Đa dạng các hình thức giám sát, phản biện

Thanh Tiến (thực hiện) 09/11/2023 06:18

Từ thực tế công tác triển khai thời gian qua, MTTQ các cấp TP Cần Thơ đã đổi mới, công tác giám sát, phản biện xã hội. Phóng viên Báo Đại Đoàn Kết có cuộc trao đổi cùng ông Nguyễn Trung Nhân - Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Cần Thơ xung quanh vấn đề này.

Ủy ban MTTQ TP Cần Thơ giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư đối với các hộ dân bị ảnh hưởng Dự án Khu tái định cư An Bình (giai đoạn 1).
Ông Nguyễn Trung Nhân.

PV: Thưa ông, giám sát và phản biện xã hội là một trong những chức năng quan trọng của MTTQ Việt Nam, thời gian qua, MTTQ TP Cần Thơ đã thực hiện công tác này ra sao?

Ông Nguyễn Trung Nhân: Trên cơ sở thực hiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về giám sát, phản biện xã hội, hàng năm giữa Ủy ban MTTQ, Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND và UBND TP Cần Thơ đã phối hợp, trao đổi và thống nhất xây dựng triển khai thực hiện kế hoạch giám sát và phản biện xã hội. Ủy ban MTTQ các cấp trong thành phố khi ban hành kế hoạch giám sát và phản biện đều gửi kế hoạch và báo cáo việc thực hiện để các cơ quan, đơn theo dõi và giám sát.

Đối với các tổ chức chính trị - xã hội thành phố, Ủy ban MTTQ thành phố đã chủ trì, hiệp thương phối hợp xây dựng chương trình giám sát, phản biện xã hội và tổ chức thực hiện có hiệu quả với các hình thức giám sát theo quy định của pháp luật. Trong quá trình triển khai thực hiện, MTTQ các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội thành phố luôn bám sát kế hoạch, hướng dẫn của Trung ương và thành phố.

Qua gần 1 năm triển khai thực hiện, công tác giám sát, phản biện của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đã có nhiều kết quả tích cực, được cấp ủy và nhân dân đánh giá cao; góp phần vào việc phát hiện những điểm chưa tốt, còn hạn chế để kiến nghị khắc phục. Từ đầu năm đến nay, MTTQ các cấp thành phố đã chủ trì giám sát được 119 cuộc, với 16 nội dung; tổ chức 125 hội nghị góp ý phản biện cho 16 dự thảo Quyết định của UBND và 109 dự thảo Nghị quyết của HĐND.

Với công tác giám sát, một phần việc quan trọng là theo dõi, đôn đốc xử lý các kiến nghị sau giám sát của các cơ quan chức năng? Vậy công tác này có gặp những khó khăn gì, thưa ông?

- Nhận thức của một bộ phận cán bộ Mặt trận về chức năng giám sát và phản biện xã hội vẫn còn chưa đầy đủ; một số nơi chưa chủ động xin ý kiến cấp ủy để thực hiện công tác giám sát và phản biện xã hội, trong những năm đầu một vài địa phương chưa mạnh dạn trong việc xây dựng kế hoạch giám sát, tổ chức đoàn giám sát.

Việc giám sát đối với một số vấn đề gây bức xúc trong nhân dân còn chậm hoặc chưa đáp ứng được yêu cầu; việc giám sát các kiến nghị xử lý sau giám sát của cơ quan có liên quan chưa được coi trọng đúng mức.

Giám sát, phản biện đòi hỏi các thành viên tham gia phải là những người có năng lực chuyên môn, có kinh nghiệm, bản lĩnh, không ngại va chạm mới có thể phân tích, đánh giá mọi vấn đề một cách chính xác và thuyết phục nhất?

- Thời gian qua, MTTQ TP Cần Thơ rất chú trọng xây dựng, bồi dưỡng lực lượng cán bộ Mặt trận có năng lực chuyên môn, bản lĩnh chính trị; thu hút sự tham gia của các chuyên gia, các nhà khoa học, các vị là ủy viên Ủy ban MTTQ các cấp có kinh nghiệm, uy tín để thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội. Những kết quả hoạt động đạt được của MTTQ các cấp thành phố thời gian qua là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của cấp ủy, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với HĐND, UBND cùng cấp, nên không có gì gọi là “va chạm”.

Ông đánh giá thế nào về vai trò của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng trong công tác giám sát?

- Vai trò của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng trong thời gian qua đã góp phần rất lớn trong việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, tạo được lòng tin và sự đồng thuận trong nhân dân. Tính đến nay, toàn thành phố có 83 Ban Thanh tra nhân dân với 792 thành viên; 240 Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng được thành lập theo từng công trình, dự án với trên 800 thành viên.

Ban Thanh tra nhân dân xã, phường, thị trấn đã tổ chức trên 350 cuộc giám sát, qua đó đã có nhiều phát hiện, kiến nghị, tập trung hoạt động của HĐND, UBND cấp xã, giám sát thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở và giám sát việc thực hiện các công trình, dự án đầu tư do Nhà nước đầu tư và nhân dân đóng góp. Đã có 240 công trình xây dựng ở các địa phương được các Ban giám sát hiệu quả, tác động rõ rệt đến chất lượng, tiến độ của các công trình, dự án, trong đó chủ yếu là các công trình, dự án thực hiện bằng vốn Nhà nước và vốn đóng góp của cộng đồng như: Xây dựng nhà văn hóa, nhà Đại đoàn kết, trạm y tế, trường học; đường bê tông, cầu nông thôn… hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Giám sát đầu tư của cộng đồng ngày càng phát huy được hiệu quả tích cực, góp phần hạn chế những việc làm gây lãng phí, thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước và nhân dân.

Để công tác giám sát và phản biện của MTTQ các cấp TP Cần Thơ thật sự phát huy hiệu quả trong cuộc sống, theo ông, MTTQ cần có những đổi mới gì trong thời gian tới?

- Tôi cho rằng cần tiếp tục tăng cường việc hiệp thương, phối hợp thực hiện các nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. MTTQ Việt Nam phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan có chức năng giám sát, thanh tra, kiểm tra để thực hiện quyền giám sát, phản biện xã hội của mình. Hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên cần tiếp tục quan tâm hơn nữa đến quyền và nghĩa vụ của nhân dân. Các vấn đề liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của tổ chức chính trị - xã hội nào thì tổ chức đó tiến hành giám sát, phản biện xã hội hoặc đề nghị Ủy ban MTTQ và các tổ chức thành viên khác cùng tham gia. Có như vậy mới phát huy ngày càng tốt hơn hiệu của của công tác giám sát, phản biện xã hội.

Trân trọng cảm ơn ông!

Thanh Tiến (thực hiện)