Sớm công bố tổ hợp xét tuyển đại học 2025, tránh làm khó thí sinh
Bên cạnh phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, hiện lứa học sinh theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đang chờ đợi các trường đại học sớm công bố phương án tuyển sinh.
Điều chỉnh phù hợp với chương trình mới
Một trong số trường đại học sớm đưa ra phương án tuyển sinh cho năm 2025 là Trường Đại học Nha Trang. Theo đó, trường dự kiến xét tuyển theo 3 phương thức: Xét tuyển thẳng/ưu tiên xét tuyển theo quy chế tuyển sinh của năm xét tuyển; xét dựa vào điểm đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP HCM và Đại học Quốc gia Hà Nội của năm xét tuyển; xét điểm tổ hợp các môn xét tuyển căn cứ vào học bạ và điểm thi tốt nghiệp THPT (nếu Bộ GDĐT có tổ chức thi tốt nghiệp THPT như hiện tại).
Định hướng trong việc xác định tổ hợp môn xét tuyển như sau: Sử dụng tổ hợp có từ 3 đến 5 môn xét tuyển, trong đó, các môn Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh là 3 môn bắt buộc phải có trong mỗi tổ hợp xét tuyển. Sử dụng thang điểm 50.
Theo TS Tô Văn Phương, Trưởng phòng đào tạo Trường Đại học Nha Trang, việc sớm công bố phương án tuyển sinh giúp người học có định hướng nghề nghiệp phù hợp hơn trong quá trình lựa chọn môn học.
TS Tô Văn Phương cho hay, theo chương trình mới, học sinh được chọn môn học theo sở thích. Nếu các trường không công bố sớm phương hướng tuyển sinh, đặc biệt là định hướng môn học cần phải được trang bị ở cấp THPT, sau này khi xét tuyển sinh sẽ không thể tuyển sinh hoặc tuyển sinh kết quả không như ý.
Thông tin về phương hướng tuyển sinh năm 2024 và từ năm 2025, PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý Đào tạo Trường Đại học Kinh tế quốc tế cho hay, trường sẽ giữ ổn định chỉ tiêu cũng như phương thức xét tuyển như năm 2023 với khoảng 18% chỉ tiêu (giảm 7% so với năm 2023), tăng tương ứng xét tuyển kết hợp lên 80%, tuyển thẳng 2%. Trường cũng triển khai nghiên cứu, đơn giản hóa phương thức xét tuyển kết hợp.
Dự kiến từ năm 2025, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân sẽ điều chỉnh tổ hợp xét tuyển phù hợp với cách thức và nội dung thi tốt nghiệp THPT, đồng thời nghiên cứu mã xét tuyển theo ngành, nhóm ngành các trường trực thuộc Đại học Kinh tế Quốc dân.
Bên cạnh đó, xây dựng và công bố kịp thời các phương thức tuyển sinh cho năm 2025 trở đi, khi có thí sinh bắt đầu tốt nghiệp Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Xây dựng tổ hợp xét tuyển theo lựa chọn môn thi tốt nghiệp THPT
Hiện Bộ GDĐT đang lấy ý kiến khảo sát phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Theo đó, Bộ tiếp tục xin ý kiến các địa phương, chuyên gia về số lượng môn thi phù hợp với kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 theo ba phương án.
Phương án 4+2 là thí sinh thi 4 môn bắt buộc (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử) và 2 môn tự chọn. Phương án 3 + 2 là thi bắt buộc 3 môn (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ) và 2 môn tự chọn. Phương án 2+2 gồm 2 môn thi bắt buộc (Toán, Ngữ văn) và 2 môn tự chọn.
Theo ghi nhận của phóng viên, phương án giảm môn thi bắt buộc của phương án 2+2 đang nhận được sự đồng tình của đa số học sinh, phụ huynh, giáo viên và cả các chuyên gia.
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GDĐT), Chủ biên môn Ngữ văn Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 ủng hộ phương án 2+2 bởi phương án này đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết 29-NQ/TW; Nghị quyết số 88/2014/QH của Quốc hội: “Gọn nhẹ, giảm áp lực, giảm thời gian, đỡ tốn kém mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, cung cấp dữ liệu cho việc tuyển sinh”.
Tuy nhiên, nếu phương án này thành hiện thực, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống cho rằng: “Vấn đề đặt ra với các cơ sở giáo dục đại học là xây dựng các phương án tổ hợp xét tuyển theo đúng hướng lựa chọn môn học của kỳ thi tốt nghiệp THPT, như vậy mới đồng bộ”.
Đồng quan điểm, NGND, PGS.TS Hồ Sĩ Đàm, nguyên giảng viên cao cấp Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, Chủ biên Chương trình môn Tin học 2018 cho rằng, lựa chọn một phương án thi tốt nghiệp nào phải dựa trên một hệ thống tiêu chí làm căn cứ.
Trong đó, tiêu chí đầu tiên trọng yếu nhất là theo đúng chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ: phải giảm nhẹ, tiết kiệm, không gây áp lực, khó khăn cho người học. Tiếp đó là phù hợp với mục tiêu của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, bậc THPT là giai đoạn định hướng nghề nghiệp.
Bên cạnh đó, NGND Hồ Sĩ Đàm nhấn mạnh, các trường đại học, cao đẳng cần sớm công bố rộng rãi các tổ hợp môn tuyển sinh theo các mã ngành đào tạo của trường.
“Điều này giúp học sinh ngay từ lớp 10 lựa chọn môn học, môn thi đáp ứng khả năng, sở trường để ra đời lập nghiệp hoặc học tiếp. Việc này không phức tạp mà có giá trị đinh hướng nghề nghiệp cho học sinh, tạo nguồn tuyển sinh chất lượng cao”, NGND Hồ Sĩ Đàm nêu quan điểm.
Theo hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2023-2024 đối với giáo dục đại học, cao đẳng sư phạm của Bộ GDĐT, Bộ yêu cầu các trường hoàn thiện các phương thức tuyển sinh năm 2024, đồng thời chuẩn bị các phương thức tuyển sinh từ năm 2025 phù hợp với chương trình GDPT 2018.
Bộ GDĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học hoàn thiện đề án, phương thức tuyển sinh năm 2024, khắc phục các bất cập hiện nay trên cơ sở phân tích dữ liệu, trong đó đặc biệt lưu ý hoàn thiện các phương thức tuyển sinh theo hướng đơn giản hóa theo đúng Quy chế tuyển sinh hiện hành; tránh đưa ra những phương thức tuyển sinh phức tạp, gây khó khăn cho thí sinh.
Xây dựng và công bố kịp thời các phương thức tuyển sinh cho năm 2025 trở đi, khi có thí sinh bắt đầu tốt nghiệp Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Các phương thức tuyển sinh từ năm 2025 cần bảo đảm phù hợp với yêu cầu, nội dung, cấu trúc của chương trình mới.