Loại Tiếng Anh khỏi môn bắt buộc thi tốt nghiệp THPT: Có ‘bước lùi’?
Đề xuất loại Tiếng Anh ra khỏi môn bắt buộc trong thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 đang nhận nhiều ý kiến trái chiều.
Người đồng tình, người không
Phương án, cách thức tổ chức thi, số môn thi của Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 đang là chủ đề tranh luận sôi nổi không chỉ có học sinh, giáo viên cả nước mà cả đội ngũ chuyên gia. Mới đây, Bộ GDĐT đã công bố phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025 với 3 phương án.
Theo ghi nhận của phóng viên, phương án thi 2 môn bắt buộc và 2 môn lựa chọn đang nhận được sự đồng tình của đa số học sinh và phụ huynh. Nếu theo phương án này đồng nghĩa với việc từ năm 2025, Tiếng Anh không còn là môn bắt buộc trong thi tốt nghiệp THPT.
Theo quan điểm của đa số phụ huynh và học sinh, việc giảm số môn thi bắt buộc sẽ giảm áp lực thi cử cho học sinh và cả các gia đình. Số buổi thi sẽ giảm so với hiện nay là 6 môn thi. Như vậy sẽ vừa giảm áp lực học và thi vừa đỡ tốn kém chi phí tổ chức thi.
Không có điều kiện cho con học thêm môn Tiếng Anh nên chị Phùng Ngọc Trâm, phụ huynh tại Bắc Kạn ủng hộ phương án môn Toán và Ngữ văn là hai môn thi bắt buộc.
Theo chị Trâm, không phải học sinh nào cũng có khả năng học ngoại ngữ, nhất là học sinh ở vùng nông thôn. Việc bắt buộc những học sinh đấy thi ngoại ngữ là thiệt thòi cho các con.
Tuy nhiên, trái với quan điểm trên, không ít ý kiến bày tỏ lo ngại bởi trong giai đoạn hội nhập, tiếng Anh đang là một ngôn ngữ phổ thông và quan trọng trong giao tiếp, công việc tương lai của học sinh. Việc không bắt buộc thi Ngoại ngữ sẽ là một bước lùi.
Chị Hoàng Thùy Trang – một phụ huynh ở Hải Phòng cho hay: “Tôi không đề cao Tiếng Anh quan trọng hơn môn học khác vì mỗi môn có một vị trí riêng. Tuy nhiên, phải khẳng định rằng, ngoại ngữ đang ngày càng trở nên quan trọng khi Việt Nam đang hội nhập toàn cầu. Hơn nữa, hiện nay các trường đại học có xu thế tuyển sinh ưu tiên thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế”.
Cô Nguyễn Ngọc Linh – một giáo viên Tiếng Anh ở Hà Nội cho rằng, phương án Ngoại ngữ thành môn tự chọn có mặt lợi là giảm áp lực cho học sinh nhưng cũng có một vài điểm hạn chế đối với khả năng ngoại ngữ của các em.
“Hiện nay, dù môn Tiếng Anh đang là môn thi bắt buộc nhưng mặt bằng chung khả năng ngoại ngữ của học sinh vẫn chưa thực sự tốt nên việc trở thành môn tự chọn, học sinh sẽ chủ quan với môn học này. Như vậy sẽ là rào cản của các em khi sau này gia nhập thị trường lao động”, cô Linh nói.
Không thi sẽ không học?
Phương án 2+2 cũng đang nhận được sự ủng hộ từ phía nhiều chuyên gia giáo dục. Trước những ý kiến băn khoăn về những hạn chế khi loại Tiếng Anh ra khỏi môn bắt buộc trong thi tốt nghiệp THPT, các chuyên gia cho rằng, ngay từ khi vào bậc THPT, các em đã được lựa chọn các môn học yêu thích, phù hợp với năng lực sở trường, đáp ứng định hướng nghề nghiệp của bản thân trong tương lai. Vì vậy, chúng ta không lo việc học sinh không thi sẽ không học.
GS.TSKH Đỗ Đức Thái, Tổng chủ biên môn Toán của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 phân tích, Ngoại ngữ là một công cụ và hiện nay hầu hết học sinh có cơ hội học từ bậc phổ thông tới đại học, khi đi làm… Ngoại ngữ cũng có thể được đánh giá ở nhiều thời điểm, mục đích khác nhau.
Đặc biệt, điều kiện về dạy và học Ngoại ngữ ở nước ta, nhất là các vùng sâu, vùng xa đang gặp khó cả về số lượng và chất lượng đội ngũ giáo viên và điều kiện dạy học. Thế nên, việc Ngoại ngữ là môn bắt buộc sẽ không công bằng giữa các học sinh ở vùng có điều kiện thuận lợi và vùng sâu, vùng xa.
“Việc học ngoại ngữ hiện nay đã trở thành nhu cầu tự thân của mỗi học sinh chứ không phải vì thi tốt nghiệp các em mới học”, GS.TSKH Đỗ Đức Thái nhấn mạnh.
Cùng lo ngại về tính bất bình đẳng giữa học sinh thành phố với học sinh vùng sâu vùng xa khi Ngoại ngữ là môn thi bắt buộc, NGND, PGS.TS Hồ Sĩ Đàm, nguyên giảng viên cao cấp Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, Chủ biên Chương trình môn Tin học 2018 dẫn chứng thực tế, kết quả môn tiếng Anh thi tốt nghiệp THPT mỗi năm, học sinh các thành phố lớn luôn đứng đầu bảng.
Vì vậy, NGND Hồ Sĩ Đàm cho rằng, với phương án thi này, học sinh vùng sâu vùng xa rất thiệt thòi, gây mất công bằng cho giáo dục ở các địa phương. Ngoại ngữ cũng như Tin học và các môn học khác, học sinh nào có khả năng, nguyện vọng thì nên trao cơ hội lựa chọn các em, tránh áp đặt bắt buộc, lặp lại thi gì, học nấy.
Bộ GDĐT đang thực hiện lấy ý kiến khảo sát phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Theo đó, Bộ tiếp tục xin ý kiến các địa phương, chuyên gia về số lượng môn thi phù hợp với kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 theo ba phương án.
Phương án 4+2 là thí sinh thi 4 môn bắt buộc (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử) và 2 môn tự chọn.
Phương án 3+2 là thi bắt buộc 3 môn (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ) và 2 môn tự chọn.
Phương án 2+2 gồm 2 môn thi bắt buộc (Toán, Ngữ văn) và 2 môn tự chọn.