Nghịch lý văn hóa mạng
Môi trường mạng góp phần đa kênh hóa, đa dạng hóa phương thức hưởng thụ văn hóa của người dân. Tuy nhiên, do hạn chế trong hoạt động quản lý, thành ra không gian mạng cũng được ví như “cái chợ” với đủ loại “vàng thau lẫn lộn”.
Tác phẩm chất lượng thấp tràn lan trên mạng
Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, đầu năm 2023, nước ta có khoảng 77,93 triệu người sử dụng internet (chiếm 79,1% dân số); số người sử dụng mạng xã hội khoảng 70 triệu, (71% dân số). Những nền tảng truyền thông xã hội được nhiều người sử dụng nhất là các mạng xã hội như YouTube, Facebook, Zalo... Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích mà mạng xã hội mang lại, cũng nảy sinh nhiều vấn đề đáng quan tâm.
Trong lĩnh vực văn học xuất hiện nhiều tác phẩm văn học mạng chất lượng thấp, những tiểu thuyết ngôn tình rẻ tiền, những sáng tác dưới mác văn học dân gian hiện đại mang “danh văn hóa” nhưng lại rất thiếu văn hóa. Nhiều ấn phẩm bị cấm lưu hành ngoài thị trường lại được lan truyền thoải mái trên mạng.
Bên cạnh đó, trên các nền tảng mạng xã hội tràn ngập các video tự chế, các phim tự biên tự diễn chủ yếu khai thác cảnh nóng, giật gân, các phim xã hội đen... Rất phổ biến là các phim hài nhảm có nội dung gây cười dung tục. Trong lĩnh vực âm nhạc, đó là đủ loại các thể nghiệm như: nhạc chế, nhạc mix, ca khúc giễu nhại, chủ yếu được đăng trên YouTube, Tiktok. Nhiều bài hát có âm nhạc hay, ca từ đẹp, nội dung nghiêm túc bị chế thành các bài hát dung tục, phản cảm. Hay hiện tượng hát nhép, lợi dụng kỹ xảo, chiêu trò sân khấu đánh lừa người xem diễn ra phổ biến...
Cần sự chung tay của toàn xã hội
Kết quả khảo sát của Chương trình nghiên cứu internet và xã hội (VPIS) của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cho thấy, 78% người được hỏi tại Việt Nam khẳng định từng là nạn nhân hoặc biết những trường hợp phát ngôn gây thù ghét trên mạng xã hội, tập trung ở: nói xấu, phỉ báng (61,68%); vu khống, bịa đặt thông tin (46,59%); kỳ thị dân tộc (37,01%); kỳ thị giới tính (29,03%); kỳ thị khuyết tật (21,76); kỳ thị tôn giáo (15,09%).
Theo GS.TS Từ Thị Loan - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, hiện nay không ít vấn đề đáng báo động về văn hóa ứng xử trên không gian mạng, có nguy cơ làm ô nhiễm môi trường văn hóa. Hiện tượng đề cao thái quá cái tôi dẫn tới những lệch lạc trong ứng xử, lợi dụng môi trường mạng để đánh bóng tên tuổi. Những hình ảnh nóng, kích động tràn ngập mạng xã hội gây nên những hiệu ứng xấu, tạo sự bắt chước, làm theo trong thanh thiếu niên. Nhiều người trẻ ngày càng trở nên háo danh. Họ dùng mạng xã hội để phô diễn bản thân, thể hiện “tôi khác người”, “tôi đặc biệt” để thoả mãn “cơn khát hào quang ảo tưởng”...
Thực tế cho thấy, sự xuất hiện những biểu hiện vô văn hóa trong ứng xử với người khác như: bôi nhọ, xúc phạm cá nhân, gieo tin đồn thất thiệt, triệt hạ đối thủ, “ném đá” hội đồng, bóc phốt, đấu tố, bắt nạt trên mạng... đã không còn là vấn đề quá mới. Đơn cử như trường hợp Hoa hậu Ý Nhi bị chỉ trích dữ dội về cách phát ngôn sau đêm đăng quang.
Hay ca sĩ Hương Giang (Hương Giang Idol) từng bị lập những nhóm antifan lên tới hàng trăm nghìn thành viên. Cộng đồng antifan đã gọi Hương Giang là “nữ hoàng đạo lý” và tấn công vào trang quản lý của các nhãn hàng đang hợp tác với Hương Giang, yêu cầu nhãn hàng dừng hợp tác với cô.
Theo chuyên gia lĩnh vực truyền thông - ông Lê Quốc Vinh, Tổng Giám đốc LeBros, trên mạng xã hội hiện nay, việc sử dụng ngôn từ tràn lan, thiếu văn hóa không chỉ ở người dùng bình thường mà còn cả các nghệ sĩ, những người được công chúng biết đến. Không những vậy, trên mạng xã hội có một hiện tượng là những người bình thường bỗng nhiên thành người phán xét. Họ có thể tham gia phán xét bất cứ điều gì, bất cứ cuộc sống của người nào. Sự phán xét này tác động lớn đến tâm lý những người liên quan, có thể trở thành vũ khí chết người, đã có người tự sát vì bị tấn công trên mạng xã hội, những gia đình tan đàn xẻ nghé vì thông tin trên mạng...
Quá trình chuyển đổi số được dự báo với tốc độ nhanh chóng của nó sẽ tạo ra những thay đổi mạnh mẽ trong đời sống văn hóa, xã hội trong thời gian tới. Với tính chất không gian ảo, con người ảo, việc xây dựng môi trường văn hóa trên mạng internet đang gặp rất nhiều khó khăn.
GS.TS Từ Thị Loan cho rằng, công tác chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả xây dựng môi trường văn hóa trên mạng cần được đặt ra ở tất cả các khâu như thể chế, nguồn lực, nội dung, công cụ, cách thức, giải pháp. Cùng với đó, để phát huy những mặt tích cực của không gian mạng và khắc phục những mặt trái của nó, rất cần tới sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các bộ, ngành liên quan cũng như vai trò của các gia đình, nhà trường và toàn xã hội.
Giới chuyên gia nhận định, khán giả ngày càng khó tính. Với sự bùng nổ của mạng xã hội, sức mạnh khán giả được nhân rộng. Họ sẽ tẩy chay những nghệ sĩ không xứng đáng và dành sự yêu mến cho những nghệ sĩ xứng đáng. Sự tẩy chay quyết liệt từ khán giả từng khiến nhiều nghệ sĩ phải trả giá đắt. Nhất là khi, chỉ nghệ sĩ vi phạm pháp luật mới bị xử lý, nghệ sĩ vi phạm đạo đức, lối sống lại không có chế tài. Dư luận, khán giả chính là án phạt lớn nhất với nghệ sĩ vi phạm thuần phong mỹ tục.