Tăng 'đề kháng' cho trẻ trên không gian mạng
Mới đây, phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình phối hợp với một số đơn vị tổ chức hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam tại Trường THCS Thăng Long (quận Ba Đình, Hà Nội).
Nhân dịp này, học sinh được tìm hiểu các quy định liên quan đến an ninh mạng khi sử dụng Internet, mạng xã hội thông qua “4 cần, 5 không”. Cụ thể, thực hiện “4 cần” gồm: Tuân thủ pháp luật nói chung và Luật An ninh mạng nói riêng; tuyệt đối không sử dụng mạng xã hội để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật; có hành vi ứng xử phù hợp trên không gian mạng; tích cực học hỏi, phát triển năng lực số để biết lọc bỏ những thông tin không có ích.
Học sinh cũng cần tuân thủ “5 không” gồm: Không a dua theo đám đông, nhận thức đúng về an ninh mạng để tránh vi phạm; không cấu kết, xúi giục lôi kéo bạn bè để chống phá Nhà nước; không đăng tải những thông tin vi phạm thuần phong mỹ tục; không đăng tải những thông tin sai lệch.
Đây cũng là hoạt động được nhiều trường học ở thủ đô chú trọng nhằm trang bị cho học sinh những thông tin cần thiết khi sử dụng internet.
Trường Tiểu học Thành Công A, Thành Công B (quận Ba Đình, Hà Nội) nhiều năm qua tổ chức các buổi tuyên truyền, thông tin tới học sinh về sử dụng Internet an toàn và hiệu quả. Thông qua việc xem các video hoạt hình do Google sản xuất, học sinh học được các quy tắc ứng xử trên môi trường Internet dựa trên 5 phẩm chất của “người dùng Internet tuyệt vời” bao gồm: Cẩn thận khi chia sẻ (Dùng Internet thông minh); Đừng rơi vào cạm bẫy (Dùng Internet tỉnh táo); Bảo vệ bí mật (Dùng Internet mạnh mẽ); Tử tế thật tuyệt (Dùng Internet tử tế); Khi nghi ngờ, đừng ngại lên tiếng (Dùng Internet can đảm)… Các trường thông qua hình thức hỏi đáp, đố vui, các hoạt động vui chơi, trải nghiệm khám phá… giúp học sinh hiểu được những điều bổ ích và tác hại trong sử dụng Internet.
Tuy nhiên, với sự thay đổi, cập nhật không ngừng của công nghệ, để phòng tránh những rủi ro, nguy cơ có thể xảy ra với học sinh cần sự quan tâm từ nhiều phía. Tại Họp báo Thường kỳ Bộ Thông tin và Truyền thông tháng 11, đại diện Cục An toàn thông tin lưu ý, hiện các ứng dụng trên nền tảng Internet đều có nguy cơ lộ lọt thông tin. Trẻ em còn có thể gặp phải một số rủi ro từ công cụ AI như tiếp cận thông tin không phù hợp lứa tuổi; có hành vi bạo lực; dễ bị lôi kéo tham gia các thử thách, trò chơi nguy hiểm trên không gian mạng.
Cục An toàn thông tin khuyến cáo các bậc phụ huynh khi muốn cho trẻ em tham gia không gian mạng cần tuân thủ nguyên tắc thông tin (tuân thủ tất cả các nguyên tắc, biện pháp bảo mật thông tin của nhà cung cấp đưa ra); thông minh (trang bị kiến thức cơ bản cho bản thân và con em trên môi trường mạng); thận trọng (luôn thận trọng với bất cứ thông tin nào trên môi trường mạng); tử tế (cư xử văn minh, tuân thủ nguyên tắc ứng xử trên môi trường mạng). Phụ huynh nên cân nhắc sử dụng các ứng dụng mà các nhà cung cấp dành riêng cho trẻ em.
Thế giới ảo nhưng nỗi đau sau đó là thật. TS Lê Minh Công (Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM) cho rằng, trong xã hội công nghệ số, việc chặn và nghiêm cấm trẻ dùng Internet, mạng xã hội là không thể và không nên. Tuy nhiên, để trẻ an toàn trên môi trường Internet, không thể buông lỏng quản lý, cần trang bị kỹ năng sử dụng, định hướng, chọn cho trẻ những trang web lành mạnh, phù hợp với lứa tuổi để các em biết tận dụng Internet vào việc học tập. Người lớn cần dạy trẻ cách tương tác an toàn và có văn hóa trên không gian mạng, giúp trẻ ý thức về hành vi sử dụng Internet lành mạnh, hướng dẫn trẻ nhận thức những mặt trái của Internet, nhận diện website không chính thống, đường link độc hại để các em tự biết cách tránh.
Người lớn cần dạy trẻ cách tương tác an toàn và có văn hóa trên không gian mạng, giúp trẻ ý thức về hành vi sử dụng Internet lành mạnh, hướng dẫn trẻ nhận thức những mặt trái của Internet, nhận diện website không chính thống, đường link độc hại để các em tự biết cách tránh.