Tránh sập bẫy lừa đảo đầu tư chứng khoán
Mượn danh chuyên gia để lôi kéo nhà đầu tư tham gia các lớp giảng dạy chứng khoán, thậm chí một số đối tượng còn giả mạo văn bản của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để kêu gọi đầu tư, giao dịch. Lừa đảo đầu tư chứng khoán gia tăng, nhà đầu tư cần hết sức cảnh giác để tránh sập bẫy.
TS Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia lĩnh vực tài chính ngân hàng cho biết ông đã từng bị mạo danh để lôi kéo nhà đầu tư tham gia các lớp giảng dạy chứng khoán.
“Mạng nhện lừa đảo” bủa vây nhà đầu tư
Theo ông Hiếu, gần đây trên các trang mạng xã hội có nhiều quảng cáo của những nhóm người, bao gồm nhóm Black Rock Securities Club và nhiều nhóm tương tự. Các nhóm này quảng cáo các chương trình dạy đầu tư chứng khoán miễn phí và mời chào đầu tư chứng khoán, trong đó giới thiệu có TS Nguyễn Trí Hiếu (kèm hình ảnh của ông) đứng ra giảng dạy và tổ chức.
“Các quảng cáo này đã lợi dụng tên tôi, hình ảnh của tôi và những phát biểu của tôi, để thu hút nhà đầu tư. Tất cả những quảng cáo này mang tính lừa đảo và gian lận. Tôi chưa bao giờ tổ chức những chương trình giảng dạy đầu tư chứng khoán hay kêu gọi đầu tư chứng khoán” - ông Hiếu cho biết.
Từ sự việc trên, có thể thấy rằng, cùng với sự bùng nổ thị trường chứng khoán những năm gần đây và sự gia tăng nhanh chóng các nhà đầu tư cá nhân mới gia nhập thị trường thì tội phạm lừa đảo đầu tư trong lĩnh vực này cũng phát triển mạnh mẽ, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Một trong những thủ đoạn phổ biến thời gian gần đây là mạo danh các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân uy tín trong lĩnh vực này như: Ủy ban Chứng khoán nhà nước (UBCKNN), Trung tâm Lưu ký chứng khoán, các sở giao dịch chứng khoán, các công ty chứng khoán.
Mới đây, ngày 6/11, UBCKNN cho biết cơ quan này phát hiện văn bản giả mạo văn bản của UBCKNN lừa đảo nhà đầu tư (văn bản giả mạo đề Số 416/GCN-UBCK ngày 15/9/2023) với nội dung: UBCKNN cho phép thành lập và hoạt động cho công ty quản lý quỹ là Công ty TNHH Quỹ Đầu tư Almat Việt Nam. Do vậy, UBCKNN khuyến cáo nhà đầu tư thận trọng, kiểm tra, đối chiếu các thông tin trước khi giao dịch.
Hay như sàn HNX cũng đã từng bị mạo danh để kêu gọi tham gia ký kết hợp đồng hợp tác gói đầu tư siêu lợi nhuận qua hình thức hợp đồng hợp tác, các room chat trên các nền tảng xã hội…
Giữa các bẫy lừa đảo giăng khắp nơi, nhiều nhà đầu tư cũng đã vô tình bị sập bẫy và mất số tiền khủng. Cụ thể, trường hợp của anh H. (ở Hà Nội) đã được Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TP Hà Nội lấy làm dẫn chứng cho biết, anh H. nhận được điện thoại lạ của một người phụ nữ mời tham gia quỹ đầu tư chứng khoán nhưng anh từ chối.
Tuy nhiên, người này tiếp tục đề nghị kết bạn qua Zalo và sau đó mời anh H. vào nhóm "Chia sẻ giao lưu Quỹ SeQuoia Capital VN". Vì tò mò đọc tin nhắn trong nhóm và theo dõi thấy các mã chứng khoán được tư vấn tăng tốt, hiệu quả nên anh H. đã tham gia. Sau đó, người đàn ông này được hướng dẫn cài app "Smart SQV" mở tài khoản và nạp tiền chơi cổ phiếu. Số tiền anh H. đã đầu tư mua mã chứng khoán là 14 tỷ đồng và giá trị sau khi tăng "ảo" là hơn 30 tỷ đồng.
Tiếp đó, anh H. nhận được các thông báo tạm dừng, từ chối mua tiếp, hoàn thành các thủ tục để rút tiền về. Để rút được tiền, anh H. phải chuyển tiền phí quản lý lợi nhuận là 1,6 tỷ đồng và thuế thu nhập cá nhân là 332 triệu đồng. Nộp xong, anh H. không liên lạc được với quỹ đầu tư chứng khoán trên. Lúc này anh mới biết mình bị lừa và đến cơ quan công an trình báo.
Một trường hợp khác là anh A. (ở Hà Nội) được một tài khoản mạng Zalo mời đầu tư chứng khoán qua Quỹ đầu tư SeQuoia VN. Anh A. đã giao dịch với tổng số tiền 1,4 tỉ đồng nhưng khi bán mã cổ phiếu đã mua thì nhận được thông báo: "Đóng băng vị thế!", không bán được. Thấy có dấu hiệu lừa đảo, anh A. đã đến cơ quan công an trình báo.
Hội nhóm toàn “chân gỗ”
Anh Nguyễn Hữu Việt - nhà đầu tư kỳ cựu trên sàn chứng khoán với gần 20 năm kinh nghiệm chia sẻ, thời gian gần đây các hội nhóm đầu tư chứng khoán mọc lên như nấm trên không gian mạng. Có nhiều người chơi chứng khoán còn không tìm hiểu mã cổ phiếu mình mua là thuộc công ty nào, đang kinh doanh ra sao, tài sản nợ, tài sản có như thế nào mà chỉ mua bán theo người hướng dẫn.
“Có những nhóm chát còn khuyến nghị mua mã này ở điểm mua này, cắt lỗ khi giá về vùng này. Tôi tin nhiều nhà đầu tư toàn mua bán theo hô hào, thế nên thua lỗ cứ chồng thua lỗ khi mà thị trường chứng khoán biến động mạnh như giai đoạn hiện nay”- anh Việt nói.
Là một người chơi chứng khoán, với số tiền đã từng đổ vào tài khoản chừng 500 triệu đồng, chị Nguyễn Hoàng Hải Anh (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) kể: năng lực tài chính không có vì làm nhân viên văn phòng được một môi giới chứng khoán lôi kéo mở tài khoản chứng khoán. Chị được hứa hẹn là vào room Vip (nhóm ưu tiên) thì sẽ có siêu lợi nhuận.
“Tôi đã mua theo các mã mà chủ room đưa ra. Thời điểm chứng khoán tăng thì mua mã nào cũng ăn, nhưng đến khi chứng khoán giảm thì càng mua càng lỗ. Chủ room vẫn trấn an mọi người, bình tĩnh làm theo để thu hồi vốn. Rồi tài khoản của tôi từ 500 triệu đồng chỉ còn đúng 100 triệu đồng. Sau đó, môi giới này lại dụ dỗ mọi người sang sàn chứng khoán quốc tế, làm theo lệnh là có cơ hội hồi được tiền. Vậy mà tôi cũng nghe và mở tài khoản. Tôi tiếp tục đổ thêm 4.000 USD vào tài khoản mới và giao dịch nhưng bị mất sạch” - chị Hải Anh kể.
Theo lời chị Hải Anh, room Vip mà chị tham gia sau 6 tháng giờ đã hiện thông báo không còn hoạt động nữa. Đến giờ chị Hải Anh cũng không biết chủ room Vip là ai, người như thế nào.
Cơ quan chức năng đã chỉ ra, lợi dụng thị trường chứng khoán biến động nhiều đối tượng lừa đảo đã tìm mọi cách để dụ dỗ, lừa đảo người chơi từ đó chiếm đoạt tiền. Các thủ đoạn được kể tên là các đối tượng đã giả lập các công ty chứng khoán nhái tên của công ty chứng khoán danh tiếng để mời đầu tư, một số đối tượng còn lập các trang đầu tư chứng khoán trên Facebook với mức lợi nhuận hấp dẫn để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Đừng đánh cược với rủi ro
Theo phân tích của giới chuyên gia, người dân cũng như nhà đầu tư đang trong một môi trường đầu tư, kinh doanh với rất nhiều biến động. Trong vòng 2 năm qua, nền kinh tế thế giới và trong nước chứng kiến sự đảo chiều liên tục của những dòng chảy thông tin, dự báo và sự kiện. Thị trường tài chính trong đó kênh đầu tư chứng khoán đã có những cú sập khó đoán, bên cạnh đó, thị trường cũng có những cú hồi khó nhận ra. Các thông tin tích cực, tiêu cực xuất hiện tràn lan trên thị trường chứng khoán cũng là thời điểm chiêu thức lừa đảo xuất hiện nhiều.
Những câu hỏi như: mã cổ phiếu nào tiềm năng, mã cổ phiếu nào sinh lợi tốt, đầu tư vào quỹ nào cho ổn định…trở thành câu hỏi được quan tâm nhất của nhà đầu tư. Từ đó, các hội nhóm được lập ra để phần nào giải đáp yêu cầu của nhà đầu tư. Song đầu tư là gắn liền với các biến số phức tạp. Vì vậy, nhà đầu tư nếu như không tự trang bị kiến thức tài chính cho mình mà chỉ đầu tư theo hô hào, theo hội nhóm là đánh cược đỏ đen.
Theo TS Nguyễn Minh Phong, để bản thân không trở thành miếng mồi béo bở của đối tượng lừa đảo người dân cần cảnh giác, không nên tin vào những lời dụ dỗ bỏ tiền có lãi lớn, kiếm được nhiều tiền như lời giới thiệu của các đối tượng lừa đảo đưa ra.
Ông Lê Minh Nghĩa - Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam cho rằng, niềm tin của người dân đối với thị trường tài chính vẫn chưa thực sự phục hồi; khi có các khoảng trống về pháp lý sẽ xuất hiện hành vi gian lận của các tổ chức, cá nhân phát hành chứng khoán, hành nghề tư vấn, môi giới các sản phẩm, dịch vụ tài chính cá nhân bán chéo qua ngân hàng thương mại, niêm yết trên sàn chứng khoán...
Trong khi đó, kiến thức tài chính và hoạch định tài chính cá nhân của các nhà đầu tư còn hạn chế, từ đó dẫn tới nhiều hệ lụy cho cá nhân, gia đình và xã hội. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển bền vững của thị trường tài chính nói riêng và nền kinh tế nói chung của Việt Nam.
Theo TS Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính, Tiền tệ quốc gia, khả năng tiếp cận tài chính tại Việt Nam còn hạn chế, vì vậy cần nâng cao vai trò, hiệu quả của thị trường tài chính, phát triển nền tảng nhà đầu tư cũng như nâng cao năng lực quản lý, giám sát, an toàn và ổn định hệ thống tài chính - tiền tệ, bảo vệ người tiêu dùng tài chính, tăng cường giáo dục tài chính trước những rủi ro tội phạm tài chính gia tăng.
Nhiều công ty quản lý quỹ bị xử phạt
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Công ty cổ phần Quản lý quỹ đầu tư Dragon Capital Việt Nam. Theo đó, Dragon Capital bị phạt 125 triệu đồng do vi phạm quy định về hạn chế đối với nhân viên làm việc tại công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán.
Cụ thể, trong giai đoạn từ tháng 9/2022 đến tháng 12/2022, các giao dịch chứng khoán của nhân viên công ty không được báo cáo đầy đủ cho bộ phận kiểm soát nội bộ trước và ngay sau giao dịch.
Trước đó, Công ty CP quản lý quỹ đầu tư chứng khoán Thái Dương bị phạt 65 triệu đồng đối với hành vi không tuân thủ quy định của pháp luật chứng khoán, pháp luật doanh nghiệp về quản trị, điều hành đối với công ty quản lý quỹ không phải là công ty đại chúng, chi nhánh công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam.
Không chỉ vậy, công ty này còn bị phạt 20 triệu đồng đối với hành vi không tuân thủ đầy đủ quy định pháp luật về phương tiện công bố thông tin (trang thông tin điện tử của công ty không hiển thị thời gian đăng tải thông tin).