Kênh gửi tiết kiệm vẫn hút khách
Dù lãi suất huy động giảm mạnh nhưng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng vẫn tăng. Gửi tiết kiệm ngân hàng vẫn được nhiều người dân lựa chọn vì đây là kênh sinh lợi an toàn.
Lãi suất huy động giảm sâu
Lãi suất huy động vẫn tiếp tục trong xu hướng giảm. Nếu 3 tháng đầu năm, mức lãi suất trung bình kỳ hạn 12 tháng là trên 8%/năm. Đến quý II, lãi suất giảm về quanh mốc trung bình 7%/năm. Tháng 9, tháng 10, và thời điểm hiện tại lãi suất huy động được ngân hàng điều chỉnh ha tiếp, hầu hết ngân hàng niêm yết lãi suất quanh mốc 5-5,5%/năm.
Tính đến thời điểm này, lãi suất kỳ hạn 12 tháng tiền gửi tại quầy trung bình ở mức 5,4%/năm, giảm 0,2 điểm % so với đầu tháng 10 và giảm 3% so với đầu năm.
Chỉ trong 1 tuần đầu tháng 11, nhiều ngân hàng đã công bố giảm lãi suất huy động, trong đó, riêng 2 ngày 6 và 7/11 đã có khoảng 5 ngân hàng hạ lãi suất. Chẳng hạn Techcombank công bố biểu lãi suất huy động mới áp dụng từ ngày 6/11, điều chỉnh giảm với hàng loạt kỳ hạn từ 6 – 36 tháng. Theo đó, lãi suất huy động tiết kiệm thường được Ngân hàng áp dụng mức 4,6%/năm cho các khoản tiền gửi 6 – 8 tháng; 4,65%/năm cho kỳ hạn 9 – 11 tháng. Các kỳ hạn này đồng loạt giảm 0,2%/năm so với trước đó.
Tại các kỳ hạn 12 – 36 tháng, lãi suất ngân hàng này cũng đồng loạt giảm thêm 0,1 điểm phần trăm còn 5,1%/năm.
Hay tại NCB lãi suất các kỳ hạn từ 6 – 8 tháng cũng giảm 0,2 điểm phần trăm xuống còn 5,5%/năm; Kỳ hạn 9 – 11 tháng cũng giảm tương tự xuống còn 5,65%/năm.
Đối với tiền gửi từ 12 tháng trở lên, ngân hàng này cũng giảm thêm 0,1%/năm, xuống còn 5,8%/năm; kỳ hạn từ 15 – 60 tháng là 6%/năm.
Nhiều ý kiến cho rằng, dù lãi suất tiền gửi giảm mạnh nhưng đây vẫn là kênh đầu tư an toàn ở thời điểm hiện tại.
Báo cáo tài chính quý III của một số ngân hàng cũng cho thấy, tăng trưởng tiền gửi vẫn khả quan. Chẳng hạn sau 9 tháng, HDBank tiếp tục là ngân hàng có tăng trưởng tiền gửi mạnh nhất, tăng 58,3% kể từ đầu năm, đạt 341.700 tỷ đồng. Tính riêng quý III, tăng trưởng tiền gửi tại HDBank đạt mức 10,4%. VPBank cũng có tăng trưởng tiền gửi ấn tượng trong quý III, tiếp nối đà tăng từ các quý trước đó. Tiền gửi của khách hàng tại nhà băng này cuối quý III/2023 đạt hơn 421.000 tỷ đồng, tăng 8,7% so với cuối quý II và tăng 39% so với đầu năm.
Một số ngân hàng khác ghi nhận mức tăng trưởng tiền gửi hai chữ số gồm: Sacombank (11,7%), Techcombank (14,1%), MSB (10,7%), OCB (12,7%), Bac A Bank (18,2%), ABBank (10,4%)...
Kênh gửi tiết kiệm vẫn được người dân tin tưởng
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, tính đến ngày 30/9, tổng vốn huy động của các ngân hàng thương mại đạt khoảng 12.900.000 tỷ đồng, tăng khoảng 5,9% so với cuối năm 2022. Trước đó dữ liệu mà NHNN công bố cũng cho biết, thời điểm tháng 7, tháng 8 năm 2023 lượng tiền gửi vào ngân hàng tăng rõ rệt.
Những con số trên cho thấy, tâm lý nhà đầu tư vẫn còn dè dặt trong bối cảnh các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp… chưa thực sự khơi thông nên dòng tiền chưa biết đổ vào đâu. Người dân vì vậy lựa chọn gửi tiết kiệm để vừa sinh lợi vừa đảm bảo an toàn.
Bà Trần Ánh Tuyết (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, lãi suất huy động có giảm thêm bà vẫn gửi tiền vào ngân hàng vì ở tuổi 70, với khoản tiền nhàn rỗi để dành được không thể mạo hiểm đưa ra kinh doanh vì kênh nào cũng tiềm ẩn rủi ro. Chọn gửi ngân hàng kỳ hạn trên 1 năm, chờ lấy lãi để trang trải sinh hoạt là an tâm nhất. Cũng vừa gửi lại 500 triệu đồng vào ngân hàng, ông Nguyễn Bốn Bảy (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, gửi tiền tiết kiệm vẫn cảm thấy yên tâm hơn cả.
Tâm lý của bà Tuyết hay ông Bảy cũng là tâm lý chung của nhiều người có tiền mặt nhưng chọn kênh tiết kiệm để giữ tiền thay vì đầu tư kinh doanh. Chưa kể, nhiều người dự báo tình hình khó khăn còn kéo dài nên đã tranh thủ gửi tiền kỳ hạn dài 12 tháng.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) nhận định, thời điểm hiện nay rất khác so với cách đây 2 năm, do vậy, không nên quá lo ngại chuyện “tất tay” vào vàng, chứng khoán hay bất động sản... Nhiều người sợ mất tiền nên ngay cả khi kênh tiết kiệm kém hấp dẫn thì họ vẫn lựa chọn để mang lại sự an tâm. Khi nào nền kinh tế khởi sắc, các kênh đầu tư khác “ấm lên”, người dân sẽ mạnh tay đổ tiền vào các kênh đó.
Một số chuyên gia cũng cho rằng, các kênh đầu tư như vàng, bất động sản, chứng khoán… hiện vẫn còn bấp bênh. Một số phân khúc bất động sản có giá thấp hơn trước đây nhưng rủi ro vẫn hiện hữu nên nhà đầu tư chưa dám "xuống tiền". Giá vàng thì tăng giảm thất thường trong suốt thời gian qua nên cũng khiến người mua ái ngại. Vì thế, dòng tiền hiện nay đang nằm chờ đợi ở ngân hàng để tìm kiếm cơ hội đầu tư là chính.