Thi tốt nghiệp THPT năm 2025: Tránh ‘học gì, thi nấy’

PHƯƠNG LINH 05/11/2023 06:45

Thời gian qua, nhiều phụ huynh có con sẽ tốt nghiệp THPT năm 2025 rất quan tâm đến phương án thi. Dự kiến, phương án thi sẽ được Bộ GDĐT công bố vào quý IV/2023. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Bộ GDĐT vẫn chưa chốt phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025 sẽ gồm bao nhiêu môn thi bắt buộc. Song, nhiều phụ huynh, giáo viên cho rằng, nên thay đổi tư duy “học gì, thi nấy”.

Cần lựa chọn phương án thi để giảm áp lực cho thí sinh trong kỳ thi THPT 2025. Ảnh minh họa.

Chọn phương án giảm áp lực

Sở dĩ dư luận quan tâm sớm đến kỳ thi THPT, vì năm 2025 là năm đầu tiên, lứa học sinh theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thi tốt nghiệp lớp 12. Do đó, số môn thi, cách thức tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2025 đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của học sinh, phụ huynh và các nhà trường.

Hiện, Bộ GDĐT đang đưa ra các phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 để đáp ứng mục tiêu đánh giá học sinh nhưng không tạo áp lực cho thí sinh cũng như tốn kém cho xã hội. Theo đó, có 3 phương án thi là:

Phương án 4 + 2: Thí sinh học chương trình THPT phải thi 6 môn gồm 4 môn bắt buộc Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12).

Phương án 3 + 2: Gồm 3 môn bắt buộc là Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ và 2 môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 (bao gồm môn Lịch sử).

Phương án 2 + 2: Thí sinh phải thi 4 môn gồm 2 môn bắt buộc Ngữ văn, Toán và 2 môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 (bao gồm môn Ngoại ngữ và Lịch sử).

Từ phía Bộ GDĐT cũng đã nêu ra một số đánh giá ưu/nhược điểm chính của các phương án nêu trên. Tuy vậy, đến thời điểm này, Bộ GDĐT vẫn đang tổng hợp ý kiến các địa phương, chuyên gia về số lượng môn thi phù hợp với kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Dư luận xã hội cũng có nhiều ý kiến trái chiều về 3 phương án này. Nhiều phụ huynh, giáo viên, chuyên gia giáo dục ủng hộ phương án 3 là 2 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn.

Chị Kiều Thị Huyền (quận Đống Đa, Hà Nội) có con trai nằm trong lứa học sinh đầu tiên học chương trình giáo dục phổ thông mới. Theo chị Huyền, phương án 2 + 2 giảm áp lực cho học sinh. Em Phùng Ngọc Tuấn, năm nay đang học lớp 11 cũng bày tỏ mong muốn số môn thi tốt nghiệp “ít nhất có thể”. Nam sinh này cho rằng, nếu phương án 2 + 2 được lựa chọn, sẽ giúp giảm áp lực thi cử và có thêm thời gian học các môn phục vụ cho ngành nghề lựa chọn trong tương lai.

Đa số học sinh, phụ huynh đều mong muốn sự thay đổi tích cực của kỳ thi THPT. Trong đó, đặc biệt là giảm áp lực thi cử. Chính vì thế, việc giảm số môn thi bắt buộc đồng nghĩa với giảm áp lực thi cử cho học sinh, cho phụ huynh và rộng ra là cho toàn xã hội. Nếu thực hiện theo phương án 2 + 2, số buổi thi sẽ giảm đi 2, so với hiện nay là 6 môn thi. Số buổi thi 3 buổi giảm 1 số buổi thi so với hiện nay, không gây nên sự mất cân bằng giữa các tổ hợp tuyển sinh, phù hợp với định hướng nghề nghiệp của các em, tạo điều kiện cho học sinh dành thời gian học các môn lựa chọn phù hợp với định hướng nghề nghiệp của các em. Thí sinh được chọn 2 môn lựa chọn để thi giúp phát huy năng lực sở trường; tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét vào các cơ sở giáo dục đại học.

Phát huy năng lực, sở trường của học sinh

Tới thời điểm này, các nhà trường cũng đang mong chờ phương án chốt cho kỳ thi THPT 2025 từ phía Bộ GDĐT thì mới đưa ra những kế hoạch cụ thể. Nêu ý kiến về 3 phương án thi đang lấy ý kiến, nhiều giáo viên ủng hộ phương án 2 + 2. Theo thầy Phan Thế Hoài, giáo viên Trường THPT Bình Hưng Hòa (TPHCM), việc thi 2 môn bắt buộc Toán, Ngữ văn và 2 môn lựa chọn là phù hợp vì giảm áp lực cho thí sinh, hội đồng thi, tiết kiệm thời gian, công sức, tiền bạc cho phụ huynh, cho xã hội.

Thầy Hà Văn Vụ, giáo viên Trường THPT Lê Thánh Tôn, quận 7, TPHCM nêu quan điểm: "Phương án 4 + 2 vẫn còn giống với số lượng môn thi của chương trình cũ, rất nặng nề và tốn kém. Phương án 3 + 2 bớt được 1 môn cho thí sinh, giảm thời gian thi bớt tốn kém thời gian, tiền bạc. Tuy nhiên ảnh hưởng tới môn Lịch sử do Lịch sử và Ngoại ngữ là 2 môn học bắt buộc mà thi chỉ có 1 môn thì chưa thực sự phù hợp. Phương án mới 2 + 2 với môn Toán, Ngữ văn và 2 môn tự chọn cơ bản giảm được rất nhiều áp lực cho học sinh, số ngày thi tốt nghiệp giảm, tiết kiệm rõ rệt về thời gian và tiền bạc. Từ đó các em học sinh có thể lựa chọn môn học mình yêu thích, môn học mình có sở trường để thi tốt nghiệp và xét tuyển đại học, cao đẳng với ngành nghề mình đã lựa chọn”. Từ những phân tích trên, thầy Vụ ủng hộ phương án 2 + 2.

TS Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam - cũng ủng hộ phương án 2 + 2 với 2 môn Toán, Ngữ văn là môn thi bắt buộc. “Quan điểm của tôi không phải học gì, thi nấy mà phải để cho học sinh lựa chọn. Với môn Lịch sử, không phải thi thì các em mới yêu đất nước, hiểu lịch sử, mà cần trau dồi trong quá trình học. Còn môn Ngoại ngữ, trước đây chúng ta đề cao môn này để hội nhập nhưng thực tế cho thấy kết quả chưa thực sự khả quan. Nhiều em học chỉ để đối phó và phục vụ cho việc thi chứ không phải học để rèn luyện phát triển 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết” - ông Lâm nhận định.

Từ góc nhìn của chuyên gia giáo dục, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GDĐT), đồng thời là Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn 2018 cũng cho rằng, phương án 2 + 2 là “tốt hơn cả trong bối cảnh hiện nay”. PGS.TS Đỗ Ngọc Thống ủng hộ phương án 2 + 2 bởi nó phù hợp với tất cả các tiêu chí và nguyên tắc mà Bộ GDĐT hướng đến, nhất là đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết 29-NQ/TW và Nghị quyết số 88/2014/QH của Quốc hội.

Hiện không chỉ học sinh, phụ huynh học sinh mà chính các thầy cô giáo, nhà trường đều mong Bộ GDĐT có quyết định sớm về phương án kỳ thi THPT 2025. Bởi đây là năm đầu tiên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, do đó chưa rõ thi tốt nghiệp kiểm tra kiến thức cả 3 năm học hay chỉ tập trung kiến thức lớp 12. Ngoài ra, chương trình có nhiều bộ sách là phù hợp nhưng quan điểm biên soạn của các bộ sách này có nhiều điểm khác nhau, giáo viên vẫn băn khoăn và lo lắng khi được Bộ phân công ra đề lại hướng vào 1 bộ sách giáo viên đó dạy sẽ ảnh hưởng tới các em học sinh học các bộ sách khác. Vì thế giáo viên cần định hướng rõ ràng về nội dung, hình thức thi cho kỳ thi năm 2025. Bên cạnh đó, việc ra đề thi tốt nghiệp THPT sắp tới ra sao để đáp ứng yêu cầu mới cũng là điều rất cần sớm được quan tâm.

PHƯƠNG LINH