Giá điện tăng thêm 4,5%: Ảnh hưởng thế nào đến các nhóm khách hàng?
“Việc tăng giá điện đã được cân nhắc kỹ nhằm tránh tác động đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của người dân” - đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam nhấn mạnh tại buổi họp báo thông tin về việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân diễn ra chiều 9/11, tại Hà Nội.
Giá điện tăng thêm 4,5%
Đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, đã có quyết định về việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân tăng thêm 4,5% từ 9/11. Theo đó, giá điện bán lẻ bình quân tăng từ 1.920,3732 đồng/kWh, lên 2.006,79 đồng/kWh, chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng. Mức điều chỉnh này tương đương mức tăng 4,5% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành.
Với lần tăng giá điện này, cộng với mức tăng giá hơn 55,9 đồng/kWh (tăng 3%) của ngày 4/5/2023, giá điện bán lẻ đã tăng thêm hơn 142,35 đồng/kWh, tính từ đầu năm đến nay.
Bộ Công thương cũng quy định cụ thể giá bán điện cho từng nhóm khách hàng. Trong đó, với khách hàng sinh hoạt, mức giá bán lẻ điện được áp dụng cho 6 bậc: Bậc 1 áp dụng từ 0-50 kWh là 1.806 đồng/kWh; bậc 2 từ 51-100 kWh là 1.866 đồng/kWh; bậc 3 từ 101 - 200 kWh là 2.167 đồng/kWh; bậc 4 từ 201 - 300 kWh là 2.729 đồng/kWh; bậc 5 là 3.050 đồng/kWh; bậc 6 áp dụng cho 401 kWh trở lên có giá là 3.151 đồng/kWh.
Theo đại diện EVN, về cơ bản, việc điều chỉnh giá điện lần này sẽ bảo đảm các hộ nghèo, các gia đình chính sách bị ảnh hưởng ở mức không đáng kể. Theo số liệu thống kê, năm 2022, cả nước có trên 1,27 triệu hộ nghèo, hộ chính sách xã hội được hỗ trợ tiền điện theo chủ trương của Chính phủ. Các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội tiếp tục được hỗ trợ theo quy định tại Quyết định số 28/2014 ngày 7/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, hộ nghèo được hỗ trợ với mức hỗ trợ hàng tháng tương đương số lượng điện sử dụng 30kWh/hộ/tháng. Hộ chính sách xã hội có lượng điện sử dụng không quá 50 kWh/tháng được hỗ trợ với mức hỗ trợ hàng tháng tương đương số lượng điện sử dụng 30kWh/hộ/tháng. “Với đối tượng sử dụng nhiều điện nhất (từ 400kwh trở lên) thì cũng ảnh hưởng không nhiều” – đại diện EVN cho hay.
Sẽ điều chỉnh giá điện 3 tháng/lần
Về cơ sở để điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, ông Nguyễn Đình Phước -Trưởng ban Tài chính Kế toán của EVN cho biết, căn cứ thực hiện là Quyết định 24/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Năm 2023 thông số đầu vào ảnh hưởng trực tiếp chi phí của EVN, gồm cơ cấu nguồn điện năm 2023 giảm mạnh, sản lượng thủy điện gần 17 tỷ kWh do hạn hán và Elnino nên sản lượng giảm.
Cùng với đó, giá nhiên liệu đầu vào duy trì ở mức rất cao. Cụ thể, giá than nhập khẩu tăng 186% so với năm 2020 và 25% so với năm 2021. Giá than pha trộn TKV và Đông Bắc đã tăng 29,6% đến 40%. Ngoài việc mua than nhập khẩu làm giá than tăng cao; giá dầu cao cũng làm ảnh hưởng chi phí từ các nhà máy điện từ khí, năm 2023 tăng 18%, đặc biệt là tỷ giá ngoại tệ tăng mạnh.
"Đó là những yếu tố đầu vào ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí mua điện và giá thành của EVN, đủ căn cứ xem xét điều chỉnh giá điện. Giá bán lẻ điện bình quân đã được điều chỉnh tăng ngày 4/5, nên đã đủ 6 tháng. Qua đánh giá tác động CPI, Bộ Công thương đã xin ý kiến các bên liên quan" - ông Phước nói.
Cũng theo ông Phước, mức giá bán lẻ điện bình quân được thực hiện xét theo Quyết định 24, việc tăng giá này giúp tăng doanh thu 3.200 tỷ đồng, giảm phần khó khăn tài chính của EVN năm 2023.
Đại diện EVN cho biết thêm, giá bán lẻ điện hiện nay đang thấp hơn giá thành, nhưng việc tăng giá cũng đã được EVN đánh giá kỹ nhằm tránh tác động đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của người dân... Thời gian qua, EVN cũng thực hiện tiết kiệm chi phí trong sản xuất kinh doanh để giảm chi phí.
Thông tin tại buổi họp báo, ông Trần Việt Hòa - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) cho biết, theo chỉ đạo của Thủ tướng trong đảm bảo điều chỉnh giá điện, cần có lộ trình cụ thể, tránh giật cục, đồng thời phải phản ánh được "hơi thở" của thị trường, chu kỳ điều chỉnh giá điện giảm xuống từ 6 tháng xuống 3 tháng, đảm bảo tính linh hoạt.
Trong dự thảo Quyết định 24 sửa đổi cũng ghi rõ, việc điều chỉnh giá điện không chỉ điều chỉnh tăng, mà còn có thể điều chỉnh giảm phụ thuộc thông số đầu vào theo biến động thị trường. “Việc điều chỉnh tăng hay giảm giá điện phụ thuộc thông số đầu vào và việc điều chỉnh giá điện lần này căn cứ theo quy định của Quyết định 24/2017 là phù hợp” – ông Hòa nhấn mạnh.
Trước đó, hồi tháng 3/2023, Bộ Công thương đã họp báo công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2021 và 2022 của EVN. Tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện các năm như sau: Năm 2021 là trên 419.031 tỷ đồng; năm 2022 là trên 493.265 tỷ đồng. Chi phí này bao gồm chi phí sản xuất kinh doanh điện của các khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện và phụ trợ - quản lý ngành. Giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2021 là 1.859,90 đồng/kWh, tăng 1,84% so với năm 2020. Giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2022 là 2.032,26 đồng/kWh, tăng 9,27% so với năm 2021.
Tuy vậy, mức tăng 3% hồi tháng 5 của EVN chỉ mang lại doanh thu tăng thêm cho EVN là 8.000 tỷ đồng, nên chưa đủ bù đắp chi phí giá, khiến tập đoàn gặp nhiều khó khăn về tài chính và tiếp tục lỗ.
Theo tính toán của EVN, giá điện bình quân sau khi điều chỉnh sẽ tác động đến từng nhóm khách hàng. Cụ thể: Với nhóm khách hàng kinh doanh dịch vụ có 547 nghìn khách hàng, sau khi thay đổi giá trung bình mỗi tháng sẽ trả thêm tiền điện là 230.000 đồng/ tháng. Với nhóm khách hàng sản xuất (có 1.909 nghìn khách hàng), sau khi thay đổi giá trung bình mỗi tháng sẽ trả thêm tiền điện là 432.000 đồng/tháng. Còn với nhóm khách hàng hành chính sự nghiệp (có 681 nghìn khách hàng), sau khi thay đổi giá trung bình mỗi tháng sẽ trả thêm tiền điện là 90.000 đồng/tháng.