Giám sát để kiến tạo và phát triển

HOÀI VŨ (thực hiện) 12/11/2023 08:26

Lần đầu tiên trong nhiệm kỳ khóa XV, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ và 21 vị Bộ trưởng, Trưởng ngành đã trực tiếp trả lời chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội. Với phạm vi chất vấn rất rộng, liên quan đến 21 lĩnh vực khác nhau, được sắp xếp thành 4 nhóm. Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, giám sát để kiến tạo và phát triển chứ không phải giám sát để khắt khe với Chính phủ.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ, và Môi trường của Quốc hội nhấn mạnh: Giám sát cùng kiến tạo để phát triển nên chúng ta phải tìm ra giải pháp tối ưu để đưa chính sách vào cuộc sống. Làm sao cho chính sách phải thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo cuộc sống của người dân.

PV: Thưa ông, chất vấn và trả lời chất vấn chính là hình thức giám sát tối cao của Quốc hội. Vừa qua tại kỳ họp thứ 6, lần đầu tiên trong nhiệm kỳ khóa XV, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ và 21 vị Bộ trưởng, Trưởng ngành đã trực tiếp trả lời chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH). Cá nhân ông nhận định như thế nào về phiên chất vấn và trả lời chất vấn?

Ông Nguyễn Ngọc Sơn. Ảnh: Quang Vinh.

Ông NGUYỄN NGỌC SƠN: Khi phát biểu nhậm chức, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh mọi việc phải chuẩn bị từ sớm, từ xa. Cho nên tất cả các hoạt động từ lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước đều được chuẩn bị từ sớm, từ xa. Ví dụ liên quan đến vấn đề lập pháp lần đầu tiên chúng ta xây dựng Kế hoạch 81 về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh cho cả 1 nhiệm kỳ. Kế hoạch này không phải cứng mà điều chỉnh linh hoạt. Khi thấy có vấn đề đã chín, đã rõ, đã đủ thì có thể bổ sung vào chương trình xây dựng luật pháp lệnh.

Có cả định hướng chương trình giám sát cho một năm. Trong đó liên quan đến những vấn đề quan trọng, nổi lên, đòi hỏi sự vào cuộc của rất nhiều cơ quan, của cả hệ thống chính trị thì Quốc hội lắng nghe, xin ý kiến các ĐBQH để bấm nút thông qua chương trình giám sát này.

Vừa qua tại kỳ họp thứ 6 có một điểm đổi mới trong chất vấn và trả lời chất vấn là 21 lĩnh vực rất rộng nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra giải pháp gom vào 4 nhóm nội dung để các thành viên Chính phủ có sự chủ động, không bị động trong quá trình trả lời chất vấn của các ĐBQH. Bên cạnh đó, các ĐBQH cũng có thời gian nghiên cứu sâu hơn để chất vấn. Đặc biệt, sự điều hành linh hoạt của Chủ tịch Quốc hội trong thời gian qua là yếu tố quan trọng giúp cho hoạt động chất vấn cũng như điều hành trong các phiên thảo luận về kinh tế - xã hội của Quốc hội mang lại hiệu quả, tích cực. Kết quả của phiên chất vấn và trả lời chất vấn vừa qua đã minh chứng điều đó với gần 500 ĐBQH bấm nút chất vấn. Còn trong quá trình thảo luận luật, khi thấy luật “chưa rõ, chưa chín” thì số lượng ĐBQH bấm nút đặt vấn đề rất lớn, ví như Luật Đất đai sửa đổi có gần 200 ĐBQH bấm nút để góp ý kiến. Đây là cách làm thể hiện sự dân chủ, cởi mở, thẳng thắn và trách nhiệm.

Vừa qua Quốc hội đã giám sát chuyên đề về việc thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Báo cáo kết quả giám sát đã nhận được sự đồng tình từ các cơ quan, các ĐBQH. Vậy thành tích đó rút ra được bài học kinh nghiệm gì giúp ích cho việc giám sát trong thời gian tới, thưa ông?

- Quốc hội đã tập trung giám sát những vấn đề mang tầm vĩ mô, trọng tâm, trọng điểm. Ví dụ, vừa qua chúng ta giám sát 3 chương trình mục tiêu quốc gia vào thành 1 chương trình giám sát của Quốc hội. Ngoài ra Quốc hội ban hành các nghị quyết để Chính phủ phải tổ chức triển khai thực hiện. Đồng thời, Quốc hội tổ chức giám sát ngay việc thực hiện. Tôi nói ví dụ, năm 2024 sẽ giám sát việc triển thị trường bất động sản cũng như phát triển nhà ở xã hội, trong khi nghị quyết về vấn đề này vẫn đang được tiến hành thì đây là một trong những cách đổi mới giúp cho hoạt động của Quốc hội tốt hơn, thường xuyên hơn, và đúng nghĩa là giám sát để kiến tạo và phát triển chứ không phải giám sát để khắt khe với Chính phủ. Tôi cho rằng đây chính là cách để đưa chính sách pháp luật vào cuộc sống. Khi chính sách pháp luật vào cuộc sống nó sẽ giúp tháo gỡ rất nhiều điểm nghẽn. Như vậy, kinh tế phát triển, đời sống của nhân dân sẽ ấm no, hạnh phúc, đáp ứng được mong mỏi của cử tri và nhân dân.

Phát triển thị trường bất động sản và nhà ở xã hội là chuyên đề giám sát quan trọng của Quốc hội năm 2024.

Vấn đề được nhiều người quan tâm chính là hậu giám sát. Muốn thế thì bản thân chất lượng giám sát cũng phải tốt, các kiến nghị đưa ra phải sát thực tiễn. Vậy theo ông làm sao để các kiến nghị đưa ra sát thực tế và yêu cầu Chính phủ thực hiện?

- Hiện giám sát đang từng bước được đổi mới. Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND sẽ được sửa đổi trong thời gian tới. Khi sửa đổi luật, chắc chắn cơ sở pháp lý sẽ tốt hơn để tổ chức, triển khai giám sát việc thực hiện lời hứa của các thành viên Chính phủ trước Quốc hội.

Hiện nay có nhiều nội dung trong các nghị quyết còn đang đan xen với nhau. Như trong kinh tế - xã hội, trong các chuyên đề giám sát. Do đó làm sao phải phân định rõ và cụ thể từng vấn đề trong các nghị quyết. Như vậy sẽ giúp cho các kiến nghị được thực hiện một cách thấu đáo.

Thực tế không chỉ sau khi có kết quả giám sát mà ngay sau khi đoàn giám sát bắt đầu làm việc, giám sát tại các bộ, ngành, địa phương thì đã tạo được sự chuyển động từ phía Chính phủ, các bộ, ngành. Bởi lúc đó Chính phủ đã nhìn nhận ra hạn chế và yêu cầu khắc phục ngay để phù hợp với thực tế. Đó chính là Quốc hội đồng hành với Chính phủ?

- Đúng vậy. Khi Quốc hội lựa chọn những vấn đề để tổ chức giám sát đã được đông đảo cử tri và nhân dân quan tâm, gửi gắm thông qua ý kiến các ĐBQH. Khi ĐBQH bấm nút thông qua chương trình giám sát thì có nghĩa rằng đại diện cho cử tri để thông qua nội dung này. Nên khi vấn đề được đưa ra giám sát chắc chắn rằng sẽ phải có chuyển biến ngay. Chủ tịch Quốc hội đã có ý kiến tại phiên thảo luận cũng như phiên chất vấn và trả lời chất vấn rằng chúng ta khi đã giám sát thì có chuyển biến ngay từ khi chúng ta ban hành nghị quyết của Quốc hội.

Theo tôi đây cũng là cơ hội để Chính phủ nhìn nhận lại quá trình tổ chức, triển khai thực hiện về những vấn đề mà Quốc hội sẽ tổ chức giám sát. Trong quá trình đó Chính phủ sẽ tập trung nguồn lực để đánh giá một cách tổng thể về việc thực hiện chính sách, xem còn bất cập ở đâu và vì sao chưa đạt. Đây là một trong những điều mà ĐBQH cũng như các cử tri đều mong muốn. Giám sát cùng kiến tạo để phát triển nên chúng ta phải tìm ra giải pháp tối ưu để đưa chính sách vào cuộc sống. Làm sao cho chính sách phải thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo cuộc sống của người dân.

Tới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức hội nghị toàn quốc về hoạt động giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội để triển khai chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2024. Ông có thể chia sẻ thêm thông tin về vấn đề trên?

- Theo chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024, Quốc hội sẽ giám sát 2 chuyên đề rất quan trọng. Theo đó tại kỳ họp thứ 7 giám sát chuyên đề về “việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội”. Chương trình phục hồi kinh tế đang được đông đảo cử tri quan tâm, và hiệu quả của nó cũng phải được đánh giá một cách kỹ lưỡng.

Còn tại kỳ họp thứ 8 sẽ giám sát chuyên đề về “việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”. Đây là vấn đề được rất nhiều ĐBQH đặt ra tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội. Trong năm 2024 Quốc hội giám sát vấn đề này để làm sao tìm giải pháp tối ưu cho việc phát triển thị trường bất động sản, cũng như phát triển nhà ở xã hội.

Bên cạnh 2 chuyên đề giám sát quan trọng trên thì trong năm 2024 Quốc hội cũng triển khai hoạt động chương trình giám sát của năm 2024 theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. Tức là tổ chức xem xét báo cáo, các nghị quyết của Quốc hội, và tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn tại mỗi kỳ họp.

Mặt khác, ngoài giám sát tối cao của Quốc hội thì Hội đồng dân tộc, các Ủy ban, các cơ quan của Quốc hội cũng tổ chức triển khai giám sát theo chức năng nhiệm vụ của mình. Điểm nhấn là tất cả các cơ quan của Quốc hội phải tổ chức giám sát theo hướng thường xuyên, tránh trường hợp tới cuối nhiệm kỳ mới yêu cầu tổ chức giám sát.

Việc giám sát có kế hoạch sẽ song hành, phối hợp cùng với Chính phủ để tháo gỡ những khó khăn bất cập và kiến nghị kịp thời để cho Chính phủ khắc phục chứ không phải chờ đến giữa hoặc cuối nhiệm kỳ lại tổ chức triển khai 1 lần. Đây chính là điểm mới của chương trình giám sát năm 2024.

Ngoài ra, việc xem xét các báo cáo của Chính phủ về những lĩnh vực theo quy định của luật hoặc theo quy định tại các nghị quyết vẫn được tổ chức triển khai một cách tích cực và hiệu quả. Việc triển khai một chương trình toàn quốc với mục tiêu để làm sao tạo được sự chủ động, sự thống nhất trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện. Ngoài ra nó còn làm cơ sở để cho các cơ quan theo dõi, giám sát việc thực hiện.

Với mục đích như vậy cho nên tới đây sẽ tổ chức hội nghị toàn quốc về hoạt động giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội để triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2024. Việc triển khai hội nghị toàn quốc này sẽ đem lại giá trị rất thiết thực và đảm bảo cho việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả giám sát tối cao của Quốc hội và giúp cho cử tri, nhân dân đặt niềm tin vào các cơ quan của Quốc hội trong thời gian tới. Qua đó cũng đánh giá được việc thực hiện của Chính phủ một cách hiệu quả nhất.

Trân trọng cảm ơn ông!

HOÀI VŨ (thực hiện)