Cử tri không chấp nhận 'hứa mà không làm'
Hôm nay (6/11) Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4.
Quan tâm và kỳ vọng về phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, ông Nguyễn Túc - Uỷ viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, vừa qua Quốc hội đã giám sát về việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Đây là lần đầu tiên Quốc hội giám sát giữa kỳ đồng thời với 3 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025. Bên cạnh đó, Quốc hội cũng thực hiện lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Kết quả lấy phiếu đã phản ánh sát tình hình, đúng với nhận xét của đại đa số các tầng lớp nhân dân.
Lần này, theo chương trình, Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, một số nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4. Ông Túc kỳ vọng: “Phiên chất vấn lần này sẽ sôi động, đem lại nhiều kết quả tốt. Vì không thể hứa suông, hứa mà không làm như trước đây đã từng xảy ra. Cử tri và nhân dân không thể mãi chấp nhận “hứa mà không làm”, do đó cần làm rõ trách nhiệm chứ không thể hứa suông hay vòng vo”.
Theo ĐB Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp), trong kỳ chất vấn lần này, các ĐBQH có thể chất vấn bất kỳ Bộ trưởng nào. Điều này đòi hỏi bản lĩnh và sự am hiểu toàn diện về chuyên môn của các thành viên Chính phủ. Tuy nhiên, cách chất vấn này cũng sẽ gây áp lực lớn đối với các bộ trưởng vì không biết trước được nội dung cụ thể mà đại biểu sẽ chất vấn do không có chủ đề cố định như trước đây, đòi hỏi họ phải thể hiện sự tự tin, bản lĩnh chính trị và hiểu biết sâu sắc về lĩnh vực mình trong suốt thời gian qua.
“Các vấn đề mà chúng tôi đã chất vấn và các thành viên Chính phủ đã giải quyết tốt thì không cần nêu lại. Nhưng những vấn đề chưa được giải quyết hoặc mới phát sinh sẽ tiếp tục được đặt câu hỏi. Hình thức chất vấn năm nay là một cách làm mới, nếu được thực hiện tốt, nó sẽ đem lại nhiều lợi ích. Tôi hy vọng rằng các bộ trưởng sẽ có sự tập trung, hiểu rõ vấn đề trong ngành của mình. Đặc biệt là những vấn đề nhạy cảm và liên quan đến cuộc sống hàng ngày của người dân” - ông Hòa nói.
ĐB Tạ Thị Yên (Đoàn Điện Biên) bày tỏ, khác với các kỳ họp khác của Quốc hội khi chỉ có tối đa 4 lĩnh vực được lựa chọn để chất vấn, phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV là kỳ họp giữa nhiệm kỳ nên sẽ chất vấn chung về việc thực hiện các cam kết của các bộ trưởng, trưởng ngành cũng như việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, về chất vấn của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay, bao quát nhiều mặt của đời sống từ kinh tế văn hóa - xã hội, quốc phòng, an ninh đến nội chính, tư pháp, kiểm toán. Đây chính là hình thức “giám sát sau giám sát”.
Bà Yên cũng nhấn mạnh: Điều mà cử tri, đồng bào cần chính là kết quả thực hiện. Nếu chỉ chất vấn mà không quay trở lại để làm rõ, đánh giá kết quả, đặc biệt là việc thực hiện các lời hứa của các vị Bộ trưởng, Trưởng ngành thì các phiên chất vấn sẽ chỉ sôi động được trong chốc lát.
“Tôi kỳ vọng vào việc đổi mới cách thức tiến hành và nội dung sâu, rộng của phiên chất vấn. Bởi lẽ sẽ làm sáng tỏ nhiều vấn đề mà cử tri, đồng bào cả nước quan tâm. Xác định rõ năng lực, trách nhiệm các vị Bộ trưởng, Trưởng ngành. Từ đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và nâng cao đời sống của người dân” - bà Yên nói.
ĐB Nguyễn Ngọc Sơn (Đoàn Hải Dương) kỳ vọng, sau phiên chất vấn, Quốc hội sẽ thể hiện hiệu quả pháp lý bằng một nghị quyết. Nghị quyết này sẽ đánh giá rõ những thành tựu đã đạt được và những vấn đề cần tiếp tục giải quyết để đảm bảo hoạt động giám sát. Đây có thể được xem như một cách làm mới. Với cách tổ chức như vậy, cử tri sẽ dễ dàng theo dõi việc thực hiện các cam kết của các thành viên Chính phủ hơn.
Ông Sơn cho rằng, khi trả lời, các thành viên Chính phủ cần dựa vào thực tế đã triển khai hoạt động trong thời gian vừa qua. Việc lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ cũng là một cách để đánh giá năng lực và khả năng điều hành của Chính phủ. Phiên chất vấn này cũng là cơ hội để các ĐBQH chất vấn các thành viên Chính phủ về những thành tựu và khuyết điểm. Thông qua đó, các thành viên Chính phủ sẽ nghiêm túc đối mặt với những việc chưa hoàn thành và tổ chức triển khai các yêu cầu của Quốc hội trong thời gian từ nay đến cuối nhiệm kỳ, đặc biệt là trong kế hoạch thực hiện 5 năm vì một nhiệm kỳ chỉ có một phiên chất vấn giữa nhiệm kỳ.
Ngày 6/11 Quốc hội tiến hành chất vấn các bộ trưởng, trưởng ngành về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn đối với các lĩnh vực: kế hoạch và đầu tư; tài chính; ngân hàng; công thương; nông nghiệp và phát triển nông thôn; giao thông vận tải; xây dựng; tài nguyên và môi trường. Ngày 7/11, Quốc hội chất vấn về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn đối với các lĩnh vực: tư pháp; nội vụ; an ninh, trật tự, an toàn xã hội; thanh tra; tòa án; kiểm sát; kiểm toán; khoa học và công nghệ; giáo dục và đào tạo; văn hóa, thể thao và du lịch; y tế; lao động, thương binh và xã hội; thông tin và truyền thông.
Theo dự kiến chương trình, ngày 8/11, Thủ tướng Chính phủ sẽ báo cáo giải trình, làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của các ĐBQH.