Cú sốc năng lượng trong một thế giới biến động

THẾ TUẤN 12/11/2023 08:33

Ngày 9/11, truyền thông Ả Rập đưa tin, Bộ Năng lượng Saudi Arabia cho biết sẽ tiếp tục cắt giảm thêm 1 triệu thùng dầu/ngày trong tháng 12/2023 để duy trì sản lượng khoảng 9 triệu thùng/ngày. Trong khi đó, Nga cũng tuyên bố sẽ tiếp tục cắt giảm thêm 300.000 thùng/ngày từ xuất khẩu dầu thô và sản phẩm dầu mỏ cho đến cuối tháng 12/2023.

Giá dầu mỏ leo thang phủ bóng nền kinh tế thế giới. Nguồn: Bloomberg.

Rủi ro đến từ giá dầu

Dầu mỏ đang được coi là “con bài chiến lược” khi các quốc gia tăng tốc phát triển để kịp về đích cuối năm. John Kilduff - đối tác tại Công ty quản lý vốn Again Capital LLC ở New York (Mỹ), cho biết: “Saudi Arabia đang nắm vai trò chủ đạo trong việc thắt chặt thị trường và tăng giá dầu mỏ. Việc cắt giảm sản lượng xuất khẩu sẽ đặt thế giới trước những khó khăn mới khi giá dầu mỏ khó có thể trở về sự cân bằng”.

Vị chuyên gia này cũng nhận xét, việc lên xuống thất thường của giá dầu mỏ kể từ giữa tháng 10 tới nay cho thấy “đó là sự chuẩn bị cho một đợt leo thang thẳng đứng”. Nếu như vào ngày 10/11, giá dầu mỏ trung bình 86 USD/thùng, thì rất có thể nó sẽ vọt lên 120 USD/thùng vào đầu tháng 12 và kết thúc quý 1/2024 không loại trừ khả năng sẽ là 150 USD/thùng. “Khi đó, kinh tế thế giới sẽ rơi vào thảm họa”- TS John Kilduff nói.

Chưa hết, Ngân hàng Thế giới (WB) còn đưa ra dự báo giá dầu có thể tăng lên 157 USD/thùng nếu xung đột ở Trung Đông leo thang. Trong khi đó, Ngân hàng Morgan Stanley ước tính giá dầu duy trì ở mức 110 USD/thùng cũng có thể làm suy yếu bất cứ nền kinh tế nào.

Các nhà phân tích của Tập đoàn Ngân hàng Australia và New Zealand (ANZ) cũng cho rằng, trọng tâm của thị trường đã chuyển từ nỗi lo nguồn cung bị gián đoạn sang lo ngại giá dầu biến động và leo thang. “Khi thế giới có nhiều biến động thì giá dầu mỏ sẽ bấp bênh với nhiều rủi ro không thể lường trước” - theo ANZ.

Còn chuyên gia phân tích Tony Sycamore (Công ty Phân tích thị trường IG, Australia) dự báo, giá dầu sẽ tiếp tục được đẩy cao bởi tình hình phức tạp ở Trung Đông. Một yếu tố khác làm giá dầu biến động là ngày 3/11, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật tăng cường các lệnh trừng phạt đối với dầu của Iran. Chưa hết, nguy cơ xung đột lan rộng ở Trung Đông cũng gây lo ngại cho eo biển Hormuz nằm giữa Oman và Iran - tuyến vận chuyển dầu quan trọng nhất thế giới, nơi có khoảng 1/5 sản lượng dầu toàn cầu qua lại mỗi ngày.

Tuy nhiên, ông Andy Lipow - Chủ tịch Công ty tư vấn Lipow Oil Associates (Mỹ) đánh giá, khả năng xảy ra gián đoạn nguồn cung, đặc biệt là việc đóng cửa eo biển Hormuz là thấp, bởi các nhà sản xuất dầu như Saudi Arabia, Iran, Iraq và Kuwait vẫn phụ thuộc vào lợi nhuận thu được từ việc qua lại eo biển này.

Lựa chọn giữa ăn uống hay sưởi ấm

Tờ The Guardian (Anh) dẫn lời ông Larry Fink - Giám đốc điều hành Công ty Quản lý tài sản BlackRock (Mỹ) rằng, cuộc xung đột ở Gaza đã đẩy thế giới đến một tương lai hoàn toàn mới. Những gì đang xảy ra gây tác động nhiều mặt nhất là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang rất bấp bênh.

Trong báo cáo "Triển vọng thị trường hàng hóa" công bố mới đây, WB cảnh báo nếu xung đột lan rộng ra bên ngoài Dải Gaza sẽ dẫn đến việc lặp lại lệnh cấm vận dầu mỏ của các nước Ả Rập vào năm 1973, giá dầu có thể tăng lên 157 USD/thùng. Theo WB, với kịch bản "gián đoạn", nguồn cung dầu toàn cầu sẽ giảm từ 6 - 8 triệu thùng/ngày, đẩy giá dầu tăng từ 56 - 75%, tương đương mức giá 140 - 157 USD/thùng. Còn trong trường hợp “may mắn” thì nguồn cung dầu toàn cầu sẽ giảm từ 500.000 thùng/ngày đến 2 triệu thùng/ngày, cũng đẩy giá dầu lên khoảng 93 - 102 USD/thùng.

Ông Ayhan Kose - Phó kinh tế trưởng WB cho rằng, giá dầu neo cao sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực không chỉ trong khu vực mà còn trên phạm vi toàn cầu. “Kinh tế thế giới sẽ mong manh hơn khi dự đoán tăng trưởng 2,1% trong năm nay, thì ở thời điểm này đã giảm xuống còn 1,7%” - ông Ayhan Kose nói.

Khủng hoảng năng lượng sẽ tác động toàn thế giới, trong đó châu Âu sẽ phải lo lắng nhất. Nhà phân tích cấp cao Fabian Ronningen (Hãng Nghiên cứu năng lượng Rystad Energy) đã dùng từ “đáng sợ” để mô tả tác động của giá dầu và khí đốt leo thang khi mùa đông đang đến với châu Âu. Ông Fabian cho biết, giá điện tại Pháp và Đức mỗi MWh trong năm 2023 có thể cao gấp khoảng 5,5 lần cách đây 1 năm. Còn tại Anh, dự kiến tăng giá trần điện và khí đốt lên từ 80 - 100%, khiến mỗi hộ gia đình trung bình tại Anh sẽ phải chi gần 4.200 USD mỗi năm cho tiền năng lượng.

“Những con số đó là ví dụ rõ nhất cho thấy cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu đang bước vào một giai đoạn đáng sợ, khi giá của tất cả các loại năng lượng, từ khí đốt, điện cho đến xăng dầu đều tăng rất cao và ảnh hưởng đến tất cả các khía cạnh của đời sống kinh tế” - ông Fabian nói và cho rằng hóa đơn tiền điện, chi phí sinh hoạt tăng cao và một mùa đông phải lựa chọn giữa “ăn uống hoặc sưởi ấm” đang là thực tế mà người dân châu Âu phải đối mặt.

Trong khi thị trường dầu mỏ biến động, thế giới thúc đẩy công nghệ sạch, năng lượng thiên nhiên. Ông Fatil Birol - Giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng quốc tế cho rằng, phải thúc đẩy điện gió, điện mặt trời và các nguồn năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, nguồn kinh phí đầu tư lại là một trở ngại lớn. Nếu như năm 2023, thế giới đầu tư vào năng lượng tái tạo là 1.300 tỷ USD thì con số đó phải tăng lên khoảng 5.000 tỷ USD mỗi năm. Mà điều đó tới nay vẫn chỉ dừng lại ở mức hy vọng. Chính vì thế, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi: "Tất cả các chính phủ trên thế giới phải cùng nhau hành động để đảm bảo các dự án mang lại cơ sở hạ tầng xanh, bền vững, thoát khỏi các mô hình phát triển thất bại khiến chúng ta bị cuốn hút vào nhiên liệu hóa thạch”.

THẾ TUẤN