Di dời, tái định cư và sinh kế
Tại những vùng phải chịu nhiều thiên tai, trong đó có sạt lở đất, cuộc sống người dân bấp bênh. Chính quyền luôn quan tâm tới việc di dời người dân khỏi vùng sạt trượt và tiếp đó là tái định cư, ổn định đời sống cho dân. Nhưng thực tế vẫn nhiều khó khăn.
Miền núi tỉnh Nghệ An thường xuyên chịu tác động của thiên tai, đe dọa đến an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân. Ông Nguyễn Trường Thành - Chánh văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Nghệ An cho biết, địa phương có 373 điểm sạt trượt nguy cơ cao (trong đó có 274 điểm sạt lở vùng dân tộc thiểu số), đe dọa gần 10.000 hộ dân.
“Đây là những “điểm đen” mà mỗi khi đến mùa mưa bão, chúng tôi lại thấp thỏm, lo lắng” - ông Thành cho biết. Còn ông Phan Trọng Dũng - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quế Phong nói: Lo lắm, bất an lắm!. Hễ mưa bão là cả hệ thống chính trị của huyện phải thức trắng để chỉ đạo, hướng dẫn người dân ứng phó. Nhưng thiên tai thường rất bất ngờ và khó dự báo, thành ra thiệt hại thường rất lớn.
Tại xã Châu Khê (huyện Con Cuông), ông Kha Văn Thương- Chủ tịch xã cho biết có 20 hộ dân với gần 70 nhân khẩu sống dưới “điểm nóng” sạt trượt.
Đó chỉ là “ví dụ” tại một tỉnh, còn thì mối nguy sạt lở đất đã và vẫn đang đe dọa nhiều địa phương trong cả nước. Vấn đề đặt ra là phải nâng cao mức độ cảnh báo và đặc biệt là phải sẵn sàng phương án di dời người dân ra khỏi vùng nguy hiểm, cũng như phải tái định cư, lo sinh kế cho người dân nơi ở mới.
Tuy nhiên, 2 vấn đề nan giải chính là thiếu kinh phí di dời và tạo sinh kế cho người dân.
Tại tỉnh Điện Biên, giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh bố trí ổn định cho 620 hộ dân vùng có nguy cơ thiên tai. Tuy nhiên, công tác di dời gặp nhiều khó khăn, một phần do tập quán của người dân nhưng quan trọng hơn là thiếu kinh phí. Đại diện phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Nhé cho biết kinh phí của huyện rất hạn chế, mức kinh phí hỗ trợ dân di dời theo theo quy định từ 20 - 30 triệu đồng/hộ là rất thấp. Ông Lò Văn Hùng - Chủ tịch UBND xã Mường Tùng cho biết xã có 7 hộ thuộc bản Đán Đanh nằm trong vùng có nguy cơ cao xảy ra thiên tai, sạt lở nhưng xã không có kinh phí để di chuyển.
Tính trong 2 năm 2023 và 2024, mỗi năm tỉnh Điện Biên cần di dời 117 hộ khỏi vùng nguy cơ thiên tai; năm 2025 là 123 hộ. Để thực hiện được mục tiêu này, nguồn vốn dự kiến hơn 869 tỷ đồng bao gồm bố trí dân cư vùng có nguy cơ thiên tai và đầu tư 30km giao thông, 4 công trình thủy lợi, 2 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, 2 công trình san lấp mặt bằng khu dân cư… Tuy nhiên, “tìm được tiền” phục vụ công tác di dời là rất khó khăn, dù ai cũng biết đó là nhiệm vụ cấp bách.
Tại nhiều địa phương, do nhu cầu bố trí ổn định dân cư lớn, nhưng trong quá trình thực hiện vừa phải cân đối ngân sách, vừa dựa vào điều kiện thực tế, lồng ghép nhiều nguồn vốn, chương trình để thực hiện nên khó càng thêm khó.
Bên cạnh đó, việc thiếu quỹ đất (hoặc vùng bố trí tái định cư không phù hợp) khiến khó chồng khó. Chính vì thế, trong khi phải chờ ngân sách thì người dân vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai vẫn đang phải tiếp tục điệp khúc “chờ” được tái định cư.
Tại Đồng bằng sông Cửu Long, khi mà sạt lở bủa vây thì vấn đề tái định cư càng trở nên cấp bách. Để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân vùng sạt lở, các địa phương trong vùng đã xây dựng khu tái định cư để bố trí chỗ ở mới cho dân. Thế nhưng do thiếu sinh kế nên nhiều người đã quay về nơi cũ, bất chấp nguy hiểm rình rập. Mặt khác, chính quyền địa phương cũng gặp khó khi chưa đủ quỹ đất, nguồn lực để xây dựng các khu tái định cư. Trong khi đó, thông tin từ Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai, hiện có khoảng 20.000 hộ dân sống ven các tuyến sông có nguy cơ cao, cần khẩn trương di dời ở các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long, Cà Mau, TP Cần Thơ.
Nhiều khu tái định cư được xây dựng nhưng sau thời gian ngắn lại bỏ hoang. Người dân tái định cư ở xã Phú Lợi (huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) cho biết, ở khu mới nhiều bất tiện nên một số hộ đã về lại nơi cũ hoặc bỏ đi thành phố mưu sinh. Khi nhà sát mé sông, người dân còn nhờ nắm rau, chăn nuôi gà, vịt cải thiện đời sống. Nhưng đến khu tái định cư thì đất đai chật chội chỉ đủ để cất nhà, không có khoảnh vườn trồng trọt, rất khó sống.
Theo TS Dương Văn Ni (Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên Đại học Cần Thơ), lo tái định cư và tạo sinh kế mới cho người dân vùng sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu Long đã trở nên cấp bách. Việc để người dân tiếp tục sống ở ven sông, kênh rạch cho thấy địa phương chưa đủ quyết tâm, chưa xem sạt lở là vấn đề bức thiết. Đồng thời cũng chưa tính kỹ sau di dời để bảo đảm tính mạng và tài sản cho dân là gì. Đó phải là tái định cư và ổn định sinh kế cho người dân.