Tăng vé xe buýt, có nâng chất lượng?
Sở Giao thông vận tải Hà Nội đề xuất tăng giá vé xe buýt trên một số tuyến từ ngày 1/1/2024. Nếu được thực hiện, liệu chất lượng xe buýt Hà Nội có được cải thiện? Đó là băn khoăn của người tham gia giao thông khi gần đây loại hình giao thông công cộng này có nhiều tín hiệu tích cực.
Ngày càng thu hút
Công bằng mà nói, thời gian gần đây chất lượng giao thông công cộng ở Hà Nội đã có một số bước thay đổi đáng khích lệ. Thói quen sử dụng loại hình giao thông bằng xe buýt, đường sắt trên cao cũng tăng lên. Chị Hồng Thu (48 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội) suốt mấy chục năm qua là “tín đồ” của xe máy và taxi, gần đây bất ngờ chuyển sang sử dụng xe buýt cho biết: “Tôi thấy đi xe buýt bây giờ khá thuận tiện, và an toàn hơn nếu cứ chạy xe máy trong khi đường sá vẫn đông và thị lực của người trung niên thì đã suy giảm”.
Tương tự, chị Hoàng Anh cũng dần thích ứng với việc sử dụng xe buýt để đi làm. Nhà ở đường Âu Cơ (Tây Hồ, Hà Nội), mỗi sáng chị lên xe VinBus để đến cơ quan trên phố Lý Thường Kiệt (Hoàn Kiếm). “Tôi thấy chất lượng phục vụ của tài xế và phụ xe VinBus niềm nở, chu đáo. Nếu các tuyến buýt khác cũng phục vụ như vậy thì không có lý do gì để sử dụng phương tiện cá nhân cả”, chị Hoàng Anh bày tỏ.
Số liệu thống kê cũng cho thấy tín hiệu khả quan của loại hình vận chuyển công cộng. Theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hà Nội (HPTC), 9 tháng năm 2023, hệ thống đường sắt đô thị, xe buýt của Hà Nội vận chuyển hơn 417,2 triệu lượt khách (đạt 96,4% so với kế hoạch, tăng 56,8% so với cùng kỳ). Riêng với xe buýt, tổng lượt xe thực hiện ước đạt 5.451.201 lượt. Tổng hành khách vận chuyển ước đạt 410 triệu (đạt 94,7% so với kế hoạch và tăng 57,1% so với thực hiện cùng kỳ 2022). Còn thông tin từ Tổng Công ty vận tải Hà Nội - Transerco, trong 9 tháng đầu năm 2023, đối với lĩnh vực vận tải hành khách công cộng, sản lượng khách vé lượt quý III/2023 đã tăng 6,2% so với quý I/2023 và tăng 10,4% so với quý II/2023. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, sản lượng hành khách của doanh nghiệp vận chuyển tăng 42% so với cùng kỳ năm trước (trong đó sản lượng khách vé lượt tăng 19%, sản lượng khách vé tháng tăng 49%).
Tăng giá nhưng phải thay đổi chất lượng phục vụ
Mới đây Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội đề xuất tăng giá vé xe buýt trên một số tuyến từ ngày 1/1/2024 nhận được sự quan tâm của nhiều người. Theo đó, dự kiến tăng giá vé xe buýt thêm 1.000-11.000 đồng so với hiện nay, tùy thuộc cự ly, loại vé và diện ưu tiên. Giá vé lượt, cự ly dưới 15 km có mức tăng thấp nhất từ 7.000 lên 8.000 đồng; 15-25 km từ 7.000 lên 10.000 đồng; 25-30 km từ 8.000 lên 12.000 đồng; 30-40 km từ 9.000 lên 15.000 đồng. Mức tăng cao nhất ở cự ly trên 40 km là từ 9.000 lên 20.000 đồng.
Vé tháng có mức tăng trung bình 40%. Cụ thể học sinh, sinh viên, công nhân khu công nghiệp đi một tuyến là 70.000 đồng (hiện 55.000 đồng), liên tuyến 140.000 đồng (hiện 100.000 đồng). Vé tập thể đi một tuyến 100.000 đồng (hiện 70.000 đồng), liên tuyến 200.000 đồng (hiện 140.000 đồng).
Lý giải nguyên nhân điều chỉnh theo hướng tăng giá vé xe buýt, ông Nguyễn Phi Thường - Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho rằng: "Giá vé hiện đang thấp so với mặt bằng thu nhập người dân. Trong khi đó, chi phí cho hoạt động vận tải công cộng đã tăng gần 50% so với năm 2014. Việc tăng giá vé xe buýt giúp tăng thu, giảm mức trợ giá, bảo đảm khả năng cân đối ngân sách của thành phố".
Nếu được áp dụng, đây là lần điều chỉnh giá vé xe buýt sau hơn 9 năm giữ ổn định. Sau 9 năm, Hà Nội có 132 tuyến xe buýt phủ rộng khắp 30/30 quận, huyện, thị xã, tuyến cự ly dài nhất 61,05km.
Một số ý kiến của người dân sử dụng xe buýt tại Hà Nội cho rằng, việc điều chỉnh giá vé xe buýt là cần thiết trong bối cảnh nhiên liệu và các ngành hàng khác đều đã tăng. Đặc biệt, giá vé hiện nay của các tuyến có cự ly từ 30 - 60 km có mức giá như nhau là chưa phù hợp với cự ly di chuyển của hành khách. Song, vấn đề nhiều người quan tâm là khi tăng giá vé thì chất lượng xe buýt của Thủ đô có được cải thiện?
Trong khi đó, giới chuyên gia giao thông cũng cho rằng, đi đôi với việc tăng giá vé, Sở GTVT Hà Nội cần có cuộc cải cách mạnh mẽ chất lượng xe buýt và chất lượng phục vụ của lái xe, phụ xe. Mặc dù, theo lãnh đạo HPTC, chất lượng dịch vụ vận tải hành khách bằng xe buýt ở Thủ đô đã có những chuyển biến như: Tình trạng tùy tiện bỏ điểm dừng đỗ, bỏ chuyến lượt, chạy sai biểu đồ vận hành đã giảm đáng kể so với trước; hệ thống xe buýt Thủ đô được tăng cường về số lượng, chất lượng; nhà chờ xe buýt cũ xuống cấp cũng được duy tu sửa chữa và bổ sung nhằm phục vụ hành khách tốt hơn… nhưng thực tế vẫn cho thấy, lĩnh vực giao thông này cần có sự thay đổi mạnh mẽ hơn.
Chuyên gia giao thông Phan Lê Bình cho rằng, việc tăng giá vé xe buýt lần này có thể khiến một số nhóm khách hàng băn khoăn, nhưng đa số sẽ chấp nhận vì không có phương tiện giao thông công cộng nào lại rẻ như đi xe buýt. Hiện nay lượng hành khách đi lại nhiều, ngoài tệp khách truyền thống trước đây như học sinh, sinh viên, người cao tuổi thì người đi làm, khối dân công sở đi lại nhiều hơn… Vì vậy tăng giá xe buýt với mức nói trên không làm ảnh hưởng lớn tới hoạt động đi lại của người dân.
Dù vậy, các chuyên gia giao thông cũng cho rằng, để “giữ chân” và tiếp tục thu hút khách hàng sử dụng loại hình vận tải công cộng thuận tiện như xe buýt thì nhất định phải nâng cao chất lượng phục vụ. Một số hạn chế của loại hình này trong thời gian qua như bỏ bến; bến đỗ nhếch nhác; tài xế, phụ xe có nhiều hành vi thiếu chuẩn mực… phải được khắc phục triệt để. Đặc biệt, vấn đề hạ tầng phục vụ xe buýt cần sớm được khắc phục. Nói như Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội Nguyễn Trọng Thông, trong lần điều chỉnh giá vé này, cần thiết phải nghiên cứu thêm các cơ chế, chính sách để vận tải công cộng ngày càng đổi mới, chất lượng hơn nữa. Cụ thể là phải có cơ chế ưu tiên về hạ tầng, có hệ thống giao thông tiếp cận thuận lợi (nhà chờ, điểm dừng); nâng được tốc độ, tính đúng giờ, an toàn. Cùng với đó thiết lập mạng lưới tuyến hợp lý để hạn chế mức thấp nhất việc hành khách phải chuyển tuyến nhiều lần và chờ đợi lâu…