Giải quyết án hình sự: Còn nhiều khó khăn, bất cập
Trong nhiều vụ án được đưa ra xét xử gần đây, Tòa án nhân dân các cấp tại TPHCM đã trả hồ sơ cho Viện Kiểm sát để điều tra bổ sung. Qua rà soát, các cơ quan tố tụng chỉ ra các khó khăn, bất cập còn tồn tại liên quan đến chứng cứ, chứng minh trong giải quyết vụ án hình sự.
Ngày 6/11, khi đưa vụ bạo hành và dẫn dụ trẻ em sử dụng ma túy ra xét xử, Tòa án nhân dân (TAND) huyện Hóc Môn (TPHCM) đã trả hồ sơ đề nghị điều tra bổ sung.
Lý do được Hội đồng xét xử nhận định, ngoài hành vi đã truy tố, các bị cáo trong vụ án này còn thực hiện hành vi khác mà pháp luật quy định là tội phạm. Ngoài ra, cáo trạng cũng chưa xem xét hành vi bị cáo tổ chức sử dụng ma túy và hành vi cho bé trai 3 tuổi sử dụng ma túy, là có dấu hiệu bỏ lọt hành vi phạm tội.
Ngay trước vụ án này, TAND TPHCM cũng đã đưa ra xét xử và đã tuyên án sơ thẩm đối với bị cáo Nguyễn Phương Hằng (Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam) và các đồng phạm về tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo khoản 2, Điều 331 Bộ luật Hình sự. Dù vậy, trước khi vụ án được đưa ra xét xử thì tòa cũng đã trả hồ sơ nhiều lần để đề nghị bổ sung hồ sơ, chứng cứ, tài liệu chứng minh thiệt hại của vụ án để cơ quan xét xử có đủ căn cứ giải quyết. Đến ngày 21/9, vụ án này mới được đưa ra xét xử, trong đó đủ cơ sở tuyên án sơ thẩm 3 năm tù giam đối với bị cáo Nguyễn Phương Hằng về tội danh kể trên.
Liên quan đến các bất cập, khó khăn trong giải quyết vụ án hình sự, PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hoa - Trưởng khoa Luật Hình sự Trường Đại học Luật TPHCM dẫn chứng bản án hình sự sơ thẩm ngày 16/6/2023 của TAND TPHCM về tội “cướp tài sản” mà đối tượng tác động là tiền mã hóa Bitcoin.
Theo bà Hoa, vụ án này khá phức tạp do những cơ sở pháp luật xử lý liên quan đến tiền mã hóa đang là khó khăn dưới góc độ xử lý các hành vi bất hợp pháp liên quan. Cụ thể, lịch sử giao dịch không được lưu trữ tập trung ở một máy chủ đã dẫn đến khó khăn trong việc thu thập chứng cứ của cơ quan có thẩm quyền. Theo nội dung bản án, có 2 phán quyết của tòa án không nhất quán, gây nhiều tranh luận. Một là, tòa án xác định đối tượng cướp tài sản có bitcoin và số tiền VNĐ được quy đổi từ bitcoin là căn cứ quyết định hình phạt. Kế đến, số bitcoin còn lại chưa quy đổi sang tiền VNĐ không được dùng làm căn cứ quyết định hình phạt.
“Tài sản được pháp luật nói chung, cũng như luật hình sự nói riêng, bảo vệ về nguyên tắc phải là tài sản hợp pháp. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa những hành vi xâm phạm tài sản bất hợp pháp của công dân khác không bị coi là phạm tội” - PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hoa phân tích, đồng thời đưa ra kiến nghị pháp luật hiện hành nên công nhận tài sản mã hóa phù hợp theo thị trường tài sản mã hóa của Liên minh châu Âu và bổ sung lý luận, hoàn thiện pháp luật nội dung về vấn đề chứng minh liên quan tài sản mã hóa nhằm tạo thuận lợi cho việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi phạm tội liên quan cũng như trong hợp tác toàn cầu.
Để giải quyết vụ án hình sự liên quan đến cơ sở chứng cứ khách quan, TS Lê Trường Sơn - Hiệu trưởng trường Đại học Luật TPHCM cho biết, hiện nay Bộ luật Tố tụng hình sự (năm 2015) là một thành tố quan trọng của khung pháp lý để giải quyết các vụ án hình sự. Trong đó, chế định chứng cứ và chứng minh giữ vai trò là “trái tim” của tố tụng hình sự.
Theo ông Sơn, kết quả nghiên cứu khoa học và thực tiễn thi hành cho thấy bên cạnh những điểm tiến bộ quy định pháp luật về chứng cứ và chứng minh trong tố tụng hình sự đã bộc lộ một số điểm hạn chế cần khắc phục. Trong đó, nhiều quy định về các loại nguồn chứng cứ, nhất là dữ liệu điện tử còn khá sơ sài. Ngoài ra, các quy định về trách nhiệm chứng minh tội phạm của tòa án còn gây nhiều tranh luận; Quy định về các hoạt động chứng minh còn nhiều vấn đề chưa hoàn thiện.
“Đây là một phần nguyên nhân của những khó khăn, vướng mắc và thiếu thống nhất trong thực tiễn giải quyết vụ án hình sự thời gian qua. Thực trạng này cho thấy việc tiếp tục cải cách pháp luật tố tụng hình sự nói chung và chế định chứng cứ, chứng minh nói riêng ở nước ta là một nhu cầu cấp bách” - ông Sơn nhìn nhận.
Đánh giá về xu hướng phát triển của pháp luật về chứng cứ, chứng minh trong tố tụng hình sự hiện nay, PGS.TS Lê Huỳnh Tấn Duy - chuyên gia về luật hình sự tại TPHCM cho rằng, cần thiết phải ban hành một đạo luật riêng cho những quy định về chứng cứ chứng minh trong giải quyết án hình sự. Trong đó, vẫn nên sử dụng Bộ luật Tố tụng hình sự (năm 2015) làm nguồn chủ yếu điều chỉnh vấn đề chứng cứ, chứng minh nhưng cần sớm tiến hành sửa đổi, bổ sung các quy định và ban hành nghị định hướng dẫn chi tiết cũng như án lệ.
Ông Duy cũng đề ra hướng phát triển cụ thể đối với 4 loại nguồn chứng cứ, bao gồm: Lời khai, dữ liệu điện tử, kết luận giám định và kết luận định giá tài sản. Trong đó, nguồn chứng cứ lời khai phải xuất phát từ thực tiễn xét xử oan sai mặc dù bị cáo là người tự nhận tội. Vậy nên, cần bổ sung tiêu chí đánh giá tính tự nguyện trong lời nhận tội như khoảng thời gian từ lúc bị bắt đến lúc nhận tội, bị cáo có biết đến các quyền tố tụng của mình hay không,…
Qua quá trình thực tiễn giải quyết các vụ án hình sự, nhu cầu tiếp tục cải cách pháp luật tố tụng hình sự nói chung và chế định chứng cứ, chứng minh nói riêng ở nước ta đang trở nên hết sức cấp bách. Từ đó, bảo đảm cho việc xét xử thật sự khách quan, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật và phù hợp với yêu cầu thực tiễn hiện nay.