Xây dựng Thanh Hóa trở thành tỉnh kiểu mẫu

Nguyễn Chung 11/11/2023 23:40

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Thanh Hóa xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ; huy động sức mạnh toàn dân... đạt mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, bao trùm, toàn diện.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác Trung ương làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa chiều ngày 11/11.

Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Thanh Hóa, chiều 11/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác Trung ương đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đến nay; nhiệm vụ trong thời gian tới.

Báo cáo với Thủ tướng và đoàn công tác, tại buổi làm việc, ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết: Trong thời gian từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đến nay, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng và các ban, bộ, ngành Trung ương, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã đoàn kết, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực.

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn báo cáo với Thủ tướng Chính phủ và đoàn công tác Trung ương tại buổi làm việc.

Trong đó nổi bật trên các lãnh vực như: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân hằng năm giai đoạn 2021 - 2023 ước đạt 9,69%, đứng thứ 5 cả nước và đứng thứ 3 trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước.

Quy mô GRDP năm 2023 ước đạt 279.074 tỷ đồng, gấp 1,5 lần năm 2020, đứng thứ 8 cả nước. GRDP bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 3.144 USD, gấp 1,42 lần năm 2020...

Nửa nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh Thanh Hóa đã thống nhất 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, nhằm tiếp tục triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị trong thời gian tới, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Từ đó, tạo động lực để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh phấn đấu đến năm 2025 đưa Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc; đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, người dân có mức sống cao hơn bình quân cả nước.

Để đạt được mục tiêu lớn trên, tỉnh Thanh Hóa đề nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, cơ quan Trung ương quan tâm giúp đỡ, hỗ trợ, giới thiệu, vận động các nhà đầu tư trong nước, nước ngoài đầu tư vào Thanh Hóa; đặc biệt là giới thiệu các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, chuyển đổi số, điện tử, công nghiệp bán dẫn, năng lượng tái tạo, năng lượng mới; dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa máy bay, y tế, giáo dục - đào tạo.

Đồng thời, tỉnh Thanh Hóa cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành sớm tham mưu để tỉnh Thanh Hóa được hưởng chính sách đặc thù, tháo gỡ các vướng mắc trong việc giao các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cho nhà thầu thi công các dự án hạ tầng giao thông quan trọng trên địa bàn tỉnh.

Bộ trưởng Bộ TNMT Đặng Quốc Khánh phát biểu tại buổi làm việc.

Trên cơ sở gợi mở của Thủ tướng Phạm Minh Chính, các thành viên của Đoàn công tác Trung ương ấn tượng và đánh giá cao kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa trong nửa nhiệm kỳ qua, nhất là tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân hằng năm luôn ở mức cao.

Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị Thanh Hóa đẩy mạnh chuyển đổi số, công nghệ số trên các lĩnh vực.

Với tinh thần đồng hành cùng tỉnh Thanh Hóa, các thành viên đoàn công tác Trung ương đã có những ý kiến đóng góp phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương, để Thanh Hóa phát triển nhanh, bền vững.

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đồng tình với các báo cáo, ý kiến tại cuộc làm việc; ghi nhận, biểu dương nỗ lực và kết quả đạt được của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Thanh Hóa, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của cả nước. Sau Đại hội XIII của Đảng, tỉnh đạt nhiều kết quả đáng khích lệ, đáng mừng trên tất cả các lĩnh vực.

Bên cạnh những kết quả rất cơ bản, Thủ tướng nêu rõ Thanh Hóa còn nhiều vấn đề cần nỗ lực, cố gắng, quyết tâm cao hơn nữa để thực hiện thành công mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra, góp phần thực hiện mục tiêu Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Theo đó, động lực tăng trưởng còn phụ thuộc nhiều vào Khu Kinh tế Nghi Sơn, những vấn đề liên quan tới môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, công tác cán bộ… Thủ tướng yêu cầu cần phân tích kỹ lưỡng nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, nhất là những nguyên nhân chủ quan, từ đó tìm ra biện pháp khắc phục hiệu quả.

Định hướng thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ: Phải giữ vững, củng cố và phát huy đoàn kết, thống nhất, trên dưới một lòng; quán triệt và thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chủ trương của Đảng, Quốc hội; phát huy tối đa những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh; xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ; huy động sức mạnh toàn dân; giữ vững quốc phòng, an ninh không để đột xuất, bất ngờ; đạt mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, bao trùm, toàn diện, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương nỗ lực và kết quả đạt được của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Thanh Hóa.

Thủ tướng lưu ý, cơ chế, chính sách phải thông thoáng, hạ tầng phải thông suốt, quản lý điều hành phải thông minh; tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính một cách triệt để; phát huy mạnh mẽ truyền thống lịch sử cách mạng, văn hóa của vùng đất và con người xứ Thanh, tinh thần tự lực, tự cường, vươn lên mạnh mẽ bằng sức mạnh nội sinh, không trông chờ, ỷ lại; phát triển hài hòa giữa kinh tế, văn hóa, môi trường, an sinh và phúc lợi xã hội.

Trong thời gian tới, Thủ tướng lưu ý tỉnh cần tập trung thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng), thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thông qua tiếp cận đất đai, vốn, giải quyết thủ tục hành chính và tiếp cận thị trường. Chú trọng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội và các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh.

Giải quyết kịp thời các kiến nghị của doanh nghiệp; rà soát, kiên quyết cắt giảm, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, thủ tục hành chính, nhất là thủ tục về đất đai, đầu tư, xây dựng, quy hoạch, môi trường; khắc phục điểm nghẽn về mặt bằng, về hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp; tiếp tục xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hoàn chỉnh các quy hoạch, cơ chế, chính sách;... nhằm tạo ra môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn, thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh.

Quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường; đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, nhất là quản lý môi trường đô thị, khu công nghiệp, làng nghề; không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần; phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, carbon thấp…

Đẩy mạnh quảng bá về du lịch lễ hội; đa dạng hóa các sản phẩm du lịch (lễ hội, làng nghề, ẩm thực…); nâng cao chất lượng nhân lực du lịch. Quan tâm phúc lợi xã hội đối với lao động khu công nghiệp, thúc đẩy tiến bộ xã hội. Tập trung khắc phục những hạn chế, yếu kém để nâng cao thứ hạng các chỉ số phản ánh môi trường đầu tư, như: Chỉ số PCI, chỉ số PAPI...

Cũng tại cuộc làm việc, lãnh đạo các bộ ngành đã trả lời, Thủ tướng đã cho ý kiến về từng đề xuất, kiến nghị của Thanh Hóa liên quan tới các quy định hiện hành về chuyển mục đích sử dụng rừng, sử dụng đất; hướng dẫn trình tự, thủ tục giao mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cho nhà thầu thi công dự án hạ tầng giao thông quan trọng; điều kiện về tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp khi quyết định chủ trương đầu tư dự án hạ tầng các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh…

Thủ tướng cũng đồng ý về chủ trương đầu tư tuyến đường giao thông nối đường Hồ Chí Minh (huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa) với QL6 (huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình), có ý nghĩa chiến lược kết nối Thanh Hóa và các tỉnh Tây Bắc, dài khoảng 89 km với tổng mức đầu tư là 3.500 tỷ đồng, trên tinh thần là khẩn trương triển khai các thủ tục để triển khai sớm.

Thủ tướng cũng giao Bộ GTVT và các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất phương án xử lý đầu tư dự án nạo vét luồng tàu vào cảng Nghi Sơn, Khu Kinh tế Nghi Sơn.

Về tình trạng thiếu giáo viên trên địa bàn, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành vào cuộc để cùng Thanh Hóa giải quyết, đồng thời Thanh Hóa phải chủ động triển khai các giải pháp, cơ cấu lại các trường lớp theo nguyên tắc ở đâu có học sinh thì ở đó có giáo viên nhưng phải bố trí hợp lý, hiệu quả, phù hợp điều kiện, hoàn cảnh địa phương. Đồng thời, thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ con em vùng đồng bào dân tộc, vùng khó khăn…

Nguyễn Chung