Xử lý từng bước vướng mắc dạy - học tích hợp
Ngày 8/11, trả lời chất vấn của ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Nguyễn Kim Sơn cho biết, đến nay việc dạy các môn tích hợp vẫn còn vướng trong việc triển khai.
Những vướng mắc đã được thực tế chỉ ra thời gian qua. Đó là giáo viên được đào tạo đơn môn nhưng phải dạy liên môn. Chương trình GDPT 2018 có môn Khoa học tự nhiên (KHTN), Lịch sử và Địa lý là môn học tích hợp. Vì không có nhân sự, phần lớn các trường vẫn đang chia theo phân môn để giảng dạy. KHTN (bao gồm Lý, Hóa, Sinh), tuy tên gọi là một môn học, nhưng vẫn có 2-3 giáo viên giảng dạy những môn riêng lẻ. Ngược lại, có những nơi một giáo viên phải dạy 2-3 phân môn trong tổ hợp. Điều này gây ra rắc rối và phức tạp trong việc phối hợp, thống nhất nội dung, phương pháp dạy học, đánh giá học sinh... Học sinh phải học liên tục một chủ đề liên quan đến môn Vật lý rồi mới tiếp tục học Hóa học, Sinh học hoặc ngược lại, do vậy không được ôn luyện cả 3 phân môn này thường xuyên, dễ xảy ra tình trạng “rơi rụng” kiến thức.
Trong tháng 10 vừa qua, Bộ GDĐT đã ra văn bản hướng dẫn dạy tích hợp trong bối cảnh hầu hết các trường chưa có giáo viên môn này. Cụ thể, Bộ hướng dẫn các trường xây dựng kế hoạch dạy học theo từng phân môn Lịch sử và Địa lý thay vì học theo mạch kiến thức như KHTN.
Từ khi thực hiện Chương trình GDPT 2018 đến nay, đã có không dưới 3 văn bản hướng dẫn dạy các môn học tích hợp từ song song đến cuốn chiếu và giờ không còn quy định bắt buộc giáo viên dạy theo logic sắp xếp tuyến tính, không bắt buộc dạy học cuốn chiếu, tùy điều kiện có thể dạy đồng thời các mạch nội dung của 3 phân môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học. Với môn Lịch sử và Địa lý, thay vì học theo mạch kiến thức, giáo viên dạy theo từng phân môn Lịch sử, Địa lý và các chủ đề liên môn.
Trong báo cáo tổng kết năm học 2022 – 2023, Bộ GDĐT cũng chỉ ra việc phân công giáo viên dạy các môn học tích chưa bảo đảm thực hiện nguyên tắc phân công giáo viên phù hợp với năng lực chuyên môn theo hướng dẫn, dẫn tới khó khăn trong việc bảo đảm chất lượng, đồng thời làm tăng áp lực đối với giáo viên…
Trả lời chất vấn của ĐBQH, theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Chương trình GDPT 2018 được ban hành và triển khai mới có căn cứ về việc cần có giáo viên dạy môn tích hợp; các trường sư phạm mới có căn cứ để triển khai chương trình đào tạo và tuyển sinh. Để đổi mới giáo dục và triển khai Chương trình GDPT 2018, không phải bắt đầu bằng việc tuyển đội ngũ giáo viên hoàn toàn mới. Thay vào đó, cần bắt đầu từ lực lượng cũ, đã và đang được tập huấn, hỗ trợ. Những giáo viên tích cực tham gia tập huấn và năng động trong thực tế đã thích ứng được với các môn tích hợp.
Theo ông Sơn, các trường không nhất thiết phải cùng lúc yêu cầu giáo viên dạy 2 - 3 mạch kiến thức trong môn tích hợp mà phải theo năng lực giáo viên, từng bước để giáo viên thích ứng.
“Đổi mới là một quá trình, nên cần từng bước để truyền tải Chương trình GDPT 2018. Lứa sinh viên được đào tạo về dạy học tích hợp sẽ ra trường vào năm 2024. Vấn đề dạy học tích hợp sẽ được giải quyết từng bước” - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.