Bệnh nhân suy thận mạn ngày càng trẻ hóa
Tại Việt Nam, hiện có khoảng 5 triệu người đang bị suy thận, khoảng 26.000 người bị suy thận mạn tính giai đoạn cuối phải chạy thận nhân tạo và 8.000 ca mắc mới mỗi năm. Đáng lo ngại hơn, bệnh nhân suy thận mạn đang ngày càng trẻ hóa.
Theo thống kê từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), 10% dân số thế giới đang phải đối mặt với các bệnh lý về thận và mỗi năm, bệnh lý này cướp đi mạng sống của 5 - 10 triệu người trên toàn thế giới. Đáng chú ý, những con số này được dự đoán sẽ ngày một tăng cao. Ước tính đến năm 2030, có đến 5,2 triệu người mắc bệnh thận và cần được chạy thận nhân tạo.
Trong khi đó, tại nước ta, thông tin từ Hội Lọc máu Việt Nam cho biết, hiện có khoảng 5 triệu người đang bị suy thận, khoảng 26.000 người bị suy thận mạn tính giai đoạn cuối phải chạy thận nhân tạo và 8.000 ca mắc mới mỗi năm.
TS Nguyễn Hữu Dũng - Chủ tịch Hội Lọc máu Việt Nam đánh giá, hiện nay, tỷ lệ người mắc bệnh lý về thận ngày càng gia tăng, trong khi đó, nguy cơ mắc bệnh không phân biệt lứa tuổi và giới tính. Tình trạng bệnh nhân suy thận mạn đang ngày càng trẻ hóa, số người cần phải lọc máu tiếp tục có xu hướng tăng là thách thức không nhỏ cho ngành lọc máu Việt Nam. Đặc biệt, bệnh thận thường diễn tiến âm thầm, rất khó phát hiện khiến phần lớn bệnh nhân đến bệnh viện đều đã đến giai đoạn nặng.
BS Nguyễn Văn Tuyên - Trưởng khoa Nội thận - Tiết niệu (Bệnh viện đa khoa Đức Giang) cho biết, khoảng 5 năm trở lại đây, tỷ lệ bệnh nhân trẻ mắc bệnh thận mạn giai đoạn cuối phải lọc máu chu kỳ tăng lên khoảng 5-10%. Mới đây, bệnh viện đã điều trị cho trường hợp nam thanh niên (18 tuổi) chỉ được phát hiện ra bệnh thận mạn giai đoạn cuối khi đi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự.
Hoặc trường hợp bệnh nhân nữ (23 tuổi, trú tại Gia Lâm, Hà Nội), sức khỏe bình thường, không có triệu chứng rõ rệt, bệnh nhân đi khám sức khỏe để xin việc làm thì phát hiện ra suy thận mạn. Bệnh nhân được tư vấn quản lý theo chuyên khoa thận tại một cơ sở y tế khoảng 2 năm, bệnh tương đối ổn định. Sau đó, bệnh nhân nghe theo người quen uống thuốc nam, sau 2 tuần, bệnh tiến triển nặng lên, bắt buộc phải điều trị thay thế thận bằng hình thức lọc máu.
BS Trịnh Thị Thanh Hằng - Phó trưởng khoa Thận tiết niệu - lọc máu, (Bệnh viện Hữu Nghị) lý giải: Suy thận là hậu quả của rất nhiều bệnh. Một trong những nguyên nhân khiến bệnh suy thận ngày càng gia tăng là các bệnh lý chuyển hóa ngày càng nhiều, trong đó có đái tháo đường, tăng huyết áp, gout… Bên cạnh đó, còn do thói quen sử dụng thuốc không hợp lý như thuốc giảm đau, thuốc kháng sinh. Đặc biệt là các trường hợp bệnh nhân tự ý sử dụng thuốc đông y, thuốc không rõ nguồn gốc, không theo chỉ định của bác sĩ, thực phẩm chức năng hầu hết là do bệnh nhân tự ý sử dụng.
Ngoài ra, còn có bệnh lý đường tiết niệu dẫn tới suy thận như nhiễm trùng đường tiết niệu, sỏi tiết niệu. Một số bệnh lý di truyền như thận đa nang, bệnh lý tự miễn như lupus ban đỏ, bệnh lý cầu thận… Lối sống không lành mạnh, như ăn nhiều đồ ăn chế biến sẵn, ăn uống thừa năng lượng, lạm dụng chất kích thích, ít vận động… cũng là một trong những nguyên nhân góp phần làm gia tăng tình trạng trẻ hóa bệnh lý suy thận.
Đáng lo ngại hơn khi triệu chứng của bệnh suy thận mạn giai đoạn đầu thường mơ hồ, không có các biểu hiện rõ ràng, dễ bị bỏ qua, nhất là những người trẻ có tâm lý chủ quan, lơ là, bỏ qua những biểu hiện bất thường của cơ thể. Khi bệnh xuất hiện những biểu hiện lâm sàng rõ rệt thì bệnh nhân đã ở giai đoạn cuối của suy thận, phải chỉ định lọc máu cấp cứu và chu kỳ, nếu không được chạy thận nhân tạo (lọc máu) sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm và thậm chí là ảnh hưởng tới tính mạng người bệnh.
Các bác sĩ khuyến cáo, yếu tố di truyền hay các bệnh lý nền như đái tháo đường, tăng huyết áp, viêm cầu thận, thận đa nang, nhiễm khuẩn, bệnh tự miễn... nếu không được quan tâm, điều trị sẽ dẫn tới suy thận mạn.
Với người có bệnh lý nền, cần được thăm khám, điều trị ổn định. Mọi người cũng cần đi kiểm tra định kỳ để tầm soát bệnh suy thận mạn, phát hiện sớm sẽ giúp có biện pháp dự phòng và điều trị để làm chậm tiến triển của bệnh.
Khác với suy thận cấp có khả năng hồi phục hoàn toàn thì suy thận mạn không thể chữa khỏi được. Nếu phát hiện sớm và điều trị bảo tồn sẽ giúp làm chậm tiến triển của bệnh, kéo dài thời gian đến giai đoạn phải điều trị thay thế thận, do thận bị mất chức năng quá nặng, TS.BS Nguyễn Văn Tuyên - Trưởng khoa Nội thận - Tiết niệu (Bệnh viện đa khoa Đức Giang) cho biết.