Thúc đẩy năng lượng tái tạo
Nhu cầu sử dụng điện ngày một gia tăng. Đây cũng là thách thức lớn cho ngành điện trong bối cảnh nguồn cung trong nước như than đá, dầu khí… đang cạn kiệt. Do vậy, việc phát triển năng lượng tái tạo cần phải được chú trọng.
“Mỏ vàng” để khai thác
Theo ông Hà Đăng Sơn - Phó Giám đốc Chương trình Năng lượng phát thải thấp Việt Nam II (V-LEEP II), Việt Nam là “mỏ vàng” về năng lượng tái tạo với tiềm năng to lớn cả về điện gió, điện mặt trời và cả điện sinh khối từ nguồn phụ phẩm nông nghiệp.
Tháng 5/2023, Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch điện VIII, trong đó ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng tái tạo với công suất của điện gió ngoài khơi lên mức 6.000MW và điện mặt trời áp mái lên 2.600MW vào năm 2030. Không gian phát triển mới của ngành năng lượng mở ra cơ hội đầu tư cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế quan tâm đến lĩnh vực này tại Việt Nam.
Ngày 4/11 vừa qua phái đoàn năng lượng Vương quốc Anh, gồm 14 doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực công nghệ và dịch vụ năng lượng tái tạo, đã đến tiếp xúc và thảo luận cơ hội hợp tác với các đổi tác tiềm năng tại Việt Nam. Đại sứ Anh tại Việt Nam, Iain Frew, đã nhấn mạnh cam kết của Chính phủ Anh trong việc trở thành đối tác chuyển đổi năng lượng của Việt Nam thông qua các sáng kiến song và đa phương. Tiêu biểu là Chương trình quan hệ đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP) được kì vọng sẽ điều phối 15,5 tỷ USD nhằm hiện thực hóa quá trình chuyển đổi xanh tại Việt Nam.
Ông Denzel Eades, đại diện Hiệp hội DN Anh tại Việt Nam khẳng định: "Vương quốc Anh tin tưởng vào tiềm năng của thị trường điện gió ngoài khơi tại Việt Nam và các bước tiến tích cực về chính sách nhằm thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực này trong thời gian qua. Các DN Anh rất mong được đóng góp vào thị trường sôi động này".
Nhiều DN châu Âu cũng cho biết, sẽ tăng cường đầu tư, thiết lập các trung tâm nghiên cứu tại Việt Nam trong các lĩnh vực mới như: năng lượng tái tạo, Hydrogen xanh, hạ tầng xanh, chuyển đổi số, nông nghiệp thông minh, công nghiệp phát thải thấp…
Những năm qua, ngành năng lượng tái tạo tại Việt Nam đã và đang có nhiều tiến triển tích cực, mở ra nhiều cơ hội cho việc hợp tác thương mại quốc tế. Đáng chú ý thời gian gần đây dòng vốn đầu tư có dịch chuyển tương đối của các nhà đầu tư từ khu vực Tây Âu như Đức, Hà Lan, Pháp, Tây Ban Nha vào các ngành năng lượng tái tạo.
Ông Đặng Quốc Toản - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Asia Petroleum Energy Corporation phân tích, hơn 3.000km bờ biển của Việt Nam chính là “mỏ gió” đầy hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư. “Trong Quy hoạch điện VIII, điện gió ngoài khơi được xác định là xương sống của ngành năng lượng tái tạo. Đây có thể coi là ngành năng lượng tương lai của Việt Nam” - ông Toản nhấn mạnh và kỳ vọng, Việt Nam có thể xây dựng và phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, đặc biệt là sản xuất các thiết bị cung ứng cho trong nước và xuất khẩu. Điều này sẽ giúp giảm giá thành cho điện mặt trời và điện gió.
Cần tạo cơ chế để thu hút đầu tư
Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, Bộ Công thương luôn hoan nghênh, khuyến khích và tạo điều kiện cho tất cả các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào các dự án phát triển năng lượng tái tạo, hợp tác chuyển giao công nghệ sử dụng hiệu quả năng lượng và nguyên nhiên liệu tại Việt Nam.
Một số lĩnh vực Việt Nam mong muốn thu hút đầu tư phát triển năng lượng, bao gồm hợp tác trong nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ năng lượng, đặc biệt là công nghệ sản xuất điện năng quy mô lớn từ các nguồn năng lượng sơ cấp mới như hydrogen, ammoniac, công nghệ lưu trữ năng lượng tiên tiến, công nghệ hấp thụ và lưu trữ CO2... phát triển lưới điện thông minh; hiện đại hoá hệ thống điều độ hệ thống điện, điều hành thị trường điện nhằm tích hợp quy mô lớn các nguồn năng lượng tái tạo và các giải pháp công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc thu hút đầu tư vào phát triển các dự án năng lượng tái tạo vẫn đang gặp khó khăn về thủ tục, chính sách giá... Theo Luật sư Ngô Văn Hiệp (Đoàn Luật sư Hà Nội), trong quá trình tư vấn cho một số dự án đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực năng lượng tái tạo của Việt Nam thấy rằng, nhiều nhà đầu tư vẫn khá e ngại do thủ tục hành chính phức tạp, bất cập khi đấu điện vào hệ thống truyền tải.
Ông Nguyễn Anh Sơn - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Công thương nhìn nhận: Hiện nay, những quy định về năng lượng tái tạo chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, chưa giải quyết các tranh chấp liên quan đến lĩnh vực này.
Vì vậy, với sự phát triển nhanh chóng của năng lượng tái tạo, khung pháp lý điều chỉnh các dự án này cũng cần thiết phải hoàn thiện đầy đủ và nhanh chóng hơn để thuận lợi hóa cho quá trình triển khai của doanh nghiệp, hạn chế những rủi ro, thiệt hại phát sinh.
Cụ thể, cần sửa Luật Điện lực, xây dựng luật về năng lượng tái tạo theo chỉ đạo của Bộ Chính trị; giải quyết việc giải phóng năng lượng tái tạo của các nhà đầu tư; cho phép cơ chế mua bán điện trực tiếp, đặc biệt là dự án điện mặt trời. Vấn đề này, nhiều DN có vốn đầu tư nước ngoài rất muốn mua điện mặt trời trực tiếp từ các nhà sản xuất điện mặt trời để họ có được tín chỉ carbon…
Ông Nguyễn Văn Yên - Phó Chánh văn phòng Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, khu vực phía Nam kiến nghị: Đầu tư các dự án năng lượng tái tạo có nhu cầu về vốn lớn, rủi ro cao do công suất và sản lượng phụ thuộc thời tiết, khí hậu. Trong khi các dự án năng lượng tái tạo khả năng thu hồi vốn lâu. Bởi vậy, các tổ chức tài chính, ngân hàng thương mại chưa sẵn sàng cho vay các dự án đầu tư vào lĩnh vực này. Để tạo sự yên tâm cho nhà đầu tư, các cơ quan quản lý cần đưa ra những chính sách, thủ tục pháp lý rõ ràng, cũng như các điều kiện tạo ra môi trường đầu tư ổn định, lâu dài…