Chung tay ứng phó với khủng hoảng khí hậu

Thanh Đức 14/11/2023 06:25

Giới khoa học Liên minh châu Âu (EU) nói năm 2023 “gần như chắc chắn” là năm nóng nhất trong vòng 125.000 năm. Loài người sẽ ra sao sau kỷ lục đáng sợ đó?

Người dân che ô tránh nắng nóng trên đường phố tại Tokyo của Nhật Bản, dù trời đã vào thu. Ảnh: Kyodo.

Cuộc sống ngày càng khó khăn

Với việc đốt nhiên liệu hóa thạch và tàn phá thiên nhiên, con người đưa khí giữ nhiệt vào bầu khí quyển, nâng nhiệt độ hành tinh lên thêm 1,2 độ C kể từ cách mạng công nghiệp thế kỉ XIX. Ngày 13/11, tờ The Guardian dẫn lời nhà khoa học khí hậu Friederike Otto (Đại học Hoàng gia London, Anh) cho rằng, các đợt nắng nóng, hạn hán trong năm nay đã khiến nhiều người thiệt mạng, mất sinh kế, phải rời bỏ nhà cửa.

Hơn 80% dân số toàn cầu trải qua đợt nắng nóng bất thường hồi tháng 7 khi nhiều quốc gia châu Á liên tiếp ghi nhận mức nhiệt 44,5 độ C kéo dài trong nhiều tuần. Bên kia trái đất, Thung lũng Chết tại California (Mỹ) ghi nhận nhiệt độ lên đến 56,7 độ C hôm 10/7. Nhiều nơi ở châu Âu và Địa Trung Hải trải qua nắng nóng chưa từng thấy trong mùa hè qua.

Hiện tượng thời tiết cực đoan không chừa châu lục nào. Tháng 9, Libya (châu Phi) hứng chịu đợt lũ lụt tồi tệ nhất lịch sử nước này khiến hơn 6.000 người chết và 10.000 người mất tích. Các vụ cháy rừng trên thế giới diễn ra liên miên, trong đó đám cháy tại Hy Lạp hồi tháng 8 lớn nhất lịch sử châu Âu, tàn phá khu vực 77.000ha.

Đài ABC News dẫn ý kiến các nhà khoa học môi trường cho rằng cần duy trì mức tăng nhiệt trong giới hạn 1,5 độ C so với thời tiền công nghiệp. Hậu quả càng thảm khốc hơn nếu nhiệt độ tiếp tục tăng vượt mức này. Trong khi đó, nước biển ấm hơn có nghĩa là số lượng các cơn bão mạnh sẽ tăng lên kéo theo những trận mưa cực lớn. Chưa hết, các núi băng tan sẽ khiến một số vùng ven biển đông dân cư chìm trong nước.

Theo một báo cáo mới đây của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), vòng tuần hoàn nước trên toàn cầu trở nên ngày càng thất thường do nhiệt độ ấm lên. Nước biển tiếp tục dâng, nhất là khi băng ở 2 địa cực tan chảy.

Giáo sư Rob Jackson (Đại học Stanford, Mỹ) cho rằng, thời gian và cả ngân sách đối phó với biến đổi khí hậu có thể sắp cạn kiệt, nhưng vẫn chưa quá muộn để hạn chế đáng kể lượng khí thải nhà kính nhằm làm chậm sự nóng lên toàn cầu. "Tình hình có thể thay đổi với việc cắt giảm mạnh lượng khí thải nhà kính cũng như việc áp dụng rộng rãi năng lượng sạch" - Giáo sư Rob Jackson nói.

Ngày 13/11, trang Cosmos dẫn thông cáo của WMO cảnh báo rằng El Nino sẽ tiếp tục gia tăng tác động, gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan. El Nino bắt đầu hồi tháng 7/2023, dự báo lên tới đỉnh điểm vào giai đoạn tháng 11/2023 - 1/2024 và kéo dài tới tháng 4/2024.

Loài người sẽ ứng phó ra sao trong bối cảnh khí hậu diễn biến xấu? Giảm phát thải để kéo giảm sự gia tăng nhiệt độ là biện pháp bao trùm, nhưng trước mắt là phải đối diện với hạn hán và báo lũ lan rộng, mùa màng thất bát, bệnh tật phát sinh.

“Mùa hè trong mùa thu” ở Tokyo

Thời tiết cũng diễn biến bất thường tại Nhật Bản, quốc gia vốn được cho là có nền nhiệt ổn định hàng đầu thế giới. Tính đến ngày 13/11, thủ đô Tokyo của Nhật Bản ghi nhận mức nhiệt cao kỷ lục trong 149 ngày liên tiếp, khi nhiệt độ trung bình vượt quá 26 độ C, mức nhiệt “lạ” cuối hè đầu thu với người dân ở đây.

“Đó là một kỷ lục mới. Lần đầu tiên kể từ năm 2009 nhiệt độ vào tháng 11 ở Tokyo cao tới 26,3 độ C. Nhiệt độ này thường chỉ có trong mùa hè. Đây cũng là phản ứng nối tiếp khi mùa hè năm nay Tokyo ghi nhận tới 90 ngày nắng nóng” - hãng NHK đưa tin.

Theo một nhóm nhà khoa học Đại học Tokyo, thuộc Viện Nghiên cứu khí tượng của Cơ quan Khí tượng Nhật Bản, hiện tượng đó 60 năm mới xuất hiện một lần.

Giáo sư Yukiko Imada - chuyên gia động lực khí hậu của Viện Nghiên cứu khí quyển và đại dương (Đại học Tokyo), cho rằng sức nóng của mùa hè năm nay là do sự tương tác phức tạp giữa nhiều yếu tố. Nếu không có biến đổi khí hậu, khả năng xảy ra nắng nóng như đã diễn ra từ cuối tháng 7 trở đi là gần như bằng 0. Có thể nói, biến đổi khí hậu đang ngày càng trở nên nguy hiểm.

Theo Giáo sư Imada, nếu không có sự chung tay của các chính phủ trên thế giới, 2023 không chỉ là năm nóng nhất trong vòng 125.000 năm, mà quan trọng là loài người sẽ bị đẩy đến bờ vực của một cuộc khủng hoảng khí hậu.

Trong khi nhiệt độ vẫn duy trì mức cao ở nhiều vùng trên Trái đất thì khu vực đông bắc Trung Quốc phải hứng chịu thời tiết lạnh bất thường do bão tuyết đến sớm. Tỉnh Hắc Long Giang đã đưa ra cảnh báo đỏ, mức cảnh báo cao nhất do bão tuyết. Các khu vực Nội Mông, Hà Bắc, Cát Lâm và Liêu Ninh tuyết rơi dày, có nơi tới 30 cm khi nhiệt độ đột ngột giảm sâu. Trung tâm Khí tượng quốc gia Trung Quốc duy trì cảnh báo màu cam về bão tuyết, cảnh báo màu xanh về đợt không khí lạnh và cảnh báo màu xanh về gió mạnh ở những khu vực này. Hệ thống cảnh báo thời tiết của Trung Quốc gồm 4 cấp độ, được mã hóa bằng màu, trong đó màu đỏ là mức nghiêm trọng nhất, tiếp theo là màu cam, vàng và xanh.

Thanh Đức