Rừng phong trên núi Tam Ban

PHẠM HOÀNG 12/11/2023 08:32

Chớm đông, rừng phong trong lòng thành phố Chí Linh (tỉnh Hải Dương), trở mình chuyển màu lá đỏ. Lá phong bung màu khoe sắc, trải dài cánh rừng cổ thụ bạt ngàn.

Du khách thích thú được chiêm ngưỡng rừng phong chuyển màu.

Chúng tôi đến rừng phong lá đỏ ở núi Tam Ban khi những cây phong cổ thụ đang độ rực rỡ. Lâu nay đến với Chí Linh, du khách quen thuộc với các danh lam, thắng cảnh “Côn Sơn, Kiếp Bạc” nhưng ít ai biết đến những cánh rừng phong cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm, khi đông về chợt đổi màu lá khiến du khách như gặp cảnh trời Âu nơi đất Việt.

Mùa này, rừng phong ở núi Tam Ban đã nhuộm sắc đỏ, khung cảnh mang dáng dấp mùa thu châu Âu bao quanh mái chùa Thanh Mai cổ kính tạo nên sự yên bình, thanh tịnh và độc đáo.

“Gia đình tôi chọn đến núi Tam Ban để thưởng thức khung cảnh đỏ rực của cây phong mùa thay lá” - chị Hoàng Thị Hương (du khách Hà Nội) cảm nhận: “Tôi đã đi nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản và thấy lá phong không khác nhiều so với nơi đây. Đó cũng là một trải nghiệm thú vị cho những du khách lần đầu đến núi Tam Ban thời điểm này. Hòa cùng cảnh đẹp mang dáng dấp châu Âu, nơi đây lại mang đậm chất Việt bởi tọa lạc giữa rừng là ngôi chùa cổ Thanh Mai đã gần 700 năm (xây dựng năm 1329). Đây là nơi các nhà sư thuộc thiền phái Trúc Lâm từng tu hành. Rừng phong bao quanh mái chùa cổ kính, tạo nên một khung cảnh yên bình, thanh tịnh. Đến đây, tôi thấy thêm yêu mảnh đất quê hương”.

Dẫn chúng tôi lên thăm khu rừng phong, anh Nguyễn Trường Giang - Hạt phó Hạt Kiểm lâm thành phố Chí Linh (người 26 năm gắn bó với rừng) như hướng dẫn viên du lịch, anh giới thiệu: Rừng phong lá đỏ đã tồn tại hàng trăm năm. Có những cây cao 5 - 7 m, tán rộng 3 - 5 m tạo nên một không gian ấm áp. Những chiếc lá phong thắm đỏ, cuống dài, xẻ ba thùy với mép răng cưa. Thiên nhiên đã ưu đãi và ban tặng cho xã Hoàng Hoa Thám, thành phố Chí Linh một rừng phong lá đỏ có diện tích khoảng trên 100 ha. Một cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ gắn với di tích lịch sử văn hóa chùa Thanh Mai, tạo thành điểm du lịch tâm linh, sinh thái hấp dẫn.

Để phát huy giá trị của rừng phong lá đỏ với di tích chùa Thanh Mai, việc bảo tồn rừng phong là cần thiết. Rừng ngày càng phát triển là đóng góp của chính quyền địa phương, người được giao rừng và đặc biệt là chùa Thanh Mai. Nhà chùa không những gìn giữ giá trị văn hóa ngôi chùa cổ, mà luôn đề cao phát triển bảo vệ diện tích rừng được giao, cùng các cánh rừng trên núi Tam Ban. “Bảo vệ rừng phong lá đỏ quý hiếm không chỉ là trách nhiệm của từng cán bộ Hạt Kiểm lâm mà tất cả người dân trong xã Hoàng Hoa Thám đều coi rừng như “báu vật” trời ban nên họ có ý thức gìn giữ, thường xuyên kiểm tra phát hiện vi phạm để báo cáo chính quyền, cơ quan chức năng” - anh Giang cho biết.

Chùa cổ Thanh Mai xây dựng năm 1329.

Trong căn phòng ấm cúng ở chùa Thanh Mai, ngồi tiếp chuyện chúng tôi là những người gắn bó với rừng phong lá đỏ. Trong đó có bà Phạm Thị Hiển (80 tuổi) - mẹ của nhà sư trụ trì chùa. Cũng bởi bén duyên với ngôi chùa, nặng lòng với những cây phong lá đỏ mà bà Hiển đã rời Thủ đô lên đây gần 30 năm. Hàng ngày, bà Hiển dành thời gian chăm sóc, tỉa tót… từng cây phong non. Nếu gặp đoàn khách tham quan lên rừng cắm trại bà luôn dặn dò họ có ý thức bảo vệ rừng, tránh giẫm đạp lên các cây nhỏ… Bởi thế, những cây phong mọc quanh ngôi chùa ngày một nhiều, bao bọc như vòng tay nhân ái.

Bà Hiển kể: Trụ trì chùa là con trai đầu trong 3 người con của bà, năm 19 tuổi đã lên chùa và gắn bó với nơi này 30 năm. Những ngày đầu bà Hiển lên thăm con thấy yêu mảnh đất này rồi ở lại.

Được biết, cây phong lá đỏ tiết ra một loại nhựa thơm đặc biệt. Vì thế trước đây, người dân quanh khu vực thường lấy nhựa phong về làm hương. Những năm gần đây, trước sự quản lý của Hạt Kiểm lâm thành phố Chí Linh, bà con địa phương hiểu rõ giá trị của rừng phong nên không khai thác nhựa và chung sức bảo vệ tái tạo rừng để có cảnh quan đẹp hơn. Các nhà nghiên cứu của Tổ chức Bảo tồn đa dạng thực vật quốc tế BGCI đã công bố báo cáo cho thấy, có 14 loài phong đang nằm trong danh sách sắp biến mất khỏi tự nhiên, nếu không được bảo tồn kịp thời. Vì vậy việc bảo tồn rừng phong lá đỏ càng là nhiệm vụ cấp thiết.

Ông Lục Văn Minh, thôn Thanh Mai, xã Hoàng Hoa Thám - người đã có 30 năm nhận khoán chăm sóc, bảo vệ 10ha rừng phong nơi đây. Ngày ngày, ông Minh lên rừng tỉ mẩn chăm sóc từng cây phong nhỏ, chỗ nào cây mọc dày ông nhổ ra trồng vào chỗ đất trống. Cùng việc bảo vệ rừng cây đặc dụng, ông Minh phối hợp chính quyền địa phương, Hạt Kiểm lâm và trụ trì chùa Thanh Mai ươm giống cây phong phủ xanh những khu trống trong rừng. “Để nâng cao chức năng phòng hộ, môi trường và giá trị của tài nguyên rừng, góp phần tăng thu nhập cho chủ rừng kinh doanh du lịch rừng phong Chí Linh, rất cần được đầu tư nghiên cứu khoa học để bảo tồn. Đây cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc phát triển rừng, tạo cảnh quan khu di tích” - ông Minh mong muốn.

PHẠM HOÀNG