Luật thuế Thu nhập cá nhân: Vẫn còn nhiều bất cập

T.Hằng 04/11/2023 08:30

Nhiều ý kiến cho rằng Luật Thuế thu nhập cá nhân có hiệu lực từ năm 2009 (đã qua quá trình sửa đổi, bổ sung vào các năm 2012, 2014) nhưng không còn phù hợp với điều kiện hiện nay và cần phải sớm sửa đổi. 

Người tiêu dùng đắn đo trong việc chi tiêu do có quá nhiều gánh nặng trên vai. Ảnh: Quang Vinh.

Điều hành thuế không nên cứng nhắc

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh chỉ thực hiện khi lạm phát thay đổi 20% là quá cứng nhắc. Không nên điều hành thuế theo lạm phát vì theo mỗi năm, mức sống của người dân tăng lên. Sau một năm, từ đủ cơm no áo ấm, người dân muốn đi du lịch, muốn vui chơi, tái tạo sức lao động, như vậy, mỗi năm một khác, tại sao lại cố định giảm trừ gia cảnh theo lạm phát. Các nước đã tiến tới giảm dần mức thuế TNCN để hỗ trợ người dân, khuyến khích người dân lao động sáng tạo, nâng cao thu nhập.

Vì vậy, theo ông Thịnh, người làm chính sách thuế cần phải thay đổi tư duy, xây dựng chính sách thuế hợp lý để khuyến khích người lao động sáng tạo.

TS Ngô Trí Long cũng nhấn mạnh, cách tính mức giảm trừ gia cảnh chỉ căn cứ vào biến động CPI là chưa đủ mà còn phải tính theo xu hướng phát triển nhu cầu tiêu dùng của người dân. Thực tế, từ 1/7/2013 đến nay, đời sống của người dân đã nâng lên rất nhiều, nhu cầu về vật chất và tinh thần cao hơn nhiều. “Chẳng hạn nếu trước kia người tiêu dùng mua một cái túi có giá 1 triệu đồng, thì bây giờ giá tăng 20%, cũng chiếc túi đó nhưng giá bán đã lên 1,2 triệu đồng. Nhưng theo xu hướng, cái túi cũ lại lỗi mốt rồi, người ta không bán nó nữa mà làm ra cái túi mới, giá cao thêm 10% nữa, thì giá chiếc túi lại là 1,3 triệu đồng. Cho nên theo tôi, chỉ số giá tiêu dùng chỉ là một căn cứ thôi, Bộ Tài chính cần phải tính toán trên nhiều phương diện nữa” – ông Long phân tích.

Bắt đầu từ năm 1990, Hội đồng Nhà nước thông qua Pháp lệnh Thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao, có hiệu lực từ ngày 1/4/1991; đến năm 2007, Quốc hội ban hành Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) có hiệu lực từ năm 2009 cho đến nay (đã qua quá trình sửa đổi, bổ sung vào các năm 2012, 2014), đưa sắc thuế này trở nên hiện đại và toàn diện hơn.

Luật Thuế TNCN với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh, thực hiện giảm thuế suất, xóa bỏ sự phân biệt đối xử giữa cá nhân trong và ngoài nước; đồng thời cho phép áp dụng giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế và người phụ thuộc mà người nộp thuế phải nuôi dưỡng.

Bộ Tài chính cho biết, theo quy định của Luật Thuế TNCN hiện hành, cá nhân được trừ các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với một số ngành nghề phải tham gia bảo hiểm bắt buộc, trừ đi mức giảm trừ gia cảnh, các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, các khoản phụ cấp, trợ cấp theo quy định… số còn lại mới là thu nhập làm căn cứ tính thuế TNCN.

Ngày 2/6/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 954 về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế TNCN. Theo đó, điều chỉnh nâng mức giảm trừ cho người nộp thuế từ 9 triệu đồng/tháng lên 11 triệu đồng/tháng, cho mỗi người phụ thuộc từ 3,6 triệu đồng/tháng lên 4,4 triệu đồng/tháng và áp dụng ngay từ kỳ tính thuế năm 2020. Việc điều chỉnh nâng mức giảm trừ gia cảnh của thuế TNCN đã góp phần giảm bớt nghĩa vụ cho người nộp thuế, số thuế phải nộp được giảm cho mọi đối tượng đang nộp thuế TNCN.

Với mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế hiện nay là 11 triệu đồng/tháng và cho mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng thì người có thu nhập từ tiền lương, tiền công ở mức 17 triệu đồng/tháng (nếu có 1 người phụ thuộc) hay mức 22 triệu đồng/tháng (nếu có 2 người phụ thuộc) sau khi trừ các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp... thì cũng chưa phải nộp thuế TNCN.

Quy định cần phù hợp thực tế

Nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay nhiều chính sách thuế biểu hiện sự lạc hậu, bất cập nhưng chậm được xem xét, điều chỉnh. Chẳng hạn thuế TNCN hiện hành với các quy định về khởi điểm thu nhập chịu thuế, việc phân chia bậc lũy tiến hay mức giảm trừ gia cảnh không được cập nhật theo biến động của mức lương tối thiểu, của giá cả, của lạm phát. Có nội dung lạc hậu cả chục năm và đây là những bất cập rất lớn.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Đoàn Thị Thanh Mai nêu quan điểm, mức giảm trừ gia cảnh người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng và mỗi người phụ thuộc 4,4 triệu đồng/tháng đã duy trì từ tháng 7/2020. Mức này không còn phù hợp so với biến động liên tục mặt bằng giá chung, tạo ra sự thiếu công bằng với các đối tượng nộp thuế.

Theo bà Mai, hầu hết mặt hàng tiêu dùng, dịch vụ đều tăng, khoảng 20-30% từ sau dịch Covid-19, khiến chi phí sinh hoạt của người dân đội lên, trong khi thu nhập không tăng, thậm chí giảm. Tại các khu đô thị, nhiều người dân phải thuê nhà trọ, khi tiền điện, tiền nước và giá cả hàng hóa đều tăng, thì áp lực lên đời sống là quá lớn, lại cáng thêm Thuế TNCN thì sẽ rất khó khăn. Bên cạnh đó, gia đình có con em đi học cũng phải gánh thêm nhiều chi phí. “Với nhiều gia đình, nhất là tại các thành phố lớn, mức giảm trừ gia cảnh hiện nay không đủ để đáp ứng chi tiêu cơ bản” – bà Mai nhấn mạnh.

Trong khi đó, Thuế TNCN được coi là công cụ giúp điều tiết kinh tế vĩ mô, góp phần tăng phúc lợi xã hội thông qua việc giảm bớt thu nhập của những đối tượng có thu nhập cao và phân phối lại cho những người thu nhập thấp hơn.

Tuy nhiên, việc quy định 7 bậc thuế như hiện nay chưa đảm bảo phù hợp thực tế. Nhiều ý kiến cho rằng, giảm bớt số bậc thuế sẽ giúp kê khai, thu nộp và quản lý thuế dễ dàng hơn.

Giới chuyên gia cho rằng, hiện nay nhiều chính sách thuế biểu hiện sự lạc hậu, bất cập nhưng chậm được xem xét, điều chỉnh. Chẳng hạn Thuế TNCN hiện hành với các quy định về khởi điểm thu nhập chịu thuế, việc phân chia bậc lũy tiến hay mức giảm trừ gia cảnh không được cập nhật theo biến động của mức lương tối thiểu, của giá cả, của lạm phát. Có nội dung lạc hậu cả chục năm và đây là những bất cập rất lớn.

T.Hằng