Quanh ta, những người thầy quan họ
Tại thành phố Bắc Ninh, tôi được chứng kiến lễ ra mắt tập bản thảo các bài quan họ do cố nghệ nhân Nguyễn Đức Sôi sáng tác theo lối cổ. Đó quả là một công trình cuộc đời.
Bậc nghệ nhân lão làng
Và để đón nhận, chung dự với niềm hân hạnh đó của các con cháu cụ Sôi, đã có một cuộc tụ hội đầy màu sắc của nhiều câu lạc bộ quan họ trong, ngoài tỉnh Bắc Ninh. Một số nghệ sĩ thuộc các thế hệ khác nhau, cùng lứa, trước và sau tuổi NSƯT Lệ Ngải con gái cụ Sôi cũng đến chung vui.
Bởi tất cả, đều có thể coi là học trò của cụ cố nghệ nhân, một lượng học trò thật dồi dào. Có những nghệ sĩ là học sinh trực tiếp của thầy Sôi hồi người thầy đầu tiên của đoàn quan họ Hà Bắc ấy truyền dạy cuối những năm 60, đầu những năm 70, là NSND Thúy Cải, vợ chồng NSƯT Tự Lẫm - Minh Phức...
Rồi những người ca hát lứa sau thuộc đoàn, thuộc các cơ quan văn hóa của tỉnh. Đặc biệt là những học trò “từ xa”, học trò “gián tiếp” là các liền anh, liền chị thuộc nhiều nhóm và câu lạc bộ quan họ trong, ngoài tỉnh mà hầu như ai cũng hát bài cụ Sôi viết: “Ăn ở trong rừng”, “Nhớ mãi khôn nguôi”, “Quả cau non”… Bởi như đã nhiều lần nói, những bài hát cụ Sôi đã đi vào dân gian và được ca lên, được giới thiệu như là quan họ cổ vậy.
Các học trò già trẻ đến nhận tập bản thảo để kính nhớ ơn thầy, để nhìn đầy đủ hơn về mấy chục bài quan họ thầy đã viết và từ số lượng dồi dào đó mà cảm nhận sâu hơn về cách thức mà bậc nghệ nhân lão làng từng làm để đóng góp lớn cho quan họ. Và như sẻ chia của nhà giáo, nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ, cũng lại là một học trò rất thân thiết với gia đình cụ Sôi, thì cụ có những điều kiện căn bản để làm nên chuỗi sáng tạo đặc sắc đó.
Ấy là vốn bài bản quan họ cổ dày dặn - tất nhiên, viết quan họ mà không có quan họ trong mình thì viết thế nào, làng Ngang Nội của cụ là một trong 49 làng quan họ cổ. Nhưng còn có sự am hiểu cổ nhạc nói chung để cụ có thể vay mượn ca từ, vận dụng các giai điệu chèo hay dân ca khác để “biến hóa” sang quan họ - điều này quả thật tài tình. Và cũng không thể thiếu, là vốn liếng lời ăn tiếng nói dân gian, là chữ nghĩa Hán Nôm để có thể khai thác làm ca từ quan họ. Những cái đó khiến cho cụ viết mới mà như cũ, phát triển mà mang chất cổ truyền.
Ở vùng Bắc Ninh thì không riêng cụ Sôi, mà còn nhiều nghệ nhân khác ở làng này làng kia, trong những cuộc chơi quan họ bất tận, đã sáng tác nên những bài ca để trở thành quan họ cổ. Nhưng trường hợp thầy Sôi, đến nay vẫn được cho là tiêu biểu nhất. Nhiều người ca quan họ, chơi quan họ, quen biết quan họ đều đang chờ đợi tập bản thảo của thầy được xuất bản chính thức, để hiểu và học thầy hơn, và những bài bản ấy tỏa lan đi xa hơn.
Đời sống ca hát nhiều cung bậc
Nhắc đến cụ Nguyễn Đức Sôi - thầy Sôi, lại nhớ hoài niệm về những người thầy quan họ khác, cũng nhiều vẻ lắm, trong cái sự hát ca song hành cùng đời sống nông thôn giàu truyền thống, nghiệp nghề khéo léo và tất bật bao tháng năm đời người xứ Kinh Bắc này.
Như anh Hai Trường - nghệ nhân Nguyễn Xuân Trường ở làng quan họ cổ Đọ Xá, thành phố Bắc Ninh. Ngày trước, những người hát hay, nhớ giỏi, chơi quan họ mê say như ông Trường thì nhiều thầy lắm. Bởi thường nghe ở đâu có nghệ nhân bậc lão làng, cao tuổi, có đàn anh, đàn chị chơi quan họ lâu năm, dày vốn bài ca, là những người trẻ như Xuân Trường sẽ tìm đến học hỏi. Anh Hai Trường học bà cô họ cùng làng là cụ Bệu, học cụ Bật, ông Chánh Canh, ông Chấp, cụ Nguyên ở Khả Lễ. Lại học cụ Tí ở Thị Cầu, cụ Chịch, ông Sáu Huyền ở Y Na, và cụ Son, cụ Kiên ở Chọi…
Người nhiều người ít, đôi ba câu, dăm bảy điệu, hàng chục bài hát…, cần mẫn qua từng năm mà đầy lên hàng trăm lời quan họ trong trái tim liền anh có cái dáng cao cao, dong dỏng mà động tác cũng lấy làm điệu đà, y như câu hát "anh Hai xinh tang tình là anh Hai đứng, đứng một mình trông dáng như càng xinh"…
Hồi kể chuyện đi học quan họ cho tôi nghe, ông Trường còn cười bâng khuâng nhớ lại, cụ Bệu có lần ốm nặng, hôn mê rồi, vậy mà nghe cháu nhắc đến quan họ, cụ ngồi dậy hát luôn. Còn cụ Thà ở Chọi thì làm nghề thợ mộc, đến học cụ thì liệu liệu mà hát cho đúng, hát sai là… “ăn” ngay cái dùi đục, cụ mắng: Mù thì phải sờ, không biết thì phải hỏi.
Học nhiều, biết rộng, và luyện rèn hát hay có tiếng, nên trong đời đi hát của mình, ông Trường lại trở thành thầy dạy của nhiều liền anh, liền chị thế hệ sau. Lứa như ông, nay ở tuổi trên dưới 70 thì trong những năm qua, đã trở thành những người đứng lớp trong nhiều dự án dạy quan họ do ngành văn hóa tổ chức. Dạy và học ở trường sở, trên hội trường, có cái khác so với thời trẻ ông cùng các anh chị em đi chơi quan họ, rong ruổi qua các làng học các cụ.
Cũng khác với hình thức “ba cùng” mà các diễn viên trẻ của đoàn quan họ thế hệ NSƯT Lệ Ngải thuở nào xuống các làng, cùng ăn, cùng ở, cùng làm tại nhà các nghệ nhân quan họ để học hát, học cách chơi, cách sống với nhau của người quan họ.
Nhưng dòng trôi thăm thẳm, tươi thắm xuyên suốt, trở đi trở lại qua hàng trăm, hàng nghìn lớp học dưới mái nhà thôn dã hay trong hội trường công sở như thế, vẫn mãi là cái thâm tình, sự trìu mến, niềm quý trọng của người học với các thầy các cô, sự hết mình của chính người dạy với những ai tìm đến “xin vốn” của mình. Đã “vướng” vào quan họ, đã cất lên câu ca là say sưa lắm, cả người học lẫn người dạy.
Vào hàng đàn chị của ông Trường, NSƯT, nghệ nhân Tạ Thị Hình ở làng quan họ cổ Bồ Sơn học hát từ 13 tuổi. Bà kể lại chuyện cũ, xưa có khi một tháng đi hát 16 tối. Hồi đó đâu đã có điện, chỉ một ngọn đèn bão treo trên đầu, lúc về là khi gà gáy sáng. Bà Hình nhớ mãi cách của các nghệ nhân như cụ May, cụ Nguyên, ông trùm Vang của làng, cho thanh niên đi theo đến các canh hát, rồi đến dự các hội làng, xem mọi người hát giao lưu. Qua những “lớp học tự nhiên” ấy, thì những lứa măng non, những nam thanh, nữ tú lại biết thêm được câu này, bài nọ của quan họ làng khác.
Và những không gian ấy đã lại trở nên những lớp học đầy âm vang của cuộc đời họ. Bao năm học các ông bà các làng, hát hết tuổi xuân, qua tuổi trung niên, đến khi chính ngôi nhà của bà Hình lại trở thành một lớp dạy hát, có nhiều cháu thiếu nhi quanh khu vực đến vui học với bà.
Những người như bà Hình, ông Trường, bà Lệ Ngải, các năm qua, “chia vốn” của mình cho các học trò trung niên, thanh niên, san ra những đốm lửa quan họ đến lớp người giữ gìn kế cận. NSƯT Lệ Ngải nhiều năm đều đặn xe buýt lên dạy hát tại trường trung cấp nghệ thuật ở Bắc Giang, ngoài những giờ tại trung cấp nghệ thuật Bắc Ninh.
Nhiều cuộc gặp vui đầu xuân, về làng Ngang Nội chơi hội, hay đâu đó một buổi ghi hình sinh hoạt quan họ, hầu như không lần nào tôi không thấy học trò của bà, là các bạn học sinh trường nghệ thuật, hay các cựu học sinh nay đã trở thành công chức, viên chức ngành văn hóa trong tỉnh hoặc đi theo các nhóm hát quan họ phục vụ cộng đồng.
Người hát quan họ, có lẽ cũng giữ lễ nghĩa phần nào như những lớp học chữ của các thầy đồ ngày xưa, thăm nom, hỏi han, nâng đỡ khi thầy có việc cửa nhà. Tất nhiên trong đời sống mới, đặc biệt là trong không khí của sinh hoạt ca hát thì tư thế và sự kết giao thầy trò, bạn hữu quan họ có tính cởi mở, tươi tắn và gần gụi rất đỗi tình cảm.
Chả thế mà mấy năm về nhà bà Ngải, ông Ngân ăn cỗ hội làng 25 tháng Giêng, tôi vẫn gặp nhóm quan họ từ bên Việt Yên (Bắc Giang) sang. NSƯT Lệ Ngải còn dành công sức truyền câu quan họ cho nhiều liền anh, liền chị ca hát tự do bên đó.
Và mùa xuân là những dịp các em sang thăm ông anh, bà chị. Ông Ngân chồng bà Ngải, một cựu chiến binh, cùng với các con thì cứ tất bật lo mâm bát, lo tiếp rượu các học trò của vợ. Lại còn tiếp đón những người là học trò cụ Sôi năm xưa, thêm những người kính mộ cụ cả khi cụ đã khuất lâu rồi, vì biết tiếng gia đình con cái của cụ mà tìm tới giao lưu, học hỏi. Tình thầy, nghĩa bạn, mối kết giao huynh đệ, chị em trong cái đời sống hát ca ấy nó cứ đan xen, níu giữ với nhau thật nhiều cung bậc.
Thế nên đi sang vùng quan họ chính là đi học hát. Những người thầy quan họ có ở quanh ta.