Đơn hàng phục hồi, ngành gỗ khởi sắc

Thanh Xuân 04/11/2023 08:15

Sớm gia nhập câu lạc bộ các mặt hàng xuất khẩu “chục tỷ đô”, ngành gỗ đã trở thành một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực. Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu, ngành gỗ cũng đang đối diện nhiều khó khăn, thách thức.

Ngành gỗ nỗ lực tìm hướng đi phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của thế gới.

Theo Chủ tịch Hawa Nguyễn Quốc Khanh, thời gian qua, doanh nghiệp ngành gỗ cũng đang khẳng định tính chủ động trong kinh doanh hội nhập. Khi thị trường suy giảm, doanh nghiệp không hề bị động mà cố gắng thích ứng. Một mặt, doanh nghiệp tổ chức lại bộ máy sản xuất, tinh gọn mô hình để tiết giảm chi phí. Mặt khác, nỗ lực tận dụng các hỗ trợ từ các cơ quan xúc tiến thương mại tìm kiếm thị trường mới.

Tín hiệu khả quan

Tại buổi tọa đàm “Giải pháp tăng trưởng kinh tế cuối năm 2023 - đầu năm 2024” diễn ra vào sáng 3/11, ông Nguyễn Chánh Phương - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM (Hawa) cho biết, đến tháng 10/2023, ngành gỗ xuất khẩu khoảng 10,8 tỷ USD, giảm 19,9% so với cùng kỳ. Mặc dù vẫn còn tăng trưởng âm, song đà giảm đã thu hẹp lại.

Theo đó, từ tháng 7 đến nay, tăng trưởng của ngành các tháng sau đều tăng nhanh hơn tháng trước và tháng 10 năm nay đã chạm mốc cùng kỳ, cho thấy tín hiệu tốt. Theo tính toán, đến cuối năm nay, tăng trưởng vẫn giảm so với năm ngoái, chưa thể có đột phá lớn.

Cũng theo ông Phương, ngành gỗ đã trải qua thời gian tăng trưởng liên tục trong 10-15 năm với mức tăng trưởng mỗi năm đạt 10-15%. Tuy nhiên, sau thời gian tăng trưởng này, các doanh nghiệp (DN) gỗ Việt Nam bắt đầu đi vào vùng an toàn khi làm xuất khẩu nhưng sản xuất ở nội địa, chờ nhà mua hàng quốc tế đến. Khi đơn hàng hiếm, các DN Việt Nam mới đi xúc tiến xuất khẩu song không có mặt hàng mới. Bên cạnh đó, tỷ lệ DN Việt Nam tham gia các hội chợ vẫn còn hạn chế. Theo Hawa, số lượng DN Việt Nam tham gia hội chợ khoảng hơn 60%, và DN nước ngoài cũng đến mua nhưng con số tuyệt đối không nhiều, chỉ khoảng 220 DN.

Nguyên nhân là do các DN trong nước làm gia công nên không có nhiều sản phẩm để tham gia giới thiệu. “Do vậy, thời gian tới, các DN cần đầu tư sản phẩm, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, từ đó tạo lợi thế cạnh tranh” – ông Phương nêu quan điểm.

Để tháo gỡ những khó khăn của ngành gỗ, ông Phương cho rằng, việc tăng cường xúc tiến thương mại giữ vai trò quan trọng. Thực tế, từ năm đầu năm 2023 đến nay, trong bối cảnh khó khăn, đơn hàng sụt giảm, Hawa đã đẩy mạnh các công tác hỗ trợ DN thành viên và hiện hội vẫn đang tiếp tục tổ chức các sự kiện xúc tiến, thương mại... cho DN.

Thực tế của bức tranh ngành gỗ thời gian qua cũng cho thấy, sự sụt giảm đơn hàng đã khiến doanh thu của các DN giảm rõ rệt. Đây cũng là tình trạng chung của hầu hết các ngành, lĩnh vực xuất khẩu do nền kinh tế thế giới có nhiều biến động.

Tuy nhiên, thời điểm này, xuất khẩu gỗ đã ghi nhận những tín hiệu khả quan hơn. Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Ấn Độ ghi nhận tốc độ tăng trưởng mạnh. Tháng 8/2023, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường này đạt hơn 13,8 triệu USD, tăng 334,5% so với tháng 8/2022. Tính chung 8 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu sang Ấn Độ đạt 64,9 triệu USD, tăng 265,8% so với cùng kỳ năm 2022.

Bên cạnh đó, hiện các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã tham gia có thể mang lại nhiều lợi thế cho DN gỗ trong nước. Đơn cử Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mang lại cơ hội “kép” cho ngành gỗ Việt Nam với cả lợi thế thúc đẩy xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ cũng như gia tăng nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ những nguồn cung gỗ trong khối với thuế quan ưu đãi.

Đáng chú ý, dịp cuối năm, nhu cầu tiêu thụ gỗ và sản phẩm gỗ, đặc biệt là nhóm hàng đồ nội thất bằng gỗ toàn cầu thường có xu hướng tăng, khi thị trường nhà ở hoàn thiện và nhu cầu thay thế nội thất gia tăng để đáp ứng mùa lễ hội. Đây là cơ hội để các DN xuất khẩu gỗ đón nhận đơn hàng trong những tháng tới.

Chủ động tìm kiếm hướng đi mới

Thông tin từ Hiệp hội Gỗ và Lâm Sản Việt Nam cũng cho biết, dự kiến trong thời gian tới, nhu cầu viên nén tại thị trường Hàn Quốc sẽ tăng trở lại với lượng tiêu thụ 100.000 tấn/tháng. Còn tại Nhật Bản, các DN Việt đã ký được các hợp đồng dài hạn 2-3 năm cung cấp viên nén. Có thể thấy, 2 thị trường nhập khẩu lớn viên nén của Việt Nam là Hàn Quốc và Nhật Bản, (chiếm 98% tổng lượng) đang có tín hiệu tốt.

Còn thị trường châu Âu dần ổn định sau cơn sốt các nguồn cung ứng năng lượng, bao gồm cả nhiên liệu sinh khối. Tuy nhiên, với những cam kết giảm mạnh phát thải và tăng cường sử dụng năng lượng sinh học, xuất khẩu viên nén sẽ phục hồi cả về giá và khối lượng từ những tháng cuối năm 2023. Đây là tín hiệu đáng mừng cho ngành gỗ Việt Nam. Cùng đó, nhiều doanh nghiệp cũng tìm hướng đi riêng biệt để tìm kiếm khách hàng mới cho giai đoạn tiếp theo của ngành ứng phó khó khăn hiện nay.

Ông Patrick Mui, Giám đốc tư vấn điều hành Centdegrés Việt Nam đánh giá, đồ gỗ vào thị trường châu Âu có mảng đồ trang trí được xem là thị trường ngách dự kiến tăng trưởng 4,27%/năm cho giai đoạn 2023-2026, đến năm 2026 có thể đạt 7,05 tỷ USD. Với những mặt hàng trang trí nội thất càng có nét bản địa, bản sắc riêng thì các DN vừa và nhỏ của Việt Nam càng có nhiều thị trường ngách hơn, sẽ hướng tới đối tượng khách hàng nhất định tại thị trường châu Âu.

Giới chuyên gia trong ngành cũng cho rằng, song song với việc tìm các dòng sản phẩm phục vụ cho thị trường ngách, các DN cũng dần chủ động hơn trong việc tìm kiếm đơn hàng mới. Thời gian qua, nhiều DN gỗ cũng đã mạnh mẽ tái cấu trúc, đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ để hướng tới phát triển dòng sản phẩm xanh, thân thiện môi trường, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng thế giới. Đây cũng nên là hướng đi tất yếu của không chỉ các DN ngành gỗ.

Thanh Xuân