TP Hồ Chí Minh: Mặt trận giám sát về chuyển đổi số và xây dựng đô thị thông minh
Ngày 12/11, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM cho biết, Đoàn giám sát của Mặt trận Thành phố vừa có buổi giám sát tại Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố.
Nội dung làm việc liên quan đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong việc công khai, minh bạch, thực hiện thủ tục hành chính Nhà nước liên quan đến thực hiện công tác chuyển đổi số và xây dựng đề án đô thị thông minh của Thành phố.
Báo cáo với đoàn, TS.Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố cho hay, Trung tâm Mô phỏng và Dự báo Kinh tế - Xã hội thuộc Viện là một trong các trụ cột để xây dựng đô thị thông minh. Từ ngày 01/01/2022 đến ngày 31/8/2023, đã nỗ lực và đạt kết quả cụ thể, như: Phối hợp thực hiện Đề án thí điểm chuyển đổi 5 Khu công nghiệp – Khu chế xuất; Phối hợp thực hiện Đề án Nghiên cứu giải pháp chính sách khuyến khích sử dụng, chuyển đổi sang phương tiện giao thông năng lượng sạch và phân vùng hạn chế hoạt động của phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch tại TP HCM.
Đồng thời, Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố cũng phối hợp thực hiện Đề án Chiến lược lao động và việc làm trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2023 -2025 và tầm nhìn đến năm 2050; Phối hợp thực hiện Đề án Khung chiến lược phát triển kinh tế xanh Thành phố giai đoạn 2023 – 2030, tầm nhìn 2050…
Tuy nhiên, theo ông Vũ về chuyển đổi số có khó khăn là những phần mềm hiện hữu chung của Quốc gia đã có nhưng nếu muốn đưa vào thành cái chung thì các phần mềm này có sự chênh với nhau, chưa thống nhất về mặt thủ tục.
Phát biểu tại buổi giám sát, ông Phạm Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của Đề án xây dựng Thành phố thông minh của Viện, trong đó yêu cần phải có những kế hoạch cụ thể thực hiện theo 12 lĩnh vực.
Thực tế hiện nay Viện mới chỉ nghiên cứu và dự báo về tăng trưởng kinh tế cũng là một phần xã hội chứ chưa đi vào những chuyên đề cụ thể. Do đó, cần phải có một kế hoạch và bước đi từng giai đoạn theo từng lĩnh vực như: Liên quan đến tăng trưởng dân số, nhu cầu sử dụng đất cho các lĩnh vực, nhu cầu giao thông để phát triển kinh tế xã hội, nhu cầu sử dụng năng lượng và nước sạch, nhu cầu xử lý rác thải ngập nước, nhu cầu nhà ở phục vụ cho người dân và du lịch; nhu cầu về dịch vụ y tế, giáo dục và nhu cầu vốn cho phát triển kinh tế.