20h00 tối nay sẽ diễn ra Lễ trao Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ tư, năm 2022 - 2023
Tiếp tục phát huy những thành công của Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của 3 lần tổ chức, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam phát động và tổ chức Lễ trao Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ tư, năm 2022 - 2023. Đây là một trong những sự kiện ý nghĩa nhân kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam - Ngày Truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2023).
Hà Nội, ngày 5 tháng 11 năm 2023
THÔNG TIN BÁO CHÍ
Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ tư, năm 2022 - 2023
Tiếp tục phát huy những thành công của Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của 3 lần tổ chức, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam phát động và tổ chức Lễ trao Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ tư, năm 2022 - 2023. Đây là một trong những sự kiện ý nghĩa nhân kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam - Ngày Truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2023).
Sau 2 năm tổ chức và triển khai, tính đến hết ngày 31/8/2023, Ban Tổ chức Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ tư, năm 2022 - 2023 đã nhận 1.078 tác phẩm hợp lệ đối với 4 thể loại: báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình của 121 cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương. Với tinh thần dân chủ, khách quan, công tâm, trách nhiệm cao, các thành viên Hội đồng Chung khảo đã tiến hành xét chọn kỹ lưỡng, thống nhất tuyển chọn được 54 tác phẩm xuất sắc để trao 04 Giải A; 10 giải B; 12 giải C; 28 giải Khuyến khích.
Nhìn chung các tác phẩm tham dự Giải năm nay đã bám sát với chủ đề và tiêu chí Thể lệ Giải. Nhiều tác phẩm có chất lượng tốt, tính phát hiện cao, thể hiện sự dấn thân, đeo bám tới cùng vụ việc tham nhũng, tiêu cực của các nhà báo, tạo hiệu ứng tác động xã hội rất lớn, đem lại hiệu quả tích cực trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thông qua những đề tài khá phong phú, sinh động theo phong cách làm báo hiện đại, phản ánh toàn diện sự quyết tâm của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, sự hưởng ứng và tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực từ Trung ương đến các địa phương.
Các tác phẩm dự giải là kết tinh thành quả lao động miệt mài của các nhà báo, vượt lên mọi khó khăn, áp lực, thậm chí nguy hiểm trong quá trình tác nghiệp để có được các tác phẩm báo chí mang tính chiến đấu cao, tính nhân văn sâu sắc. Điểm mới của Giải lần này là đã có thêm nhiều hơn các tác phẩm viết về đề tài phòng, chống tiêu cực được Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức giải đánh giá cao; đồng thời cũng có nhiều hơn các tác phẩm về đề tài biểu dương, cổ vũ các gương dũng cảm trong đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực, có tác động lan tỏa trong xã hội.
54 tác phẩm được Hội đồng Chung khảo xét chọn đoạt Giải là những tác phẩm được điều tra công phu, nhiều tuyến bài được thực hiện trong nhiều tuần, nhiều tháng, thậm chí cả năm trời để đi đến tận cùng của sự thật. Nhiều tác phẩm ở thể loại báo in được Hội đồng chung khảo đánh giá cao như: Loạt bài 5 kỳ về “Vụ phá rừng tự nhiên ở Bắc Kạn” đăng Báo Bảo vệ pháp luật; loạt 4 bài về “Loại bỏ việc thi đua hình thức, “chạy chọt” khen thưởng đăng trên Báo Sài gòn Giải phóng; Loạt 5 bài “Chống tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực đăng kiểm” đăng trên Báo Công an Nhân dân; Loạt 3 bài "Bóp méo và trục lợi" chính sách nhà ở công nhân tại Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh - Hà Nội) đăng trên Báo Tiếng nói Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam; Loạt 4 bài “Vụ chia tiền "Luật ngầm" mới được xuất hàng qua cửa khẩu” đăng trên Báo Giao thông; Loạt 5 bài “Những góc khuất trong giao khoán quản lý, bảo vệ rừng tại Bảo Lâm (Lâm Đồng)” đăng trên Báo Lâm Đồng; tác phẩm “Trị tận gốc tham nhũng - vấn đề được đặc biệt quan tâm trong Cuốn sách mới xuất bản của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng” đăng trên Báo Phụ nữ Việt Nam; Tác phẩm “Phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ đảng viên trong giai đoạn hiện nay” đăng trên Tạp chí Nội chính; Loạt 3 bài “Không để tổ chức đảng thành công cụ của sai phạm” đăng trên Báo Quân đội Nhân dân;…
Nhiều tác phẩm ở thể loại báo điện tử được thể hiện thông qua những đề tài phong phú, sinh động theo phong cách làm báo hiện đại như: Loạt bài 5 kỳ “Ngang nhiên "phân lô" mua bán đất nghĩa trang trái phép tại Hà Nội” đăng trên Báo điện tử Nhà báo và Công luận; Loạt 4 bài "Cơn khát" thuốc điều trị, vật tư y tế: "Khi trăm dâu đổ đầu tằm" đăng trên Báo điện tử VietnamPlus, Thông tấn xã Việt Nam; Loạt 4 bài “Về sửa Luật Đất đai năm 2013” đăng trên Báo điện tử Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh; Loạt 4 bài về “Vụ vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng ở Gia Lai” đăng trên Báo điện tử Bảo vệ pháp luật; Loạt 3 bài “Đường đi của gỗ lậu qua xe chuyển phát nhanh” đăng trên Báo điện tử Dân Việt; Loạt bài E-magazine “Chống lãng phí và "sức nặng" cuộc giám sát tối cao của Quốc hội” đăng trên Báo Điện tử VOV, Đài Tiếng nói Việt Nam; Tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Hội tụ niềm tin, củng cố tiềm lực, vững vàng vị thế” đăng trên Báo điện tử Hà Nội mới;…
Các tác phẩm phát thanh cũng tập trung vào việc phát hiện, phản ánh những vụ việc nổi cộm về hàng loạt vật tư, thiết bị y tế “đắp chiếu” trong kho; hàng loạt công trình, dự án ì ạch, chậm tiến độ tại các địa phương nhiều năm nay không xử lý được trong khi nguồn lực về vốn, tài nguyên không thiếu... như: Loạt 3 bài “Thuốc nào trị "bệnh sợ sai"? phát sóng trên Đài Tiếng nói Việt Nam; Loạt 2 kỳ “Khi quy hoạch "ì ạch" phát trên sóng Đài Phát thanh - Truyền hình Thái Nguyên; Loạt 5 bài Phòng, chống tham nhũng: Không để "voi đất đai" chui lọt "lỗ kim pháp lý" phát trên sóng Đài Phát thanh - Truyền hình Đồng Nai; hay loạt 4 bài “Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong đấu tranh phòng, chống suy thoái về đạo đức của cán bộ, đảng viên và người đứng đầu” phát trên sóng Đài Tiếng nói Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh;...
Đối với thể loại truyền hình, nhiều tác phẩm mang tính thời sự cao, phản ánh rõ nét công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước như: Phim tài liệu: "Không lùi bước” phát sóng trên Kênh VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam; Loạt bài 3 kỳ “Rừng quốc gia Tam Đảo bị xâm hại - Ai chịu trách nhiệm?” phát trên sóng Truyền hình Nhân dân; Tác phẩm “Một thập kỷ đơn thư” phát trên sóng Đài Phát thanh - Truyền hình Nghệ An...
Để biểu dương những tác giả có tác phẩm tham gia, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Lễ trao Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ tư, năm 2022 - 2023. Lễ trao Giải được truyền hình trực tiếp trên Kênh VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam.
* Thời gian: Bắt đầu từ 20h00, ngày 5/11/2023 (Chủ Nhật).
* Địa điểm: Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt - Xô, 91 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Đây là hoạt động nhằm cổ vũ, tiếp thêm động lực cho những người làm báo cả nước đã kịp thời phát hiện, đấu tranh, lên án những hiện tượng, hành vi tham nhũng, tiêu cực, được dư luận đánh giá cao và có những tác động tích cực với xã hội và những người làm báo. Từ đó góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước; huy động được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, xây dựng đất nước ta phát triển phồn vinh, hạnh phúc.
Tham dự Lễ trao giải có các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành ở Trung ương và Hà Nội; đại diện lãnh đạo các cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương; đại diện các tầng lớp nhân dân Thủ đô Hà Nội cùng các tác giả/nhóm tác giả có tác phẩm được vinh danh trong Lễ trao giải.
BAN TỔ CHỨC GIẢI.