Học ngoại khóa ở di tích, bảo tàng

Dung Hòa 04/11/2023 07:05

Gần đây không ít bảo tàng chú trọng thay đổi nội dung, đa dạng hóa, đổi mới nhiều lĩnh vực hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu và đem đến những trải nghiệm cho công chúng, đặc biệt là với học sinh, giúp các em có những trải nghiệm bổ ích, lý thú.

Học sinh trải nghiệm tại bảo tàng. ảnh minh họa.

Hút khách nhờ đa dạng hoạt động

Thời gian qua, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia phối hợp một số bảo tàng tỉnh, thành phố và các ban, ngành, tổ chức CLB "Em yêu lịch sử" theo chủ đề nhân các ngày lễ lớn, kỷ niệm sự kiện, hoặc các chủ đề gắn với nội dung trưng bày chuyên đề hay cố định của bảo tàng, di tích tại địa phương. Hoạt động giáo dục qua mô hình CLB "Em yêu lịch sử", "Giờ học Lịch sử" dành cho học sinh phổ thông, sinh viên, học viên các trường đại học, học viện quân sự... tạo ra sức hút của của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Những hoạt động này liên tục được đổi mới, đa dạng về nội dung, hình thức.

Tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, các chương trình giáo dục được xây dựng hướng vào học sinh và gia đình nhằm thu hút công chúng địa phương. Chủ đề tìm hiểu về “Chuyến đi của giọt nước” được thực hiện từ năm 2022 gắn kết nội dung trưng bày với chương trình chính khóa ở nhà trường, ứng dụng phương pháp giáo dục tích hợp để học sinh trải nghiệm và ghi nhớ thông tin trực quan. Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam còn thực hiện nhiều chủ đề khám phá hấp dẫn khác, thu hút hàng chục nghìn lượt học sinh tham gia tương tác như: Trải nghiệm kỹ thuật tạo hoa văn trên vải của đồng bào Mông, lý giải bí ẩn thời tiết trên con đường Trường Sơn, tìm hiểu cơ thể và kỹ năng bảo vệ bản thân, trò chơi “Truy tìm hiện vật”...

Trải nghiệm tại di tích lịch sử

Nhằm giúp hoạt động trải nghiệm của học sinh có ý nghĩa thiết thực, mới đây Sở GDĐT Hà Nội ký thỏa thuận hợp tác với Sở Văn hóa và Thể thao, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long Hà Nội, UBND các huyện Gia Lâm, Sóc Sơn và thị xã Sơn Tây về việc triển khai chương trình giáo dục di sản, tham quan học tập ngoại khóa tại các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn thành phố.

Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, 100% trường học tại Hà Nội đưa học sinh đến di tích học tập ít nhất một lần trong năm học. Các em sẽ được tiếp cận trực tiếp với di sản văn hóa, làng nghề truyền thống, tham gia các lễ hội và một số công đoạn sản xuất truyền thống. Chương trình học tập sẽ được xây dựng dưới nhiều hình thức như đố vui, vẽ tranh, hùng biện, thực hiện dự án và hoạt động phục vụ cộng đồng.

Ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội cho hay, chương trình GDPT 2018 đã dành thời lượng cho hoạt động giáo dục địa phương. Vì vậy, việc tổ chức cho học sinh tham quan, trải nghiệm các di tích lịch sử không chỉ dừng ở hoạt động ngoại khóa, mà có ý nghĩa quan trọng trong việc giáo dục các em. Với mỗi chuyến trải nghiệm, các trường đều phải làm kế hoạch, trình các cấp quản lý phê duyệt.

Ông Cương cũng cho rằng, việc nhiều trường tổ chức trải nghiệm ngoại tỉnh tiềm ẩn nguy cơ về an toàn giao thông do đường xa, khó quản lý học sinh. Trong khi đó, Hà Nội có hơn 5.900 di tích, chiếm 1/10 tổng số di tích cả nước, đáng chú ý như Nhà tù Hỏa Lò, Văn miếu Quốc Tử Giám, Đền Gióng, Thành cổ Sơn Tây... mang đậm dấu ấn lịch sử nghìn năm văn hiến. Do đó không nhất thiết phải đưa học sinh đi tham quan, trải nghiệm ở xa.

Dung Hòa