Tín hiệu vui đến từ thủy sản
Sau những tháng đầu năm ảm đạm, xuất khẩu thủy sản cuối năm đã có tín hiệu vui. Các chuyên gia cũng dự đoán xuất khẩu thủy sản của Việt Nam năm 2023 có thể chạm mốc 9 - 9,2 tỷ USD. Dự đoán đó hoàn toàn có cơ sở bởi hiện thị trường thế giới đang mở ra cơ hội cho các mặt hàng như cá ngừ, cua, tôm... của Việt Nam. Hiện tại, giá xuất khẩu tôm đã tăng, nhu cầu mua cá tra cũng tăng, doanh nghiệp dồn sức sản xuất để kịp các đơn hàng xuất khẩu.
Tuy nhiên, để xuất khẩu thủy sản luôn tăng trưởng tốt và bước vào chuỗi cung ứng toàn cầu thì phải tính đến việc phát triển thủy sản bền vững. Hiện các đơn hàng từ một số thị trường chủ lực đang tăng trở lại, nhưng giá xuất khẩu vẫn ở mức thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022. Sản phẩm của chúng ta chất lượng tốt, song lại không được nhiều nước biết đến.
Ví như, đến nay sản phẩm cá tra dù đã có mặt tại hàng trăm quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới nhưng đa phần các sản phẩm này lại mang thương hiệu của các nhà nhập khẩu. Điều này cũng xảy ra tương tự đối với nhiều mặt hàng hải sản xuất khẩu sang thị trường thế giới khi phải thông qua trung gian hay dưới dạng gia công cho các nhãn hiệu nổi tiếng của nước ngoài nên các sản phẩm hải sản Việt Nam ít được người tiêu dùng biết đến.
Vì vậy, để nâng cao giá trị đơn hàng xuất khẩu, việc sản xuất công nghiệp theo hướng bền vững và xây dựng hình ảnh và thương hiệu các sản phẩm để thế giới nắm rõ là việc cần phải làm ngay. Bởi thực tế cho thấy, người tiêu dùng, nhà nhập khẩu rất quan tâm tới quy trình nuôi trồng, chế biến.
Xin nêu một điển hình là Na Uy - một trong những nước xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới, có được thành tựu đó là do nước này luôn chú trọng ưu tiên chất lượng trong toàn bộ chuỗi giá trị, từ tàu đánh cá đến nhà máy chế biến và trung tâm phân phối. Ngoài ra, Na Uy có hệ thống truy xuất nguồn gốc theo dõi các sản phẩm hải sản từ điểm đánh bắt đến điểm tiêu thụ, đảm bảo rằng người tiêu dùng có thể tin tưởng vào nguồn gốc và tính xác thực của hải sản mà họ mua.
Có thể nói, xây dựng thương hiệu không chỉ giúp chuyển đổi hình ảnh của ngành thủy sản trong mắt người tiêu dùng quốc tế, nâng cao giá trị sản phẩm mà còn giúp ngành thủy sản phát triển thị trường xuất khẩu bền vững. Bởi nói như đại diện một số doanh nghiệp, khi có thương hiệu tốt thì việc mở rộng, giới thiệu sản phẩm mới khá dễ dàng, thậm chí có thể tạo ra các thương hiệu mới.
Ngoài ra, hiện xu hướng tiêu dùng thủy sản tập trung vào các sản phẩm có lợi cho sức khỏe, sản phẩm thân thiện môi trường, sản phẩm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn. Vì vậy người tiêu dùng, nhà nhập khẩu rất quan tâm tới quy trình nuôi trồng, chế biến. Theo ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), truy xuất nguồn gốc sẽ là yêu cầu tất yếu giúp minh bạch hóa, góp phần bảo vệ môi trường hướng tới thương mại xanh. Khi chúng ta đã đáp ứng được tiêu chuẩn của một thị trường thì rất thuận lợi để xuất khẩu thủy sản sang nhiều thị trường khác nhau.