Hàng ăn được bán mang về giúp cánh tài xế thoát khỏi những bữa ăn tạm

Quang Vinh 09/09/2021 19:35

Sau một thời gian thực hiện chỉ thị giãn cách, UBND TP Hà Nội đã cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ bán đồ ăn mang về tại 19/22 xã thuộc vùng xanh của huyện Gia Lâm, các cửa hàng kinh doanh hàng thiết yếu được phép mở cửa bán hàng mang về từ 6 giờ ngày 6/9.

Nhiều lái xe đã dừng lại mua những suất ăn để không phải ăn lương khô, bánh mì nhằm đảm bảo cho sức khỏe còn phục vụ công việc.

Theo Kế hoạch số 232/KH-UBND của UBND huyện Gia Lâm ban hành ngày 5/9/2021 về tổ chức triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn (Vùng 2) trên tinh thần Chỉ thị số 20/CT-UBND ngày 3/9/2021 của UBND TP Hà Nội, huyện Gia Lâm đã sắp xếp các xã, thị trấn thành 3 phân khu theo mức độ nguy cơ của dịch bệnh, đó là: Phân khu 1 (vùng đỏ), Phân khu 2 (vùng da cam) và Phân khu 3 (vùng xanh).

Tại Phân khu 3 (vùng xanh), 19/22 xã, thị trấn nằm trong phân khu này được phép mở cửa trở lại đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn (không uống), nhưng chỉ được bán hàng mang về, bao gồm: Các xã Dương Hà, Đình Xuyên, Phù Đổng, Trung Mầu, Ninh Hiệp, Yên Thường, Yên Viên, Kim Lan, Văn Đức, Kiêu Kỵ, Cổ Bi, Đặng Xá, Phú Thị, Dương Xá, Đa Tốn, Lệ Chi, Dương Quang và 2 thị trấn Yên Viên, Trâu Quỳ. Bên cạnh đó, tại các xã, thị trấn vùng xanh và vùng da cam, UBND huyện Gia Lâm cũng cho phép các công trình xây dựng, các cửa hàng vật liệu xây dựng được tiếp tục hoạt động, kinh doanh trở lại.

Tuy nhiên theo ghi nhận của phóng viên báo Đại Đoàn Kết online, các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn huyện Gia Lâm mới mở cửa cầm chừng, có quán vắng khách, nhưng có những quán khách cũng vào đều, nhất là những tài xế chở hàng.

Có lái xe lâu lắm rồi không được ăn phở, họ vào mua bát phở rồi ngồi ăn nhanh ngoài vỉa hè để còn tiếp tục lên đường.
Có quán hàng ăn mới khai trương được hơn 1 tháng thì có dịch phải đóng cửa suốt đến bây giờ mới được mở trở lại.
Anh Đại cùng với lái xe của một công ty cửa cuốn trên địa bàn Hà Nội chia sẻ: Hàng ngày chúng tôi đi giao hàng khắp thành phố, nếu hôm nào về kịp được công ty thì ăn cơm ở công ty, còn không thì toàn ăn bánh mì hoặc lương khô cho qua bữa. Từ hôm hàng quán được mở cửa bán hàng mang về khiến chúng tôi chủ động được hơn rất nhiều về thời gian.
Suất cơm rang rưa bò với giá 30.000 đồng rất ngon và đầy đặn trong thời điểm này sẽ giúp nhiều người có những bữa ăn ngon miệng và vừa túi tiền.
Chị Thúy chủ cửa hàng bún riêu cua ở Yên Viên, Gia Lâm khai trương cửa hàng từ hôm 24/3 thì đến cuối tháng tư xuất hiện các ca nhiễm Covid-19 khiến chị và nhiều hộ kinh doanh phải đóng cửa dài ngày. Từ hôm được phép mở cửa hàng trở lại chị đã bán hàng để đỡ phần nào gánh nặng tiền thuê cửa hàng.
Cũng có những cửa hàng ăn phải trả lại mặt bằng vì không trụ được trong những ngày giãn cách do dịch bệnh.
Tất cả các cửa hàng ăn trên địa bàn Gia Lâm khi mở cửa trở lại chỉ bán hàng mang về để đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch.
Khách đến mua đều đứng phía ngoài cửa để chờ.
Vì là bán hàng mang về nên những cửa hàng mở cửa trở lại hầu hết là các quán bún, phở, cơm rang nhằm phục vụ những bữa ăn nhanh tới người dân.
Không có quá nhiều các cửa hàng ăn uống mở cửa như những ngày dịch chưa bùng phát trở lại.
Một cửa hàng bán bánh mì doner kebab mở cửa trở lại để phục vụ người dân nhưng cũng luôn tuân thủ an toàn trong phòng chống dịch bệnh.
Chị Minh Tâm quê ở Nam Định đã thuê cửa hàng để bán phở bò ở đây được hơn chục năm rồi. Từ đợt giãn cách xã hội chị phải chuyển hướng sang bán hoa quả để duy trì và giảm gánh nặng tiền thuê cửa hàng. Chị nói vài bữa nữa sẽ bán phở trở lại nhưng vẫn bán thêm hoa quả vì sợ thời gian này lượng khách không được đông như trước.

Quang Vinh