Xe điện đối diện với bài toán môi trường
Theo xu hướng chung, các dòng xe điện đang ngày càng phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế, việc xử lý pin xe điện cũng đang đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết.
Gia tăng số lượng xe điện
Số liệu thống kê cho biết, tính đến thời điểm này, số lượng xe chạy động cơ điện tại Việt Nam đã ở con số hơn 11.000 xe ô tô điện và hơn 2 triệu xe máy điện.
Phát triển các dòng xe điện là một nhu cầu tất yếu trong bối cảnh ngày càng khan hiếm nhiên liệu hóa thạch và vấn đề về ô nhiễm môi trường.
Giới chuyên gia nhận định, việc chuyển đổi sang phương tiện giao thông sử dụng điện là một trong những giải pháp được nhiều quốc gia trên thế giới thực hiện để đáp ứng mục tiêu toàn cầu về giảm phát khí thải nhà kính và cải tiến chất lượng không khí.
Tuy nhiên, sự gia tăng đột biến của số lượng xe điện cũng đặt ra những thách thức không nhỏ đối với nhà quản lý cũng như nhà sản xuất, đặc biệt là trong việc quản lý chất thải, bao gồm giải pháp tái sử dụng và tái chế pin xe điện cuối vòng đời.
Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, chỉ có khoảng 5% pin xe điện hết tuổi thọ được thu hồi và tái chế. Các chủ xe điện thường tự xử lý pin đã hết tuổi thọ bằng cách bán cho các cơ sở thu mua phế liệu, khiến việc quản lý và kiểm soát chất lượng trở nên khó khăn. Điều này tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Có thể thấy, bên cạnh những lợi ích mà các dòng sản phẩm xe điện mang lại, thì những nguy cơ gây ra đối với môi trường cũng không nhỏ. Theo ước tính của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), vào năm 2030, cả thế giới sẽ có 145 triệu xe điện (EV). Con số này cũng đồng nghĩa với số lượng pin đẩy ra thị trường là một con số khổng lồ. Mặc dù xe điện không thải ra khí carbon dioxide (CO2) trong quá trình sử dụng, nhưng việc sản xuất chúng gây ra tác hại đến môi trường tương tự như ô tô thông thường, và việc tái chế pin Lithium-ion lại đặt ra nhiều thách thức đặc biệt. Pin Lithium-ion cồng kềnh hơn và chiếm nhiều không gian hơn so với loại pin truyền thống là pin axit-chì. Nguy hại hơn, chúng rất dễ bắt lửa và thậm chí là nổ nếu tháo dỡ không đúng cách.
Điều này đòi hỏi khâu tái chế là vô cùng quan trọng. Các chuyên gia quốc tế nhận định, sự xuất hiện ngày càng nhiều sản phẩm xe điện thì cùng với đó các nhà máy tái chế cũng phải sẵn sàng, không chỉ để tiếp nhận toàn bộ số pin đó, thu hồi các bộ phận và kim loại có giá trị, mà còn phải xử lý chất thải đúng cách. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại trên toàn thế giới mới chỉ có 5% tổng số pin đang được tái chế.
Trăn trở bài toán môi trường
Quay trở lại bức tranh phát triển sản phẩm xe điện của Việt Nam, hiện tại mới có VinFast phát triển chương trình thu hồi pin xe điện cũ, nơi khách hàng có thể gửi pin cũ đến hãng để xử lý, pin sau đó được tái chế để lấy lại giá trị các thành phần. Số doanh nghiệp còn lại hầu như chưa có chương trình thu hồi hoặc tái chế pin hết tuổi thọ cụ thể, điều này tạo điều kiện cho các chủ xe gặp khó khăn trong việc tìm nơi xử lý pin cũ.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc, bài toán môi trường đang trở nên khó hơn bao giờ hết nếu lượng xe điện cứ tiếp tục gia tăng.
Nói về vấn đề này, TS Nguyễn Sỹ Linh - Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (ISPONRE) Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu quan điểm, rất cần có một quyết định mạnh mẽ để quản lý chất thải nguy hại từ pin xe điện. Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025 thiết lập mục tiêu quản lý và kiểm soát chặt chất thải rắn nguy hiểm từ nguồn phát thải, đến thu gom, vận động chuyển và xử lý cuối cùng.
Tuy nhiên, lĩnh vực xe điện tại Việt Nam vẫn còn khá mới mẻ, và quy định về quản lý pin xe điện chưa được thảo luận nhiều, chưa có nhiều doanh nghiệp chuyên trách về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại theo nhóm chất thải, theo nguồn phát thải… mà đang chung cho tất các các loại chất thải nguy hại.
Trong khi, vai trò và ý nghĩa của quản lý chất thải nguy hại, đặc biệt là xử lý chất thải nguy hại vẫn chưa được truyền thông mạnh mẽ. Chính bởi vậy, theo TS Nguyễn Sỹ Linh, Việt Nam cần sớm ban hành các quy định, quy chuẩn kỹ thuật về chất thải nguy hại là pin sau khi sử dụng, đặc biệt là từ các phương tiện giao thông. Các quy định pháp luật, đặc biệt là quy định về thu gom, vận chuyển và xử lý nên cụ thể cho từng loại chất thải nguy hại và cần được sơ đồ hóa, truyền thông đến toàn xã hội.
Giới chuyên gia cũng khuyến cáo, Việt Nam cần sớm phát triển chiến lược hỗ trợ tái sử dụng pin xe điện, bao gồm việc sử dụng các tiêu chuẩn quốc tế và quy định kỹ thuật cụ thể. Cùng với đó, để đối phó với quy trình xử lý vòng đời cuối cùng pin của xe điện, cần tạo ra một sự hợp tác đa phương giữa Chính phủ, ngành công nghiệp và người dùng, thực hiện các biện pháp cụ thể để quản lý và xử lý pin xe điện cũ một cách hiệu quả.