Đẩy mạnh kích cầu tạo đà tăng trưởng
Đánh giá không cao về sức mua của thị trường cuối năm, vì vậy cộng đồng doanh nghiệp tính toán đến chuyện chống “ế” hàng hóa.
Hạn chế tăng giá
Ngân hàng Standard Chartered dự báo, kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi trong nửa cuối năm 2023. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định, kinh tế có khởi sắc hơn song sức mua trên thị trường vẫn yếu. Bà Nguyễn Phương Nga – Giám đốc Phát triển kinh doanh cao cấp Kantar Việt Nam nói: “Mặc dù người tiêu dùng lạc quan hơn về tình hình kinh tế trong những tháng tới, song dấu hiệu của việc nới lỏng chi tiêu chưa rõ rệt”. Có lẽ đây cũng chính là lý do mà các nhà sản xuất e dè với thị trường cuối năm. Thậm chí, doanh nghiệp sản xuất đang phải tìm nhiều giải pháp thiết thực nhất vừa đảm bảo sản xuất, vừa kích cầu tối ưu cho thị trường.
Ông Lương Vạn Vinh – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần hóa mỹ phẩm Mỹ Hảo nhận định, năm nay sản xuất kinh doanh có phần khó khăn so với các năm trước. Ông Vinh ước tính, nhiều doanh nghiệp (DN) sụt giảm trong sản xuất kinh doanh từ 50 – 60%. Theo ông Vinh, khó khăn từ dịch bệnh, lạm phát nên thu nhập của người dân có phần giảm sút. Đây chính là nguyên nhân chính khiến thị trường tiêu thụ sản phẩm rất chậm, người tiêu dùng đắn đo nhiều hơn trong chi tiêu. “Dự báo, thị trường tiêu dùng cuối năm vẫn chưa có sức bật mạnh, cho nên DN sẽ hạn chế việc tăng giá sản phẩm” - ông Vinh cho biết.
Đại diện Hội Lương thực, thực phẩm TPHCM cho hay, hiện hầu hết các công ty đã có kế hoạch về nguyên liệu, nguồn hàng và cả giá hàng hóa Tết. Nhiều DN khẳng định, đang cố gắng tiết kiệm tối đa chi phí sản xuất nhằm giữ giá hàng hóa, cần thiết có thể giảm để kích cầu tiêu dùng cuối năm.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Lê Quốc Tuấn – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Chế biến thực phẩm công nghệ Sông Hương (Sông Hương Foods): “Năm 2022, 90% doanh số của DN đến từ các chuỗi bán lẻ như: Bách hóa xanh, Win... Nhưng đến tháng 8 năm nay, tỷ trọng của các chuỗi này giảm chỉ còn 32%. Ông Tuấn cho biết, DN đã lên phương án tập trung nguồn hàng vào các đại siêu thị - nơi tiếp cận được lượng lớn khách hàng. Đồng thời, tìm cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu. Về giá cả, đơn vị tung các chương trình khuyến mãi nhiều nhất có thể với phương châm không hướng nhiều vào mục tiêu lợi nhuận mà chỉ cần tạo việc làm cho lao động và tránh tồn kho.
Kích cầu thị trường nội địa
Dịp mua sắm cao điểm cuối năm là một cuộc đua marathon của các nhãn hàng với hàng loạt sự kiện bắt đầu từ tháng 10 đến Tết dương lịch, Tết Nguyên đán. Theo đó, các chương trình khuyến mãi, ưu đãi và giảm giá không chỉ giới hạn trong các dịp lễ lớn mà còn kéo dài suốt chuỗi ngày lễ và kỳ nghỉ. Người tiêu dùng có thể mong đợi những cơ hội tiết kiệm không chỉ tại một thời điểm cụ thể. Ngay trong tháng 11, tại nhiều siêu thị, người tiêu dùng được trải nghiệm các chương trình giảm giá hấp dẫn lên đến 50%, mua 2 tặng 1,... áp dụng cho các nhóm hàng thiết yếu như: đồ dùng, thực phẩm công nghệ, hóa phẩm, đồ thời trang...
Đánh giá về sức mua hiện nay, bà Nguyễn Thị Kim Ngọc - Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM cho biết, với tình hình kinh tế khó khăn, thương mại nội địa tiếp tục đóng vai trò quan trọng là trụ cột thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong 10 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt khoảng 578.000 tỷ đồng, tăng 11,6% so với cùng kỳ. Lãnh đạo Sở Công thương cho biết đã có giải pháp tham mưu UBND thành phố thực hiện kích cầu tiêu dùng nội địa. Cụ thể, thành phố sẽ chú trọng các nội dung về giá cả hàng hóa, lưu thông hàng hóa trên thị trường, lượng hàng bình ổn thị trường. Theo đó, sẽ tập trung tổ chức các chương trình khuyến mại; thực hiện các chương trình, kết nối cung cầu, trong đó đặc biệt chú ý liên kết vùng tạo nguồn hàng hóa dịp cuối năm, bảo đảm chất lượng hàng hóa nhằm đem đến chất lượng tốt nhất cho người tiêu dùng.
Về vấn đề này, PGS. TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nêu quan điểm: “Cần chính sách kích cầu để tạo đà cho tăng trưởng kinh tế, trong đó cần tập trung khai thác thị trường nội địa. Thị trường nội địa cũng ảnh hưởng trực tiếp tới khu vực DN nội địa, do đó giải quyết thị trường nội địa là cần hỗ trợ cho DN. Đây là điểm tất yếu, nếu xử lý được, cùng với đầu tư công sẽ tạo cho kinh tế Việt Nam có nền tảng vững chắc hơn”.
Theo Bộ Công thương, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ - ngành và địa phương theo dõi tiễn biến thị trường đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa; phối hợp tiêu thụ các mặt hàng, thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Song song đó, cùng các bộ, ngành thực điều hành giá các mặt hàng do nhà nước quản lý giá. Bộ Công thương sẽ dồn lực kích cầu thị trường trong nước những tháng cuối năm.