Thời tiết cực đoan gây thiệt hại khổng lồ cho thế giới

Bảo Thư 07/11/2023 06:59

Nghiên cứu mới được Tạp chí Nature Communications công bố cho biết, cháy rừng, sóng nhiệt, hạn hán và các hiện tượng cực đoan khác do biến đổi khí hậu đã gây thiệt hại hơn 100 tỷ USD giai đoạn 2000-2019.

Một khu vực bị ngập lụt do mưa lớn ở Prevalje (Slovenia), tháng 8/2023. Nguồn: AFP.

“Chúng tôi nhận thấy rằng chi phí rơi vào 143 tỷ USD cho các hiện tượng cực đoan là do biến đổi khí hậu. Phần lớn (63%) trong số này là thiệt hại nhân mạng” - nghiên cứu cho biết. Cụ thể, năm có mức thiệt hại cao nhất là năm 2008, tiếp theo là 2003 và sau đó là 2010, tất cả đều do các sự cố gây tỉ lệ tử vong cao.

Nếu tính theo mức độ tổn thất mà Cơ quan Quản lý khẩn cấp Liên bang Mỹ đưa ra, thì mỗi người tử vong ước khoảng 7,08 triệu USD.

Nghiên cứu dẫn nguồn từ Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế cho biết, bão nhiệt đới Nargis tấn công Myanmar năm 2008 đã cướp đi sinh mạng của hơn 80.000 người. Năm 2003 chứng kiến đợt nắng nóng nghiêm trọng khắp châu Âu, khiến 70.000 người tử vong. Năm 2010 xảy ra đợt nắng nóng ở Nga và hạn hán ở Somalia.

Cuộc chiến kéo dài của thế giới với các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng khó giải quyết hơn, đặc biệt khi nhiệt độ toàn cầu tiếp tục tăng cao và thiên tai ngày càng gia tăng. Năm 2023 được ghi nhận là mùa hè nóng nhất lịch sử với mức chênh lệch đáng kể. Đáng chú ý, Bắc bán cầu xuất hiện nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan với các đợt nắng nóng lặp đi lặp lại, gây ra các vụ cháy rừng tàn khốc. Nhiều quốc gia châu Âu phải vật lộn với hậu quả của nhiệt độ tăng cao và lũ lụt tàn khốc. Vào tháng 8 năm nay, Mỹ cũng phải đối mặt với vụ cháy rừng kinh hoàng nhất trong lịch sử hiện đại ở Maui, Hawaii. Còn sâu trong lục địa châu Mỹ, không chỉ sóng nhiệt mà còn có cả hiện tượng “vòm nhiệt” hết sức nguy hiểm.

Theo Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), Trái đất đang tiệm cận với mức độ vượt ngưỡng an toàn khi mà nhiệt độ toàn cầu tiếp tục ấm lên, khiến những lãnh địa băng giá tan chảy. Đường đi của các cơn bão nhiệt đới hình thành trên đại dương cũng ngày một phức tạp hơn, khi chạy men theo bờ biển rồi bất ngờ tăng tốc đổ bộ vào đất liền. Cùng với gió lớn thì bão ngày càng kéo theo những trận mưa cực lớn, liên tục trong nhiều ngày, để lại hậu quả rất nghiêm trọng.

Trước những diễn biến xấu của khí hậu, WMO đưa ra dự báo: Khả năng nhiệt độ gần bề mặt toàn cầu trung bình hàng năm đã vượt quá 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp. Trong vòng 5 năm tới, xác suất này sẽ tăng thêm 66%, cho thấy mức độ nguy hiểm của khí hậu đang tăng lên nhanh chóng.

Bảo Thư