Nông dân canh tác lúa thân thiện với môi trường
Ngày 18/10, tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (Hội NDVN) tổ chức Hội thảo tổng kết dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường tại Việt Nam”.
Tham dự Hội thảo có ông Lương Quốc Đoàn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội NDVN; ông Mai Bắc Mỹ, Trưởng ban Đối ngoại và Hợp tác quốc tế (Trung ương Hội NDVN), Giám đốc Ban quản lý Dự án. Về phía đại biểu quốc tế có bà Yip Sui Pik Susanna, Cố vấn cao cấp Tổ chức EarthCare Foundation.
Với sự tài trợ của tổ chức EarthCare Foundation, Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường tại Việt Nam” được triển khai từ năm 2020 tại 24 tỉnh, thành phố trong cả nước; thông qua hệ thống Hội ND các cấp với sự tham gia, phối hợp chặt chẽ, chủ động của Ban Quản lý Dự án thuộc Hội ND 24 tỉnh.
Dự án đặt ra ba mục tiêu chính gồm: Một là, hỗ trợ kỹ thuật canh tác lúa thân thiện với môi trường cho nông dân trồng lúa; Hai là, giúp đỡ nông dân quảng bá về sản phẩm canh tác lúa thân thiện với môi trường; Ba là, nâng cao nhận thức của nông dân, người tiêu dùng và các bên liên quan về lợi ích của phương pháp canh tác lúa thân thiện với môi trường.
Phát huy vai trò chủ thể trong phát triển nông nghiệp
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ tịch Trung ương Hội NDVN Lương Quốc Đoàn cho biết: Là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp nông dân, Hội NDVN có vai trò quan trọng, là trung tâm nòng cốt của các phong trào nông dân và xây dựng nông thôn mới, có trách nhiệm tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân phát huy vai trò chủ thể trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn.
Hội NDVN đã xây dựng nhiều nội dung, cụ thể hoá nhiều chương trình, thể hiện rõ vai trò của mình, cùng cả hệ thống chính trị tham gia, chủ động ứng phó và thích ứng với các kịch bản biến đổi khí hậu. Một trong những hoạt động đó là dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường tại Việt Nam” với sự tài trợ của tổ chức EarthCare Foundation nhằm phát triển một nền nông nghiệp xanh, bền vững, góp phần giảm thiểu phát thải khí nhà kính trong sản xuất nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Sau hơn 3 năm triển khai, trong bối cảnh thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng phải đối mặt và chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều thực hiện chính sách đóng cửa, sản xuất, giao thương bị đình trệ, sản xuất nông nghiệp trong nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Song, bằng sự chủ động và cố gắng của các bên liên quan, dự án đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trong việc nâng cao nhận thức và năng lực cho hàng triệu lượt cán bộ, hội viên, nông dân, chính quyền địa phương và cộng đồng về canh tác lúa thân thiện với môi trường; hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân trồng lúa ở 24 tỉnh trên cả nước nhằm chuyển đổi từ canh tác lúa truyền thống sang canh tác lúa thân thiện với môi trường.
“Có thể nói, ngoài việc góp phần giảm thiểu phát thải khí nhà kính, dự án còn mang ý nghĩa rất lớn, nâng cao thu nhập cho người nông dân, làm gia tăng giá trị trên mỗi đơn vị diện tích đất nông nghiệp, bảo vệ sức khỏe cho chính những người nông dân và cộng đồng, góp phần tái tạo nguồn tài nguyên đất, bảo vệ môi trường, từng bước xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Có được những kết quả đó là nhờ sự hỗ trợ không chỉ về tài chính, mà còn là những tư vấn về chiến lược, định hướng của nhà tài trợ, sự tận tâm của các chuyên gia, sự nỗ lực, trách nhiệm của Ban Quản lý Dự án, Ban Đối ngoại và Hợp tác quốc tế, sự phối hợp chặt chẽ, chủ động của Hội ND các tỉnh và đặc biệt là sự tham gia nhiệt tình, có trách nhiệm của các hội viên, nông dân trên địa bàn triển khai dự án”, Chủ tịch Lương Quốc Đoàn nhấn mạnh.
Nhằm đảm bảo tính bền vững của dự án, Ban Quản lý dự án xác định các hoạt động kết nối thị trường đóng vai trò vô cùng quan trọng. Trong đó, các hoạt động kết nối thị trường được thực hiện dưới nhiều hình thức như: Đưa sản phẩm gạo trong dự án tham gia Hội chợ triển lãm nông nghiệp quốc tế; trưng bày sản phẩm tại các sự kiện lớn của các tỉnh tham gia dự án; việc kết nối tiêu thụ giữa doanh nghiệp và Hợp tác xã tham gia dự án…
Hiệu ứng tích cực
Ông Mai Bắc Mỹ, Trưởng ban Đối ngoại và Hợp tác quốc tế (Trung ương Hội NDVN) chia sẻ: Sau hơn 3 năm triển khai, hiện đã có hơn 633.000 hộ nông dân với hơn 2,5 triệu nông dân tại 24 tỉnh tham gia Dự án đang áp dụng ít nhất một kỹ thuật canh tác lúa thân thiện với môi trường với diện tích canh tác hơn 314 nghìn ha. Bên cạnh đó, số lượng nông dân áp dụng cả 3 kỹ thuật đã tăng gấp 4 lần, trên tổng số diện tích tăng lên gấp 6 lần so với trước khi triển khai thực hiện Dự án. Đến nay, một số tỉnh đã có diện tích nhân rộng lớn (An Giang, Bắc Giang, Ninh Bình, Ninh Thuận, Kiên Giang).
Ở một số địa phương, những hiệu ứng tích cực từ việc triển khai hiệu quả Dự án đã thu hút được sự quan tâm, ủng hộ của chính quyền các địa phương, thể hiện ở việc phê duyệt, bố trí nguồn ngân sách tỉnh để hỗ trợ, mở rộng Dự án. Điển hình có Hội ND tỉnh Bắc Giang đã vận động thành công hơn 1,6 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh để xây dựng và nhân rộng 50 mô hình trên diện tích hơn 200 ha với hơn 1.200 hộ nông dân tham gia.
Nhiều tỉnh đã chủ động phối hợp có hiệu quả với các doanh nghiệp, tiêu biểu như: Cần Thơ, Đồng Tháp, Ninh Bình, Quảng Bình, Thái Bình, Thanh Hoá, Tiền Giang, Trà Vinh. Hiện, 100% các nông dân tham gia Dự án đã cắt giảm từ 20 - 80% lượng phân đạm hóa học, giúp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất và nâng cao thu nhập. Tỷ lệ nông dân đốt rơm rạ cũng giảm thiểu đáng kể ở các tỉnh tham gia Dự án; thậm chí có nơi tỷ lệ không đốt rơm rạ đạt đến 80%.
Đặc biệt, qua đánh giá, hoạt động sản xuất lúa trong dự án đã khẳng định được hiệu quả cũng như thay đổi về nhận thức và thói quen canh tác của bà con nông dân; áp dụng đồng bộ kỹ thuật canh tác lúa thân thiện với môi trường giúp nông dân giảm 38,4% phát thải khí nhà kính so canh tác lúa truyền thống.
Điển hình như: Tại tỉnh An Giang, năng suất lúa triển khai tại dự án đạt từ 6,48-7,2 tấn/ha; lợi nhuận trung bình mỗi ha đạt hơn 18 triệu đồng (tăng 5,6 triệu đồng so ruộng đối chứng). Hay như trên địa bàn tỉnh Lai Châu, từ khi tham gia dự án giúp nông dân giảm 30% lượng đạm so với việc canh tác truyền thống; tiết kiệm nước tưới; sử dụng rơm rạ để ủ gốc cây, làm thức ăn cho chăn nuôi, nguyên liệu trồng nấm và phân hữu cơ.
Thông qua triển khai thực hiện dự án, tỉnh Quảng Trị đã có hơn 1.000 hộ nông dân tự nguyện tham gia áp dụng ít nhất một kỹ thuật canh tác lúa thân thiện với môi trường với diện tích hơn 700 ha. Đồng thời, thực hiện sản xuất lúa theo hướng này giúp phát triển hệ sinh thái, tăng khả năng chống chịu sâu, bệnh cho cây lúa, giảm chi phí, tăng lợi nhuận cho các hộ nông dân…
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, Dự án vẫn gặp một số khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện. Thực tế cho thấy, hiện nay ở Việt Nam chưa có tiêu chuẩn để chứng nhận sản phẩm được sản xuất theo phương pháp thân thiện với môi trường. Thêm vào đó. tình trạng manh mún về ruộng đất ở một số địa phương khiến cho việc nhân rộng mô hình gặp khó khăn; một bộ phận người dân còn ngại thay đổi, chưa mạnh dạn tham gia dự án…
Từ những kết quả mà Dự án mang lại, tại Hội thảo ý kiến đóng góp của các chuyên gia, đại biểu cho rằng cần tiếp tục kế thừa và nhân rộng các kết quả của Dự án nhằm phát triển canh tác lúa thân thiện với môi trường nói riêng và phát triển nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường nói chung. Mặt khác, bên cạnh việc tiếp tục triển khai làm tốt công tác tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường, về phía các doanh nghiệp cần đẩy mạnh mối liên kết với nông dân, bao tiêu sản phẩm xanh, thân thiện môi trường.
Đồng thời, các ý kiến cũng đề nghị với các Bộ, ngành cần xây dựng, ban hành tiêu chuẩn các sản phẩm nông nghiệp thân thiện môi trường để giúp chứng nhận sản phẩm thân thiện với môi trường, gia tăng giá trị cho sản phẩm.
“Còn rất nhiều việc phải làm để đảm bảo nông dân sẽ tiếp tục áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật của Dự án. Tầm nhìn của chúng tôi là tạo ra các mô hình và phương pháp tiếp cận hiệu quả, có thể mở rộng nhằm giảm thiểu biến đổi khí hậu, đồng thời cải thiện sinh kế của nông dân”, bà Yip Sui Pik Susanna, Cố vấn cao cấp Tổ chức EarthCare Foundation chia sẻ.