Việt Nam. Khi xảy ra tai nạn, có 2 người thoát ra ngoài bị thương là 1 lái xe và 1 nam du khách, 3 hành khách còn lại bị lũ cuốn trôi. Du khách thoát ra ngoài xe sau đó được đưa đến bệnh viện cấp cứu, nhưng đã tử vong.
Sau đó, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng có văn bản đề nghị Khu Du lịch làng Cù Lần tạm dừng các hoạt động kinh doanh du lịch, để làm rõ nguyên nhân vụ lũ cuốn làm 4 du khách tử vong. Nhưng điều đó cho thấy vẫn nặng tính hành chính và bị động trước sự cố rất nghiêm trọng và đáng tiếc đã xảy ra.
Trước rủi ro chực chờ thì để phát triển loại hình du lịch mạo hiểm, cơ quan chức năng, đơn vị tổ chức, địa phương luôn phải đi trước một bước. Đó là phải xây dựng và ban hành các quy định pháp lý chung về phát triển du lịch mạo hiểm trên toàn quốc. Tiếp đến, chính quyền địa phương cần tổ chức khảo sát, đánh giá, quy hoạch lại những điểm du lịch mạo hiểm. Với những khu vực có sông, suối, thác ghềnh… cần có quy chế phối hợp với các công ty thủy điện, chính quyền địa phương để nắm bắt tình hình. Khi có những cảnh báo mưa lũ, xả lũ... đơn vị khai thác tour du lịch mạo hiểm cần tạm thời dừng kinh doanh.
Dẫu thế, như đã nói, du lịch mạo hiểm là lĩnh vực giàu tiềm năng của Việt Nam, không nên vì những tai nạn vừa qua mà cấm, không cho phép phát triển.
Vấn đề là vẫn phát triển du lịch mạo hiểm nhưng không nguy hiểm. Trở lại với vụ tai nạn tại Khu du lịch Làng Cù Lần, ông Phạm Hải Quỳnh - Viện trưởng Viện Phát triển du lịch châu Á, Chủ tịch Liên chi hội du lịch cộng đồng Việt Nam cho rằng vụ việc bộc lộ tình trạng tổ chức du lịch mạo hiểm theo kiểu “làm tắt”, nhân viên thiếu kỹ năng xử lý tình huống phát sinh.
Không may sự cố xảy ra nếu chỉ đóng cửa và phạt khu du lịch là chưa đủ. Mà còn phải xem xét, xử lý trách nhiệm những tổ chức liên quan, trong đó có Sở Du lịch và chính quyền địa phương. Chỉ có như vậy mới yên tâm phát triển du lịch mạo hiểm khi mà nguy hiểm được hạn chế ở mức thấp nhất.