Văn hóa học đường: Nêu cao trách nhiệm người thầy
Văn hóa học đường hiện nay đang đứng trước nhiều thách thức: Đạo đức xã hội suy kém, giao tiếp, ứng xử xã hội có nhiều sa sút, ngay cả những quan hệ trong trường học cũng có nhiều biến tướng, bạo lực học đường chưa được ngăn chặn hiệu quả…
Để xây dựng văn hóa học đường, một số địa phương đang xây dựng và áp dụng mô hình trường học hạnh phúc. Để trường học hạnh phúc, trước hết thầy cô giáo phải hạnh phúc, phải sống được bằng nghề. Phương châm “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu” cũng cần áp dụng vào môi trường học đường, trong đó, trước hết cần đề cao trách nhiệm của thầy, cô giáo.
Lối ứng xử không phù hợp
Từ đầu năm học tới nay, có không ít vụ việc ồn ào trong giáo dục xảy ra liên quan tới dạy thêm, học thêm, lạm thu, đáng chú ý là hành vi ứng xử của giáo viên không phù hợp với môi trường sư phạm. Đã có rất nhiều thầy cô bị kỷ luật vì có hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo, vậy tại sao giáo viên vẫn đi vào “vết xe đổ” ấy?
Vụ việc vừa xảy ra được dư luận quan tâm, ngày 6/11 lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ea H’leo (tỉnh Đắk Lắk) xác nhận, đã nắm bắt thông tin một nữ giáo viên bị phụ huynh tố cáo xúc phạm nhân phẩm của một học sinh dẫn đến em học sinh phải điều trị tâm lý và sụt hơn 10 kg trong vòng vài tháng vì áp lực. Được biết do học sinh không tham gia lớp thêm môn Toán khiến cô giáo luôn gây căng thẳng và có thái độ phân biệt đối xử khi học trên lớp. Cô giáo thừa nhận có những lời lẽ chưa chuẩn mực với nữ sinh nhưng phủ nhận nguyên nhân là do nghỉ học thêm ở chỗ cô.
Trước đó, tối 29/9, trên mạng xã hội lan truyền những đoạn clip gây bức xúc từ sự việc xảy ra tại lớp 12D4 Trường THPT Đa Phúc (Sóc Sơn, Hà Nội).
Theo đó, cô giáo chủ nhiệm giao cho bí thư lớp đặt bánh sinh nhật để tổ chức sinh nhật các bạn trong tháng. Vì không đặt bánh đúng cửa hàng cô giáo yêu cầu nên nữ sinh đã bị cô giáo dùng lời lẽ xúc phạm, dọa sẽ hạ hạnh kiểm và đuổi ra khỏi lớp. Ngoài là giáo viên chủ nhiệm, cô giáo này còn dạy môn giáo dục công dân và làm công tác tư vấn học đường.
Lối ứng xử không phù hợp còn xảy ra ngay cả ở những đồng nghiệp, ngày 3/11, đại điện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết Thanh tra sở vừa hoàn thành kết luận thanh tra toàn diện Trường THPT Hai Bà Trưng (TP Huế) sau sự việc cô giáo bị đồng nghiệp bẻ tay, đẩy ra khỏi lớp xảy ra tại trường gây xôn xao dư luận. Thầy giáo Nguyễn Đức Phong - người từng lùm xùm trong video đẩy nữ đồng nghiệp ra khỏi lớp bị xác định có hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo, và nhận mức kỷ luật khiển trách.
Chỉ một vài dẫn chứng cho thấy hành vi gây mất an toàn trường học đang ở mức báo động. Những vụ việc trên cần được ngăn chặn kịp thời để không thể trở thành virus lây lan trong xã hội, dẫn đến hệ lụy môi trường học đường trở thành nơi bất an, nơi học sinh phải thường xuyên chứng kiến bạo lực, ảnh hưởng tới sự phát triển tâm sinh lý của các em. Mặt khác, cần vực dậy những quan niệm truyền thống tốt đẹp về tôn sư trọng đạo đã có sự thay đổi theo hướng xuống cấp, hay nặng nề hơn là suy thoái.
Từ đó nhiều ý kiến cho rằng, xây dựng văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo phải được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành giáo dục. Ở đó, con người phải là trung tâm và phát triển con người phải được quán xuyến trong tất cả các hoạt động của nhà trường.
Đi tìm hạnh phúc
Văn hóa học đường là hệ các chuẩn mực, giá trị giúp cán bộ quản lý nhà trường, thầy cô giáo, các vị phụ huynh và các em học sinh, sinh viên có các cách thức suy nghĩ, tình cảm, hành động tốt đẹp. Xây dựng văn hóa học đường là thực hiện một quá trình quản lý giáo dục nhằm mục đích xây dựng, phát triển trường học thành môi trường văn hóa-giáo dục lành mạnh, các thành viên trong trường có hành vi văn hóa chuẩn mực và ngày càng ổn định theo chiều hướng phát triển bền vững.
Thời gian gần đây, khái niệm “Trường học hạnh phúc” được quan tâm đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam. Sự hiểu biết một cách hệ thống, toàn diện các thành tố tạo ra nhà trường hạnh phúc là vấn đề được các nhà giáo dục, nhà quản lý, phụ huynh, học sinh quan tâm. Tại nhiều cuộc hội thảo tìm kiếm hạnh phúc cho trường học đã tập trung vào một số điểm quan trọng làm nên sự khác biệt lớn giữa giáo dục Việt Nam và một số nền giáo dục tiên tiến khác, trong đó có giảm áp lực điểm số, thứ hạng, thành tích, đề cao sự tôn trọng cá tính, năng lực, phẩm chất riêng của cá nhân học sinh.
Tại cuộc hội thảo mới đây về trường học hạnh phúc, GS.TS Lê Anh Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam quan niệm, trường học hạnh phúc là nơi sẽ tôn trọng sự khác biệt của mỗi cá nhân học sinh, là nơi ngập tràn yêu thương, chấp nhận sự đa dạng, tôn trọng tính cá nhân, hòa nhập, nuôi dưỡng sức khỏe thể chất, sức khỏe tâm thần, phát huy trí tuệ của mỗi nhà trường, mỗi thầy cô và mỗi em học sinh. Vì vậy, với mỗi trường cũng sẽ có những điểm khác nhau. Tuy nhiên, vẫn sẽ có những “mẫu số chung”. Theo đó, sự hiểu biết một cách có hệ thống, toàn diện các thành tố tạo ra một trường học hạnh phúc là vấn đề không chỉ các nhà giáo dục, các nhà quản lý, cha mẹ học sinh mà cả cộng đồng quan tâm. Bởi vậy, xây dựng một chương trình giáo dục hướng đến trường học hạnh phúc tại Việt Nam một cách khoa học, hiện đại, được chuẩn hóa phù hợp với xu thế các nước trên thế giới là một vấn đề được ưu tiên.
Ở góc nhìn cụ thể hơn, giảng viên giáo dục Lê Trường An (Trường Đại học Mở TPHCM) chia sẻ, từng nhiều lần đọc được ý kiến phụ huynh, khi đón con từ trường về nhà sẽ hỏi hôm nay con đi học có vui không, thay vì điểm số bao nhiêu. Nhưng có bao nhiêu phụ huynh làm điều này. Đi học có vui hay không là vấn đề rất quan trọng trong giáo dục nhưng ít ai quan tâm, đa số chỉ nghĩ tới xếp hạng, điểm số, thành tích của học sinh, trường lớp, giáo viên. Tất nhiên, học hành, thi cử và điểm số là điều hiển nhiên. Và thành tích tốt trong học tập, giảng dạy chính là thước đo mang tính định lượng để đánh giá kết quả giáo dục đào tạo.
Nhưng nếu chỉ nghĩ đến thành tích, quá nặng điểm số sẽ khiến cả ngành giáo dục phải chạy đua, học trò thay vì đi học để rèn luyện bản thân, để lĩnh hội kiến thức thì lại trở thành “gà chọi” khi suốt ngày bị áp lực điểm số, thi cử. “Thực ra, khi đưa ra những chỉ tiêu đánh giá thành tích dạy học quá cao, cả giáo viên cũng căng thẳng. Họ bị áp lực thi thố không kém học trò khiến chất lượng dành cho bài giảng, giáo án giảm đi.
Có giáo viên từng than thở: Làm như thầy cô là siêu nhân vậy. Trong khi đó, lương của giáo viên vẫn thấp dù đây là vấn đề được quan tâm - là mấu chốt của việc người thầy trụ lại với nghề trong niềm vui hết mình cống hiến”, giảng viên Lê Trường An tâm tư.
Dù vậy, theo ông Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng Trường Marie Curie Hà Nội, giáo viên hiện nay có nhiều áp lực. “Song dù căng thẳng đến mấy, giáo viên cần phải biết kiềm chế, đây là kỹ năng quan trọng của giáo viên. Bất kỳ nghề nào cũng cần có cái tâm, nhất là nghề giáo. Thực tế, những căng thẳng trong nghề đều có thể kiểm soát được nếu giáo viên được đào tạo bài bản, trong quá trình học tập được học các kỹ năng kiềm chế cảm xúc, thấu hiểu tâm sinh lý trẻ”, ông Khang nêu quan điểm.
Nhìn tổng thể, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn khẳng định, ngôi trường hạnh phúc trước hết phải do giáo viên, học sinh và phụ huynh cảm nhận. Về phía ngành giáo dục, việc quan trọng đầu tiên là làm thế nào để thúc đẩy môi trường văn hóa học đường. Văn hóa học đường khi được triển khai tốt, thể hiện qua các hoạt động của nhà trường nhằm mang đến giá trị tích cực, từ đó sẽ làm cho giáo viên, học sinh thấy hài lòng, hạnh phúc.
“Chúng tôi đang cho rà soát, làm mới bộ quy tắc ứng xử trong trường học, để phù hợp với yêu cầu đổi mới giáo dục. Mặt khác, để có văn hóa học đường, trường học hạnh phúc, trước hết phải thực hiện thật tốt việc dạy và học chuyên môn, thầy phải dạy tốt, trò phải học tốt. Đối với xây dựng văn hóa học đường, trường học hạnh phúc, cốt lõi vẫn là thực hiện tốt chuyên môn khiến cho học sinh học tập một cách chủ động, ham học. Trường học hạnh phúc hướng tới việc hình thành các giá trị cốt lõi là yêu thương, an toàn và tôn trọng. Ở đó, cần chú trọng dạy người cùng dạy chữ”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.
Nhà trường thay đổi để học sinh hạnh phúc
Từ cơ sở, câu chuyện của Trường Thực nghiệm (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) được bà Lê Thị Mai Hương - Hiệu trưởng cho hay, các trường hoàn toàn có quy tắc ứng xử riêng tùy thuộc giá trị mà nhà trường đang theo đuổi. Việc xây dựng quy tắc và cách làm sẽ thể hiện sự hạnh phúc hay không.
Ví dụ ở Trường Thực nghiệm, quy tắc ứng xử là do học sinh cùng giáo viên xây dựng. Khi học sinh được hỏi ý kiến, các con sẽ có trách nhiệm thực hiện. Nếu quy tắc này do nhà trường áp xuống, chưa chắc các con đã muốn thực hiện. "Giáo viên cần hiểu học sinh ở tuổi này tính cách như thế nào, phát triển những gì để lên kế hoạch dạy phù hợp. Tại sao khoảng 20 phút, giáo viên phải dừng lại chơi trò chơi mà không phải học liên tục, điều đó chứng tỏ tâm lý trong nhà trường rất quan trọng và trường chúng tôi đang hướng đến điều đó", bà Hương nói.
Đề cao quy tắc ứng xử, ông Bùi Ngọc Trí - Hiệu trưởng Trường THCS Định Thành (Thoại Sơn, An Giang) cho rằng: Học sinh THCS ở tuổi mới lớn, thường có nhiều biến động về tâm, sinh lý do vậy quá trình giao tiếp chưa biết kiềm chế cảm xúc, cái tôi cá nhân nên dễ xảy ra va chạm, mâu thuẫn. Nếu thầy cô không phát hiện, ngăn chặn kịp thời sẽ dẫn đến bạo lực học đường hoặc việc không đáng có. Do đó, nhà trường, giáo viên chủ nhiệm, bộ môn và đoàn thanh niên đã quan tâm, chú trọng tới công tác tư vấn tâm lý cho học sinh.
Thông qua các buổi tư vấn, không chỉ giúp học trò hiểu rõ bản thân, mà còn học cách quản lý cảm xúc, giải quyết xung đột tích cực, văn minh. Cùng đó, nhà trường xây dựng bộ quy tắc ứng xử trường học, quy định rõ chuẩn mực của giáo viên, học sinh. Từ bộ quy tắc này, thầy và trò sẽ soi chiếu để nhắc nhở, răn đe bản thân để có cách ứng xử chuẩn mực.
Với quan điểm mỗi thầy cô là một tấm gương, ông Ngô Văn Hiền - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Văn Quan (Lạng Sơn) xác định, xây dựng và phát triển văn hóa học đường như một trong những nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành. Cụ thể: Thầy cô phải là tấm gương về đạo đức, lối sống cho học sinh noi theo; ứng xử với học sinh chuẩn mực về ngôn ngữ, tác phong; bao dung, trách nhiệm, yêu thương, tôn trọng sự khác biệt, đối xử công bằng, tư vấn, lắng nghe và động viên, khích lệ học sinh.
Thầy cô phải tích cực phòng, chống bạo lực học đường, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; không dùng lời lẽ xúc phạm, gây tổn thương, trù dập, định kiến, bạo hành, xâm hại hoặc thờ ơ, né tránh hay che giấu các hành vi vi phạm của học trò. Đối với học sinh, phải kính trọng, lễ phép với thầy cô; chấp hành các yêu cầu theo quy định; không bịa đặt thông tin, xúc phạm tinh thần, danh dự, nhân phẩm, bạo lực với giáo viên.
Trở lại với câu chuyện trường học hạnh phúc, nhiều chuyên gia giáo dục nhấn mạnh, giáo dục đào tạo lấy học sinh làm trung tâm nhưng thầy cô cũng cần được hạnh phúc.
TS Phạm Thị Thúy - giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia TPHCM nhận định, không thể có trường học hạnh phúc khi ở đó thầy cô còn nặng nề tâm tư và bị áp lực. Năng lượng, biểu hiện của người thầy ảnh hưởng mạnh mẽ đến học sinh và người xung quanh. Người thầy không hạnh phúc sẽ vô tình khiến học sinh chịu áp lực theo. Nếu không giải tỏa kịp thời điều này có thể khiến những mối quan hệ trong trường học đổ vỡ.
Ở một góc nhìn khác, trong đề tài nghiên cứu “Thầy cô cần thay đổi như thế nào để học sinh được hạnh phúc” của TS Nguyễn Thị Xuân Yến - Phó Trưởng khoa Giáo dục tiểu học Trường Đại học Sư phạm TPHCM và cộng sự. TS Xuân Yến phân tích: Việc thay đổi của thầy cô là để chính mình được hạnh phúc, mỗi thầy cô hạnh phúc thì chắc chắn cả lớp hạnh phúc. Một lớp học hạnh phúc lan tỏa sang các lớp học khác để một trường học hạnh phúc.
Giới chuyên gia tâm lý học cũng bày tỏ, để học sinh cảm thấy hạnh phúc khi đến trường, giáo viên cần thay đổi tư duy về giáo dục. Đó là tự thay đổi và phát triển để bản thân cảm thấy hạnh phúc trong công việc. Các thầy cô mỗi ngày gieo một ít hạt yêu thương, tưới một chút nước biết ơn cho học sinh thì cây hạnh phúc ngày càng trổ hoa kết trái. Giáo dục không chỉ giúp học sinh vượt qua các kỳ thi mà quan trọng hơn, còn chỉ dẫn các em cách cảm nhận, thích nghi và sống cuộc đời hạnh phúc.
Đại biểu Hà Ánh Phượng (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ): Giáo viên hạnh phúc thì mới lan tỏa tinh thần tốt tới học sinh
Để tạo môi trường giáo dục hạnh phúc cho học sinh trong bối cảnh đổi mới giáo dục, tôi luôn đề cao chỉ số hạnh phúc trong trường học. Là một giáo viên đứng trên bục giảng, bản thân tôi trước hết cũng phải cố gắng trở thành giáo viên hạnh phúc thì mới lan tỏa tinh thần ấy cho các em học sinh. Nhưng để hạnh phúc, cá nhân tôi đã từng phải thay đổi rất nhiều. Tôi luôn nỗ lực làm việc hiệu quả, tiết kiệm thời gian cho mình dưới sự hỗ trợ của công nghệ.
Về chuyên môn, tôi tìm những cách dạy học tiếng Anh hiệu quả nhưng vẫn tạo ra không khí vui tươi, không căng thẳng với sự hỗ trợ của công nghệ. Ví dụ, ngay cả lúc kỳ thi THPT diễn ra, tôi vẫn luyện đề cho học sinh qua cách chơi game trực tuyến để các bạn có thêm động lực học tập cũng như việc thực hiện nhiều dự án quốc tế. Nghe có vẻ không liên quan gì đến ngôn ngữ nhưng thực chất là việc để học sinh được làm việc và sử dụng tiếng Anh ở các lĩnh vực khác nhau. Như dự án chúng tôi vừa đạt giải Nhất quốc gia cũng là việc làm cụ thể để xây dựng trường học hạnh phúc mà do chính các em tạo ra.
Tôi không đặt nặng thành tích mà hướng tới việc học sinh có thể sử dụng tiếng Anh trong thực tế. Ngay cả việc kiểm tra đánh giá, tôi thiên về ghi nhận sự tiến bộ của học sinh và đánh giá quá trình. Thay vì cố định một đầu điểm của học sinh trong lần duy nhất, tôi thường đánh giá bằng nhiều lần kiểm tra và chia ra trung bình cộng tính là một đầu điểm để các em cố gắng. Trong khi dạy, tôi cố gắng truyền cảm hứng để các em có thể hiểu vai trò của việc học tiếng Anh là cần thiết trong xã hội hiện đại chứ không phải chỉ phục vụ mục đích thi cử, từ đó tạo môi trường học tập tiếng Anh qua nhiều hình thức học tập khác nhau. Ngoài giờ học hay các buổi sinh hoạt Câu lạc bộ tiếng Anh trực tuyến và trực tiếp, tôi cũng luôn dành nhiều thời gian để lắng nghe những câu chuyện của các em, động viên, khen ngợi các em để hiểu về các em hơn. Tôi nghĩ đó là những hành động cụ thể để xây dựng môi trường học tập hạnh phúc.
TS Nguyễn Văn Hòa - người sáng lập Hệ thống giáo dục chất lượng cao Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội): Trường học phải là nơi học sinh cảm nhận được hạnh phúc
Trường học hạnh phúc không phải là một mô hình, bởi nếu là mô hình thì không có độ mở, xây dựng theo mô hình sẽ khó khăn đối với những trường học ở mọi vùng miền khác nhau.
Trường học hạnh phúc có được khi ta thay đổi các vận hành nhà trường với mục tiêu giáo dục vì sự phát triển con người, vì con người. Trường học hạnh phúc là bầu không khí nóng ấm trong mối quan hệ giữa con người và con người. Trường học hạnh phúc là nơi học sinh, giáo viên, cán bộ nhân viên đều cảm thấy an toàn, yêu thương, tôn trọng, được hiểu và được có giá trị. Trường học hạnh phúc là cách vận hành nhà trường, nơi học sinh cảm nhận được hạnh phúc và trở thành động lực nội tại để học sinh hứng thú học tập, sáng tạo. Làm sao để mỗi trò đều tiến bộ và nên người.
Khi mới thành lập trường, tôi luôn nghĩ, trường học chân chính là nơi đào tạo ra học trò giỏi. Thành công của giáo dục là đào tạo nên những học sinh xuất chúng, những nhân tài và tôi đã phải đối mặt với áp lực này. Tôi nhận ra, đó là suy nghĩ sai lầm.
Về 5 bước xây dựng trường học hạnh phúc, tôi cho rằng:
- Nhận ra, xác định sứ mệnh, mục tiêu và phương châm giáo dục học sinh.
- Nhận ra và lựa chọn con đường giáo dục mình theo đuổi - con đường xây dựng trường học hạnh phúc.
- Thấu hiểu bản thân, điều chỉnh và thay đổi bản thân các nhà quản lý/ lãnh đạo trường học và các giáo viên, cán bộ nhân viên nhà trường.
- Xác định và trang bị các nhóm năng lực, kỹ năng, bí kíp cần có ở giáo viên, cán bộ nhân viên để xây dựng trường học hạnh phúc để hiện thực hóa mục tiêu, sứ mệnh giáo dục đã chọn.
- Đánh giá, lượng giá và cập nhật quá trình, cách làm, đồng thời thúc đẩy, điều chỉnh kịp thời/khi cần thiết.