Không ngừng cải thiện môi trường đầu tư
Mặc dù thời gian qua thủ tục hành chính đã giảm bớt song nhiều doanh nghiệp cho biết, vẫn còn nhiều điểm nghẽn cần tháo gỡ.
Còn điểm nghẽn cần tháo gỡ
Ông Trần Văn Mười – Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp TP Thủ Đức cho rằng, TPHCM cần giải quyết những thủ tục hành chính còn nhiều bất cập. Đơn cử, Luật Đất đai quy định chủ đầu tư có loại đất khác dù phù hợp quy hoạch sử dụng đất vẫn không được làm dự án nhà ở. Việc này đang trở thành rào cản cho doanh nghiệp (DN), đồng thời khiến hàng trăm dự án đắp chiếu.
Đại diện Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) tại Việt Nam mặc dù đánh giá cao môi trường làm việc tại Việt Nam song cũng mong muốn, TPHCM cần tập trung cải thiện một số vấn đề, cụ thể như thuế và hải quan. Theo ghi nhận của AmCham, quá trình hoàn thuế giá trị gia tăng cho DN dịch vụ xuất khẩu tại Việt Nam kéo dài quá lâu. Ngoài ra, việc thanh toán thuế của nhân viên nước ngoài phức tạp. “Hiện nay có rất nhiều thị trường đầu tư khác đang cạnh tranh gay gắt với Việt Nam. Việt Nam muốn tạo sự hấp dẫn cho các nhà đầu tư phải chú trọng cải thiện từ những điều nhỏ nhất. Hy vọng, thời gian tới thành phố quan tâm nhiều đến thị trường vốn và tài chính. Thị trường này giúp thành phố thành trung tài chính trong tương lai” - vị này khẳng định.
Trước đó, khi đề cập cải cách hành chính của TPHCM, ông Nakagawa Motohisa - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Nhật Bản tại TPHCM (JCCH) kiêm Trưởng ban môi trường kinh doanh đánh giá cao nỗ lực của chính quyền thành phố. Ông Nakagawa Motohisa cho hay, qua quá trình làm việc với các sở, ngành thành phố, nhiều vấn đề DN Nhật Bản kiến nghị đã được giải quyết hoàn toàn. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề đã và đang tiếp tục gỡ vướng từng phần. DN Nhật cũng kiến nghị chính quyền thành phố, các bộ, ngành giải quyết như vấn đề liên quan đến bảo hiểm, làm thêm giờ, giấy phép lao động…
Theo lãnh đạo UBND TPHCM, mặc dù, năm 2022 thực hiện chủ đề năm “cải thiện môi trường đầu tư” nhưng hiệu quả thực hiện vẫn chưa như mong đợi và còn nhiều điểm nghẽn. Nhằm tạo thuận lợi cho người dân, DN, TPHCM đã và đang tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư; thúc đẩy phát triển kinh tế.
Tiếp tục đơn giản thủ tục, cải thiện môi trường đầu tư
Thời gian qua, TPHCM đã đưa ra nhiều chương trình đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư như: quy chế phối hợp giữa các sở - ngành, quận - huyện; chương trình đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) của thành phố.
Liên quan giải quyết thủ tục hành chính, ông Huỳnh Thanh Nhân – Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM khẳng định, một số trường hợp bị chậm trễ trong giải quyết hồ sơ là sự phối hợp chậm trễ, văn bản đề nghị có ý kiến với thời gian quá ngắn. Ông Nhân đề xuất, thời gian tới các cơ quan, đơn vị chủ trì cân nhắc thời hạn thực hiện để các đơn vị liên quan có thời gian nghiên cứu. Những nội dung khác, cơ quan chủ trì phải dự trù thời gian tối thiểu trên 3 ngày để cơ quan phối hợp, nghiên cứu, phúc đáp theo yêu cầu. Quá thời hạn, cơ quan chủ trì tổng hợp gửi lãnh đạo UBND TPHCM để xem xét, đánh giá chất lượng hoàn thành nhiệm vụ quý, năm.
Về DDCI, năm 2022 TPHCM đã triển khai, qua đó giúp các cơ quan nhận ra điểm mạnh, điểm hạn chế. Từ đó đề ra hướng khắc phục để nâng cao năng lực quản lý, hỗ trợ tốt hơn cho người dân và DN. Năm 2023, thành phố tiếp tục đánh giá DDCI với 2 chỉ số, đó là chỉ số xanh và chỉ số sức khỏe và môi trường. 2 chỉ số này sẽ được TPHCM đưa vào đánh giá DDCI cấp sở - ngành, địa phương. Dự kiến có khoảng 15.000 DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể sẽ tham gia thực hiện các khảo sát đánh giá.
Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TPHCM lưu ý, các đơn vị hỏi và trả lời câu hỏi phải rõ ràng, đảm bảo tiến độ, không để người dân và DN chờ đợi lâu. Các sở - ngành, quận - huyện phải tập trung cho chỉ số DDCI, góp phần tháo gỡ cho kinh tế - xã hội của thành phố.
Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư (ITPC) cho biết, bộ chỉ số DDCI năm 2023 gồm 10 chỉ tiêu. Trong đó nhiều chỉ số mới được bổ sung, như chỉ số “Tiếp cận minh bạch thông tin và chuyển đổi số” (gộp 2 chỉ số cũ của năm 2022), “chỉ số xanh”, “chỉ số sức khoẻ và môi trường”; phỏng vấn chuyên sâu 20-30 nhà đầu tư chiến lược để đóng góp ý kiến thu hút đầu tư tại TPHCM; nhờ 28 chuyên gia đọc kết quả báo cáo sau đó đưa ra phản hồi, khuyến nghị cho TPHCM… Trong đó, chỉ số xanh được tham chiếu theo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 và định hướng thúc đẩy kinh tế xanh của lãnh đạo TPHCM. Chỉ số sức khỏe và môi trường tham chiếu thông lệ quốc tế và định hướng xây dựng TPHCM thành Trung tâm Tài chính quốc tế.