[ẢNH] Cận cảnh 3 bảo vật quốc gia gắn liền với mảnh đất xứ Thanh
Kiếm ngắn núi Nưa, trống đồng Cẩm Giang và vạc đồng Cẩm Thủy là 3 bảo vật đại diện cho lịch sử, văn hóa của dân tộc.
1. Kiếm ngắn núi Nưa
Kiếm ngắn núi Nưa gồm 2 phần: phần lưỡi và phần cán. Phần lưỡi kiếm hình lá tre, mỏng, có hai rìa sắc, nhọn, chắn tay hình sừng trâu. Cán là khối tượng tròn hình người phụ nữ, nhìn thẳng, hai tay chống nạnh đầy uy quyền, đầu vấn khăn hình chóp, có tạo khía như búp hoa sen.
Điều đặc biệt ở kiếm núi Nưa là mặt người phụ nữ trên kiếm hình trái xoan, cằm hơi nhô ra, đôi mắt được thể hiện bằng vòng tròn đồng tâm, xung quanh có những chấm nhỏ, với cặp lông mày dài, cong, sống mũi thẳng. Miệng thon nhỏ, dái tai dài, đeo đôi khuyên to chấm tới tận vai. Ngực và tay đeo vòng trang sức...
Kiếm ngắn núi Nưa còn thể hiện lối trang phục kín khắp người, khá lộng lẫy được dệt may công phu, đẹp mắt, hoa văn trang trí trên váy và áo với những đường vạch ngắn song song, đường tròn đồng tâm đặc trưng của Văn hóa Đông Sơn.
Theo tìm hiểu biết, kiếm ngắn núi Nưa được phát hiện dưới chân núi Nưa tại xã Tân Ninh (huyện Triệu Sơn), là căn cứ đầu tiên của cuộc khởi nghĩa Bà Triệu (năm 248), cách nay khoảng 2000 năm. Kiếm ngắn núi Nưa được các nhà nghiên cứu đánh giá là kiếm ngắn đẹp nhất trong các kiếm ngắn có khối tượng người ở Việt Nam thời kỳ Văn hóa Đông Sơn.
2. Trống đồng Cẩm Giang
Tiếp đến là Bảo vật quốc gia trống đồng Cẩm Giang (hay còn gọi là trống vịt), là hiện vật gốc độc bản thuộc thời kỳ Văn hóa Đông Sơn. Vào tháng 9/1992, trống được ông Bùi Đức Tậu, thôn Phú Lai, xã Cẩm Giang (Cẩm Thủy) phát hiện được trong khi làm vườn, ở độ sâu khoảng 1,5 m. Đến ngày 6/1/1993 ông đã bàn giao cho Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa.
Trống có đường kính mặt 73 cm, đường kính chân 73 cm, cao 41 cm, nặng 60 kg. Giữa mặt trống có ngôi sao 16 cánh, tiếp đến là 9 vòng hoa văn. Vòng 1, 2, 3 và 9 trang trí hoa văn ô trám lồng. Vòng 4 là hình chim lạc đang bay ngược chiều kim đồng hồ. Vòng 5 là hoa văn hình người cách điệu (đây là vòng hoa văn lớn nhất, mang tính chất chủ đạo trên mặt trống). Vòng 6, hình ảnh chim lạc được tái hiện nhưng với một biến thể hiện thực hơn so với vòng 4. Các vòng 7, 8 là hoa văn hình học vòng tròn đồng tâm, tam giác lồng, răng lược.
Đặc biệt, rìa mặt trống có 4 khối tượng vịt (uyên ương), diễn tả khá thực và sinh động, có hướng vận hành ngược chiều kim đồng hồ. Tính độc đáo mang giá trị bảo vật quốc gia chủ yếu nằm ở các khối tượng này. Trống đồng Cẩm Giang được xác định có niên đại cách đây khoảng 2.000 năm và đến nay ở nước ta chưa có chiếc trống nào giống với chiếc trống này. Trống có kiểu dáng cân đối.
Phần tang trống và lưng trống dường như đều lặp lại những vòng hoa văn trên mặt, với các băng hình người hóa trang lông chim, vòng tròn đồng tâm chấm giữa, hình ô trám lồng. Đó là những hoa văn đặc trưng trên đồ đồng Đông Sơn, là một trong những căn cứ, cùng với kiểu dáng của nó, để có thể xếp trống Cẩm Giang thuộc loại I Heger nhóm Cl, có niên đại cách ngày khoảng 2.000 năm, nằm trong giai đoạn muộn của văn hóa Đông Sơn.
3. Vạc đồng Cẩm Thủy
Trong số 3 bảo vật quốc gia hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hoá, vạc đồng Cẩm Thủy được đánh giá là hết sức độc đáo, với kích thước lớn và trọng lượng có thể lên tới 1 tấn. Hiện vạc đồng Cẩm Thủy còn khá nguyên vẹn, được các nhà nghiên cứu đánh giá là lớn nhất Việt Nam cho đến thời điểm hiện nay.
Theo hồ sơ hiện vật, vạc đồng Cẩm Thủy do Ban Chỉ huy Quân sự TP Thanh Hóa sưu tầm được ở khu vực ngã ba Đình Hương, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hoá vào khoảng đầu thập kỷ 80 của thế kỷ XX, sau đó bàn giao cho Bảo tàng vào ngày 1/8/2002.
Đây là bảo vật cuối cùng được trưng bày tại Bảo tàng Thanh Hóa. Vạc được đúc bằng đồng, có đường kính mặt 134,4 cm; đường kính đáy 115 cm; chiều cao 79,8 cm. Vạc hình trụ, miệng hơi loe, thành miệng vát cao, đáy cong lòng chảo. Vạc gắn 6 quai to hình chữ U, trang trí vặn thừng. Bên trong thành miệng tạo gờ, trang trí hoa 5 cánh.
Trên thành miệng vạc là hoa văn dây lá và hai dòng minh văn chữ Hán đối xứng: "Cẩm Thủy huyện Khâm sai Chính Thống lĩnh Quận công tạo/Nhâm Thân niên, thập nhất nguyệt, nhị thập bát nhật chú". Nội dung minh văn khẳng định, Chính thống lĩnh Khâm sai, tước Quận công huyện Cẩm Thủy cho đúc chiếc vạc này ngày 28 tháng 11 năm Nhâm Thân và cũng là người sở hữu chiếc vạc này.
Nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu tham quan, tìm hiểu của nhân dân và du khách, năm 2022, bảo tàng đã triển khai ứng dụng tương tác thực tại ảo với các Bảo vật quốc gia. Với công nghệ này, du khách có thể tương tác với hiện vật, tham quan không gian 3 chiều, mang đến cho du khách những trải nghiệm siêu thực".
Một số hình ảnh về các hiện vật khác tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa mà PV Đại Đoàn Kết Online ghi nhận: