Xây dựng chế độ công vụ hoàn thiện, hiện đại, thống nhất

H.Vũ 08/11/2023 07:18

Ngày 7/11, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn gồm các lĩnh vực: Tư pháp; Nội vụ; An ninh, trật tự, an toàn xã hội; Thanh tra; Tòa án; Kiểm sát; Kiểm toán.

Đại biểu Quốc hội chất vấn trực tiếp tại Hội trường, ngày 7/11. Ảnh: Quang Vinh.

Hoàn thành danh mục vị trí việc làm

ĐB Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk) đề nghị Bộ trưởng Nội vụ làm rõ việc giải quyết tình trạng một số cơ quan thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước nhưng chưa được giao biên chế. “Việc này được xử lý ra sao và chính sách cải cách tiền lương với nhóm này được thực hiện như thế nào?”. Còn ĐB Trịnh Minh Bình (Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long) nêu câu hỏi: Khi cải cách chính sách tiền lương mới, giải pháp nào để cải thiện lương của nhân viên trường học?.

Trả lời, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, trên thực tế đang tồn tại một số cơ quan quản lý nhà nước nhưng biên chế viên chức thuộc các khối như quản vụ, kiểm lâm của các vườn quốc gia, thanh tra giao thông, chăn nuôi thú y, kiểm dịch động vật. Đây là tồn tại từ trước khi hoàn thiện pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức. Tổng số viên chức này đến thời điểm ngày 31/12/2022 là 7.191 người.

Bà Trà thông tin, tới đây, Bộ Nội vụ cũng sẽ đề nghị với Ban chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế giải quyết nhanh để đảm bảo được việc thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với công chức thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước.

Về lương của nhân viên trường học, gồm thủ quỹ, kế toán, văn thư có 150.000 viên chức. Chế độ lương với nhân viên trường học còn rất thấp, chưa đảm bảo lương tối thiểu vùng theo quy định. Thời gian tới Bộ Nội vụ sẽ đề nghị địa phương tổng rà soát nhân viên trường học, có phương án sắp xếp đúng vị trí việc làm để cải cách tiền lương với nhóm này. Họ là viên chức, không được hưởng phụ cấp công vụ 25% nên nếu cải cách tiền lương mới có thể sẽ bị thiệt thòi. Trong khi địa phương, bộ, ngành chưa hướng dẫn thi thăng hạng viên chức, nên sẽ xét thăng hạng cho nhân viên là viên chức trường học.

Trong khi đó, ĐB Nguyễn Thị Tuyết Nga (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình) đặt vấn đề: Nghị quyết 29 của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo yêu cầu, lương nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. “Đề nghị Bộ trưởng cho biết chủ trương này của Đảng có được cụ thể trong cải cách tiền lương của năm 2024 hay không? Giải pháp về chính sách cho nhà giáo?”.

Trả lời, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, quan điểm của Đảng về lương nhà giáo được ưu tiên xếp thang bảng lương cao nhất trong hệ thống hành chính sự nghiệp. Tuy nhiên do tính chất đặc thù nên vẫn còn thấp. Do đó trong thời gian tới khi thực hiện các chính sách tiền lương, Bộ Nội vụ sẽ căn cứ theo Nghị quyết 27, đặc biệt là quán triệt tinh thần Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương, đó là lương nhà giáo được ưu tiên xét theo thang, bảng lương cao nhất trong hệ thống hành chính sự nghiệp và điều này là nhất quán.

“Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát lại các quy định về tiền lương, nhất là tiền lương mới và các phụ cấp về dự kiến phụ cấp ưu đãi nghề cao nhất đối với nhà giáo để trình cấp có thẩm quyền xem xét và quyết định” - Bộ trưởng nói.

Liên quan đến việc xây dựng vị trí việc làm để chuẩn bị cho cải cách tiền lương, Bộ trưởng cho biết, đây là nhiệm vụ rất quan trọng. Để cải cách tiền lương, chúng ta đã hoàn thành xong được danh mục vị trí việc làm. Về mặt cơ bản, từ năm 2016 đến nay cơ bản các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện việc xây dựng vị trí việc làm. Tuy nhiên khi triển khai cần đảm bảo sự đồng bộ, toàn diện trong toàn bộ hệ thống.

Về chính sách tiền lương của công chức cấp xã và công chức, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, thời gian tới Bộ Nội vụ tiếp tục hoàn thiện đề án liên thông công chức cấp xã với cấp huyện để xây dựng chế độ công vụ chung, hoàn thiện, hiện đại.

Kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an, ĐB Đào Chí Nghĩa (Đoàn ĐBQH thành phố Cần Thơ) cho biết, hiện nay tình hình thông tin cá nhân bị lộ lọt số điện thoại, họ tên, địa chỉ, số căn cước công dân, số tài khoản cá nhân của người dân đang rất phổ biến. Bên cạnh đó, người dân còn nhận các thông tin, tin nhắn lừa đảo, các đường link giả mạo, bị làm phiền vì các cuộc gọi mời chào, giới thiệu các loại dịch vụ khác nhau. “Bộ trưởng có giải pháp gì để giải quyết tình trạng vừa nêu trong thời gian tới?”. Trong khi đó, ĐB Đỗ Huy Khánh (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai) chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN). “Giải pháp của Bộ trưởng trong việc tiếp tục điều tra các vụ án tham nhũng thời gian tới là như thế nào để đảm bảo các cái tiêu chí: không bỏ lọt tội phạm, đồng thời không làm oan người vô tội và khẳng định quan điểm chỉ đạo nhất quán của Trung ương cũng như của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đó là không có vùng cấm, không có ngoại lệ, xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng, một lĩnh vực?”.

Trả lời, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân là vấn đề rất quan trọng, đặc biệt là trong quá trình chuyển đổi số. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng mua bán dữ liệu cá nhân ở Việt Nam diễn ra nghiêm trọng. Trong năm 2023, Bộ Công an đã phải cảnh báo, xử lý hàng chục triệu vụ việc có liên quan đến xâm phạm cơ sở dữ liệu cá nhân.

Theo Bộ trưởng có nguyên nhân do ý thức của người dân trong việc bảo vệ dữ liệu cá nhân hiện nay chưa cao. Người dân có thể sẵn sàng cung cấp các thông tin cá nhân cho người khác. Về giải pháp, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, hiện Bộ Công an đang chỉ đạo thực hiện một số giải pháp trong đó khẩn trương hoàn thiện hành lang pháp lý, đề xuất xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân để trình Quốc hội xin cho ý kiến. Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ dữ liệu cá nhân, trọng tâm là tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định của Luật An ninh mạng và Nghị định 13 của Chính phủ về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Xác định và thực hiện nghiêm trách nhiệm của các chủ thể liên quan trong bảo vệ dữ liệu cá nhân đã được quy định chặt chẽ trong luật và Nghị định này. Đồng thời tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao cảnh giác, chủ động không cung cấp các thông tin nếu không được pháp luật quy định ban hành.

Liên quan đến công tác PCTN, tiêu cực, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, đấu tranh PCTN, tiêu cực là công tác rất trọng tâm của lực lượng công an triển khai trong thời gian qua. Bộ Công an đã gương mẫu, đi đầu trong khâu tổ chức thực hiện trên các phương diện. Công tác phát hiện, điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng, tiêu cực được ngành công an đẩy mạnh, tích cực. Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, , tiêu cực, các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đặc biệt là Tổng Bí thư đã đánh giá đây là điểm sáng trong hoạt động PCTN.

Thời gian qua, Bộ Công an cũng đã tập trung chống tham nhũng, tiêu cực, làm trong sạch nội bộ. Sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, nâng cao ý thức cán bộ. Đồng thời cũng đã chú trọng cải cách thủ tục hành chính, quản lý, quản trị xã hội bằng pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân, cho doanh nghiệp. “Việc cải cách thủ tục hành chính sẽ giúp giảm hẳn tham nhũng vặt, giải quyết được vấn đề cử tri đang rất bức xúc” - Bộ trưởng nói và khẳng định việc điều tra, quyết định truy tố, xét xử các đối tượng tham nhũng với phương châm không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền đã được thực hiện tốt, góp phần cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa vi phạm, thu hồi được nhiều tài sản cho nhà nước.

Trả lời chất vấn của ĐBQH về tăng cường kiểm soát quyền lực trong hoạt động thanh tra, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, thời gian qua Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Thanh tra Chính phủ đã và đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao công tác PCTN, tiêu cực, kiểm soát quyền lực trong hoạt động thanh tra theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực.

Thanh tra Chính phủ đã phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Trung ương xây dựng Đề án quy định về kiểm soát quyền lực, PCTN, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát thi hành kỷ luật Đảng và trong hoạt động thanh tra kiểm toán. Trong đó, Thanh tra chính phủ đã trực tiếp xây dựng báo cáo thực trạng kiểm soát quyền lực để PCTN, tiêu cực trong hoạt động thanh tra. Trên cơ sở đó, ngày 27/10 vừa qua Ban Bí thư đã ban hành Quy định số 131 quy định kiểm soát quyền lực PCTN, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán. Hiện nay các cấp, các ngành đã và đang triển khai tổ chức thực hiện.

Thanh tra Chính phủ đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 26 về chấn chỉnh, tăng cường công tác thanh tra, kiểm toán, thanh tra, kiểm tra giám sát hoạt động công vụ, nhằm kiểm soát quyền lực, PCTN, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ công chức viên chức, nâng cao kỷ luật kỷ cương hành chính đạo đức công vụ trong hoạt động thanh tra. Bên cạnh đó tiếp tục hoàn thiện quy chế quy định về giám sát nội bộ, nâng cao hiệu quả công tác giám sát thẩm định, chủ động phối hợp các cơ quan đơn vị theo chức năng theo dõi kiểm tra và có hình thức xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm.

Phát biểu giải trình thêm sau khi các Bộ trưởng trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết, về ban hành văn bản quy phạm pháp luật có đến 60% văn bản hướng dẫn được ban hành sau ngày Luật có hiệu lực. Thời gian tới Chính phủ sẽ cố gắng từng bước khắc phục tình trạng này. Bên cạnh đó, sẽ tập trung nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp. Làm tốt công tác đánh giá tác động, tham vấn chính sách. Tăng cường năng lực cán bộ làm công tác pháp chế. Tổ chức, thực hiện vẫn là khâu yếu, để khắc phục điều này đòi hỏi cấp trên phải có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện, kịp thời tháo gỡ khó khăn và chấn chỉnh, xử lý nghiêm vi phạm.

H.Vũ