Rượu cổ truyền nấu trên núi ở Hàn Quốc nổi tiếng trở lại
Trên núi Geumjeong ở rìa thành phố Busan có một cơ sở nấu rượu truyền thống, nơi sản xuất loại rượu makgeolli độc đáo trong hàng trăm năm qua.
Được mô tả là rượu gạo lên men, thức uống này đang phổ biến trở lại trong những năm gần đây. Tuy nhiên, các nhãn hiệu makgeolli mới và cao cấp thường ngọt hơn và nhẹ hơn. Loại rượu makgeolli truyền thống được ủ trên núi - được gọi là Geumjeongsanseong, có nghĩa là "pháo đài núi mùa xuân vàng" - có vị chua, chát và đặc hơn so với các loại rượu hiện đại.
Ông Yoo Cheong-gil - chủ sở hữu thế hệ thứ 6 của cơ sở nấu rượu và là bậc thầy makgeolli duy nhất được công nhận ở Hàn Quốc - cho biết: “Nhiều bạn trẻ nếm thử món rượu của chúng tôi và ngạc nhiên về hương vị, vì họ chưa bao giờ nếm thử makgeolli truyền thống”.
Vậy điều gì khiến Geumjeongsanseong Makgeolli trở nên độc đáo?
Từ năm 1700, phu phen xây dựng pháo đài Geumjeongsan trên núi được uống rượu makgeolli địa phương trong thời gian nghỉ giải lao. Tiếng tăm của món đồ uống này từ đó hình thành và bay xa.
Dòng họ nhà ông Yoo nấu loại rượu makgeolli đặc biệt này trong hơn 5 thế kỷ. Ông cho rằng, sự độc đáo nằm ở Nuruk (một loại bánh men ở Hàn Quốc). “Đây thực sự là một kho báu” – ông Yoo nói.
Để làm Nuruk, lúa mì khô được trộn với nước ấm. Sau đó, hỗn hợp này được bọc trong một miếng vải. Người làm rượu đi giày nhựa sạch, dẫm lên túi bột dằn phẳng thành hình chiếc bánh, sau đó để bánh lên men, phơi trong hai đến ba ngày. Sau đó, bánh men được bẻ vụn trộn với gạo nếp hấp và nước để ủ makgeolli.
Tính đến thời điểm này, Geumjeongsanseong Makgeolli là “rượu dân gian truyền thống” duy nhất của Hàn Quốc.