Bất ổn thị trường sữa

H.Hương 13/11/2023 07:45

Thời gian gần đây mạng xã hội tràn ngập thông tin quảng cáo mang tính chất cạnh tranh không lành mạnh về sữa và các sản phẩm từ sữa. Nhiều quảng cáo, thậm chí video gắn với các “bác sĩ”, các "chuyên gia" so sánh các loại sữa khác nhau gây hoang mang cho người tiêu dùng.

Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra kinh doanh sữa. Nguồn: QLTT.

Người tiêu dùng lạc vào ma trận

Chưa bao giờ thị trường sữa đa dạng và phức tạp như hiện nay. Với các gia đình có trẻ nhỏ thì bị lạc vào các quảng cáo “phát triển vượt trội về chiều cao, trí não”; “tăng khả năng tư duy và thị giác”;… còn với gia đình có người già thì lại bị lôi cuốn vào các lời giới thiệu như tăng đề kháng, tiêu hóa tốt, xương khớp khỏe…

Sự phát triển của thị trường sữa cũng đi kèm với những hình thức quảng cáo “thổi phồng”, thậm chí sai sự thật để giành thị phần của nhau. Chẳng hạn, hồi cuối tháng 4/2023 sản phẩm sữa hạt dinh dưỡng NutriZabet được Công ty Taphaco quảng cáo với công dụng như một loại thuốc điều trị bệnh tiểu đường đã bị Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế “tuýt còi” xử phạt số tiền 75 triệu đồng do thông tin sai sự thật. Hay như nghệ sĩ Cát Tường cũng đã phải nói lời xin lỗi vì có những clip quảng cáo tràn lan trên các trang mạng gây ngộ nhận cho người tiêu dùng.

Chị Nguyễn Thùy Dương (Minh Khai, Hà Nội) chia sẻ, nhà có 2 con còn nhỏ nên mỗi tháng phải để dành một khoản riêng vào tiền sữa. Bản thân chị cũng thường đổi sữa để đổi khẩu vị cho con, song giờ thị trường quảng cáo tràn lan các loại sữa nên không biết đâu mà lần. Loại nào cũng tự quảng cáo là “nhất”.

Theo chị Dương, các quảng cáo sữa loạn thị trường khiến cho phụ huynh không biết sữa nào chất lượng, sữa nào không chất lượng.

Chị Nguyễn Minh Phương (Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội) cũng cho biết, đến siêu thị hay ra một cửa hàng tạp hóa nhìn vào kệ hàng bày bán sữa, có đến hàng chục loại sữa với xuất xứ các nước khác nhau.

“Nhân viên bán hàng tư vấn sữa nào cũng chất lượng, uống vào tăng chiều cao, uống sữa tăng sức đề kháng… khiến người mua như lạc vào ma trận, không biết chọn loại nào” – chị Phương nói.

Rà soát các dấu hiệu vi phạm

Theo TS Trần Việt Nga - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, theo quy định, các nhóm sữa trước khi muốn đưa ra thị trường cần đăng ký và nộp hồ sơ gồm: Thực phẩm bảo vệ sức khỏe, y học và dùng cho chế độ ăn đặc biệt; trẻ nhỏ dưới 36 tháng tuổi và phụ gia thực phẩm không thuộc trong danh mục phụ gia được phép sử dụng do Bộ Y tế quy định. Các sản phẩm khác được tự công bố, doanh nghiệp tự xây dựng hồ sơ theo quy định, quy chuẩn của nhà sản xuất và chỉ cần 1 bản hồ sơ đăng tải trên website là gần như hoàn thành việc tự công bố sản phẩm. Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) thì DN cần có nghĩa vụ thực hiện theo đúng các quy định của cơ quan quản lý nhà nước, sau đó thực hiện hậu kiểm. Nghị định 15 đã quy định rất rõ các ngành hàng, Chính phủ đã giao cho Bộ Công thương, tiếp nhận bản tự công bố sau đó phân cấp, phân quyền sau đó thanh tra, kiểm tra.

"Từ năm 2018 đến nay, có nhiều ý kiến đánh giá về việc cho phép DN tự công bố. Điều này tạo thuận lợi tiết kiệm thời gian cho DN. Tuy nhiên, những DN làm ăn không chân chính đã lợi dụng sự thông thoáng để quảng cáo các sản phẩm không đúng quy định của nhà nước" - TS Nga nói, đồng thời khẳng định, quảng cáo sữa với bất kể hình thức nào, nếu đưa thông tin sai sự thật đều là hành vi vi phạm pháp luật. Đặc biệt là khi sử dụng hình ảnh bác sĩ, nhân viên y tế nhằm có được niềm tin của người tiêu dùng.

Ông Lê Hoài Điệp - Cơ quan điều tra cạnh tranh (Ủy ban Cạnh tranh quốc gia - Bộ Công thương) khẳng định, không chỉ riêng lĩnh vực sữa mà trong bất kỳ lĩnh vực nào, sự cạnh tranh không lành mạnh đều gây ra tác động xấu tới thị trường, tới DN làm ăn chân chính và người tiêu dùng.

“Các chủ thể tham gia vào quá trình cạnh tranh không lành mạnh làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của DN khác, ảnh hưởng quyền và lợi ích của người tiêu dùng và ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh, dù vô tình hay chủ ý đều có thể bị xử lý theo quy định pháp luật”- ông Điệp nhấn mạnh và cho biết, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan giám sát, rà soát dấu hiệu vi phạm. Trường hợp phát hiện vi phạm sẽ tiến hành điều tra và xử lý theo quy định của pháp luật về cạnh tranh.

“Đối với người tiêu dùng, cần cẩn trọng khi tiếp nhận thông tin về sản phẩm; cần tìm hiểu thông tin về sản phẩm qua các kênh thông tin chính thống. Nếu phát hiện các dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật của tổ chức, cá nhân, người tiêu dùng nên phản ánh đến cơ quan quản lý để kịp thời ngăn chặn hành vi vi phạm, góp phần đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng” - ông Điệp khuyến cáo.

H.Hương