Giao mùa, cẩn trọng viêm đường hô hấp ở trẻ nhỏ

Đức Trân 09/11/2023 08:41

Thời tiết giao mùa khiến nguy cơ của một số bệnh hô hấp gia tăng, đặc biệt ở trẻ nhỏ, với nguyên nhân chủ yếu do gặp các vấn đề sốt virus, nhiễm khuẩn đường hô hấp.

Thăm khám trẻ nhập viện do viêm phổi tại Bệnh viện Nhi trung ương. Ảnh: BVCC.

Ghi nhận từ Trung tâm Nhi khoa (Bệnh viện Bạch Mai) cho thấy, số trẻ nhập viện có tăng, một số trẻ phải nằm ghép giường điều trị. BS Nguyễn Thành Nam - Trung tâm Nhi khoa cho hay: “Theo dịch tễ, năm nào, vào tháng 10, số trẻ nhập viện đều gia tăng, đặc biệt là nhóm trẻ dưới 5 tuổi. Nguyên nhân do thời điểm giao mùa, trẻ thường mắc một số bệnh đường hô hấp.

Còn tại Bệnh viện Nhi trung ương, số trẻ được đưa tới khám, điều trị các bệnh về đường hô hấp, cảm cúm tăng khá cao, phần lớn trẻ bị nhiễm virus hợp bào hô hấp, có biểu hiện viêm phổi, ho, sốt, khó thở, một số ca nặng bị suy hô hấp.

Nguyên nhân phổ biến gây viêm đường hô hấp ở trẻ nhỏ là do virus, thường là các chủng virus lành tính. Một số chủng virus gây bệnh thường gặp gồm virus hợp bào hô hấp (RSV), virus cúm, virus sởi, coronavirus, adenovirus… “Các chủng virus này lây lan từ người này sang người khác khi trẻ tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ mũi hoặc các giọt bắn có chứa virus khi bệnh nhân hắt hơi, ho, nói chuyện, sau đó, đưa tay tên mắt, mũi của mình, khiến virus có cơ hội xâm nhập vào cơ thể, gây nhiễm trùng. Vì vậy, viêm đường hô hấp ở trẻ rất dễ lây lan và phát tán nhân chóng ở những khu vực có nhiều trẻ em như trường học, khu vui chơi, nhà trẻ…” – BS Nguyễn Thành Nam cho hay.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hàng năm trên thế giới có hơn 4 triệu ca tử vong do các bệnh viêm đường hô hấp ở trẻ, chủ yếu là do viêm phổi gây ra. Trẻ dưới 5 tuổi là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao, có khả năng tái nhiễm 4-6 lần/năm.

Bệnh viện trung ương Quân đội 108 thông tin, gần đây đã ghi nhận tình trạng gia tăng bệnh nhi bị viêm phổi vào nhập viện. Nhiều trường hợp đến viện trong tình trạng sốt cao, rét run và xuất hiện khó thở.

BS Phạm Thị Thuận - phụ trách Chủ nhiệm khoa Nhi (Bệnh viện 108) cho biết: Thời điểm giao mùa nên nhiều bệnh nhi đến thăm khám vì nhiễm khuẩn hô hấp tăng cao. Các bệnh nhi tới khám thường có dấu hiệu sốt cao, ho đờm nhiều, thở nhanh, quấy khóc liên tục. Tại khoa Nhi, ghi nhận trên 50% trẻ nhập viện là viêm phổi.

Tại Bệnh viện đa khoa Medlatec, PGS.TS Nguyễn Thái Sơn - Phó Giám đốc Trung tâm Xét nghiệm cho biết, thời điểm giao mùa từ thu sang đông, thời tiết có sự thay đổi thất thường, nhiệt độ chênh lệch nhiều giữa ngày và đêm. Đây chính là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virus gây bệnh phát triển, dịch bệnh bùng phát và lây lan trong cộng đồng. Thực tế, ghi nhận tại các cơ sở y tế, số lượng trẻ đến khám và điều trị vì bị viêm phổi do vi khuẩn Mycoplasma tăng đột biến.

Được biết, viêm phổi do Mycoplasma là một bệnh nhiễm trùng ở phổi khá phổ biến, do vi khuẩn Mycoplasma pneumoniae gây ra. Bệnh thường bùng phát thành dịch vào thời điểm giao mùa, phát tán qua giọt bắn khi người bệnh ho, hắt hơi. Đây là bệnh viêm phổi không điển hình do có những triệu chứng khác với bệnh viêm phổi do nhiễm khuẩn thông thường khác.

BS Chu Thị Hạnh - Trưởng khoa Hô hấp (Bệnh viện Tâm Anh Hà Nội) cũng nêu thực trạng, gần đây bệnh nhân viêm phổi nhiều hơn trước. Ở trẻ em, phần lớn viêm phổi do khuẩn nội bào Mycoplasma, phải xét nghiệm PCR mới phát hiện.

Những dấu hiệu ban đầu của viêm phổi như ho, khạc đờm, đau họng, sốt nhẹ… khiến nhiều người chủ quan nghĩ cảm cúm. Tuy nhiên, sau đó bệnh tiến triển nặng gây sốt cao, ho, đau ngực, khó thở. “Nếu không điều trị sớm, người bệnh có thể gặp các biến chứng như áp xe phổi, viêm mủ màng phổi, tràn mủ màng phổi, viêm màng ngoài tim, sốc nhiễm trùng, suy hô hấp tiến triển” – BS Hạnh cho hay.

Trước tình trạng trẻ nhập viện liên quan đến đường hô hấp tăng cao, các chuyên gia y tế khuyến cáo, cha mẹ cần đưa trẻ tới thăm khám bác sĩ để có chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời.

Khi chăm sóc trẻ tại nhà, chủ yếu vệ sinh đường hô hấp trên (nơi vi khuẩn, virus hay bám đầu tiên), tăng cường miễn dịch cho trẻ bằng cách ăn đủ vi chất, chế độ dinh dưỡng cân bằng, cho trẻ đi ngủ sớm, cách ly với trẻ có bệnh truyền nhiễm.

Lưu ý việc vệ sinh mũi họng hàng ngày cho bé, nếu trẻ không có triệu chứng cũng không nên bơm rửa nhiều quá vì nếu không biết cách sẽ vô tình đẩy các tác nhân gây bệnh vào bên trong xoang mũi, tai giữa. Không tự mua thuốc kháng sinh điều trị, dùng đúng loại và liều lượng thuốc bác sĩ đã kê.

Đức Trân