Bất động sản nghỉ dưỡng: Chờ cơ hội ‘lội ngược dòng’
Du lịch đã có sự khởi sắc rõ nét với lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng mạnh, vượt chỉ tiêu đặt ra trước đó của năm 2023. Giới chuyên gia cho rằng, đây chính là một trong những yếu tố thúc đẩy thị trường bất động sản nghỉ dưỡng phục hồi.
Du lịch bứt phá
Thông tin từ Cục Du lịch quốc gia cho thấy, sau 9 tháng năm 2023, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 8,9 triệu lượt khách, gấp 4,7 lần cùng kỳ năm 2022. Với việc hoàn thành sớm mục tiêu, gần đây Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề xuất nâng chỉ tiêu khách du lịch quốc tế đến Việt Nam năm 2023 lên 13 triệu lượt, tăng khoảng 156% so với kế hoạch đặt ra đầu năm.
Hàn Quốc tiếp tục là thị trường gửi khách hàng đầu tới Việt Nam với 2.584.840 lượt khách, tiếp theo là Trung Quốc với 1.122.572 lượt khách. Một số địa phương có doanh thu dịch vụ lữ hành 9 tháng năm 2023 tăng cao so với cùng kỳ năm trước là: Đà Nẵng tăng 139,9%; Quảng Ninh tăng 98,8%; TPHCM tăng 91,3%; Hà Nội tăng 67,4%; Hải Phòng tăng 50,9%; Cần Thơ tăng 39,6%.
Lượng khách nội địa cũng đã đạt 93,5% mục tiêu đặt ra của cả năm, dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ đạt và vượt mục tiêu với 102 triệu lượt khách.
Thời gian qua, với những chính sách cởi mở, thông thoáng được nhà quản lý đưa ra, cùng với việc đồng loạt triển khai các hoạt động xúc tiến, quảng bá ở nước ngoài nên đã thu hút du khách quốc tế đến nước ta nhiều hơn. Nhiều điểm đến, sản phẩm du lịch đã tạo được ấn tượng trong lòng bạn bè khách quốc tế. Từ đó, không chỉ thu hút du khách quốc tế đến với nước ta tăng dần mà còn tạo cho du khách mong muốn quay trở lại vào những lần sau.
Những dữ liệu nói trên cho thấy, ngành công nghiệp không khói đang đón nhận nhiều cơ hội để phục hồi và bứt phá. Đáng chú ý, nhiều sản phẩm mới được các công ty lữ hành tung ra cũng sẽ góp phần tạo cơ hội phát triển mạnh mẽ cho ngành du lịch.
Liệu có tạo đà cho bất động sản nghỉ dưỡng?
Du lịch khởi sắc được kỳ vọng sẽ kéo theo loại hình bất động sản nghỉ dưỡng phục hồi. Đặc biệt, với việc thu hút ngày càng nhiều lượng khách quốc tế, đối tượng “chịu chi” cho các tour du lịch, thì cơ hội để phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng bứt phá là rất lớn.
Tuy nhiên, theo báo cáo mới đây của Savills, quá trình khôi phục hoạt động kinh doanh khách sạn tại Việt Nam diễn ra không đồng đều. Đơn cử, nếu như tại TPHCM, công suất và giá phòng bình quân của các khách sạn đang dần khôi phục về mức trước đại dịch thì với các thị trường nghỉ dưỡng như: Nha Trang - Cam Ranh, Đà Nẵng và Phú Quốc vẫn khá chật vật trong việc cải thiện công suất phòng.
Ông Mauro Gasparotti - Giám đốc Savills Hotels nhận định: “Vấn đề không chỉ nằm ở sự phát triển quá mức tại một số điểm đến. Đúng hơn, điều này bắt nguồn từ việc tạo ra những sản phẩm chưa phù hợp với điều kiện thị trường. Sự tăng trưởng của ngành du lịch, đặc biệt là nguồn cầu quốc tế trước đại dịch đã thúc đẩy hoạt động phát triển bất động sản nghỉ dưỡng nói chung và khách sạn nói riêng. Tuy nhiên, một số chủ đầu tư vội vàng tham gia thị trường khi chưa có sự nghiên cứu thấu đáo trong quá trình hoạch định, dẫn đến tình trạng chênh lệch cung cầu tại một số điểm đến...”.
Các chuyên gia cho rằng, phân khúc nhà phố, biệt thự nghỉ dưỡng, condotel (căn hộ khách sạn), officetel (căn hộ văn phòng)… đang phải trải qua giai đoạn khó khăn. Thị trường này gần như không có nguồn cung mới, lượng tồn kho có xu hướng tăng do tâm lý các nhà đầu tư còn e ngại suy thoái kinh tế. Cùng đó, sản phẩm trên thị trường chưa hoạt động hiệu quả dẫn đến giá bán giảm, lợi nhuận của doanh nghiệp cũng không lạc quan.
Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) dự báo, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng sẽ có 2 kịch bản xảy ra. Trước tiên là việc Nghị định 10/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai thực sự phát huy tác dụng thì giá bán phân khúc này sẽ bắt đầu tăng, giao dịch kỳ vọng trở nên nhộn nhịp hơn. Phương án tiếp theo là mặt bằng giá bất động sản nghỉ dưỡng sẽ tiếp tục đi ngang, thanh khoản phân khúc này tiếp tục chậm.
"Cuối năm 2023, nhiều khả năng thị trường bất động sản nghỉ dưỡng sẽ có cơ hội lội ngược dòng nếu các cơ chế, chính sách của Chính phủ được thực thi hiệu quả. Khi đó, lực cầu của phân khúc này sẽ tăng lên đáng kể, thậm chí đạt mức ấn tượng sau đó" - VARS nhận định.
Tuy nhiên, thời gian tới vẫn cần chủ động và hoàn thiện các căn cứ pháp lý điều chỉnh theo hướng có quy định cụ thể để phù hợp với thực tiễn; góp phần quản lý, khai thác và phát triển tốt nhất loại hình bất động sản nghỉ dưỡng. Như vậy, sẽ tạo điều kiện khơi thông nguồn vốn đầu tư trong phân khúc này.
Nói về các giải pháp khơi thông thị trường bất động sản nghỉ dưỡng, ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch VARS cho rằng, trong ngắn hạn, cần đẩy nhanh và rút ngắn độ trễ của những quy định về bảo đảm quyền và lợi ích của nhà đầu tư thứ cấp khi tham gia vào đầu tư dự án bất động sản nghỉ dưỡng để tạo sự an tâm cho nhà đầu tư. Còn trong dài hạn, các vấn đề pháp lý bất động sản nghỉ dưỡng quy định tại các bộ luật cần thống nhất và sớm ban hành.
“Khi pháp lý được khơi thông, đồng bộ, rõ ràng, chắc chắn thị trường sẽ được giải tỏa. Nhất là đối với bất động sản nghỉ dưỡng, lượng vốn mà các chủ đầu tư, nhà đầu tư bỏ ra khi tham gia thị trường này thường lớn hơn các thị trường khác” - ông Đính nhấn mạnh.
Còn theo Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM Lê Hoàng Châu, sự khó khăn của các chủ đầu tư ở phân khúc nghỉ dưỡng thể hiện rõ khi sản phẩm tồn kho tăng. Bất động sản nghỉ dưỡng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi thị trường nói chung trầm lắng. Do vậy, trong khi chờ đợi thị trường hồi sinh từ thị trường chung thì các nhà đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng cần đưa ra chính sách bán hàng với giá cả phù hợp, hỗ trợ người mua để tăng kích cầu cho thị trường ở phân khúc này.
Giới chuyên gia trong ngành nhận định, mặc dù phân khúc bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng có nhiều tiềm năng phát triển và cũng như cơ hội phục hồi lớn nhưng “khoảng trống” về pháp lý vẫn đang là rào cản. Do đó, rất cần có giải pháp như hoàn thiện chính sách, pháp luật về bất động sản du lịch đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với những chế định của pháp luật kinh doanh bất động sản và các quy định khác trong hệ thống pháp luật Việt Nam.