Bộ GTVT yêu cầu tăng cường công tác quản lý đảm bảo chất lượng công trình
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng vừa ban hành Công điện về tăng cường công tác quản lý để đảm bảo chất lượng công trình, an toàn lao động tại các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông do bộ quản lý.
Còn tồn tại khiếm khuyết về chất lượng công trình, tai nạn lao động
Công điện của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) nêu rõ trong năm 2023, Bộ đã ban hành nhiều chỉ thị, văn bản chỉ đạo nhằm tăng cường kiểm soát chất lượng công trình, đảm bảo an toàn giao thông, an toàn lao động và vệ sinh môi trường trong thi công xây dựng các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông do bộ quản lý.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhìn nhận thời gian qua, tại một số dự án, công trình vẫn còn tồn tại khiếm khuyết về chất lượng công trình, để xảy ra các vụ tai nạn lao động làm hư hỏng một số hạng mục công trình, gây thương vong cho người lao động trên công trường.
Trước đó, ông Trương Đức Liên, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư Phúc Thành Hưng cho hay vào lúc 9h30 ngày 8/11, tại vị trí thi công cống hộp thoát nước đường gom dân sinh (Km464+720, phải tuyến) thuộc Gói thầu XL-01, Dự án Cao tốc Diễn Châu-Bãi Vọt, địa bàn xã Hưng Đạo, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An đã xảy ra vụ tai nạn lao động dẫn đến 2 công nhân thi công gặp nạn.
“Sự việc xảy ra trong quá trình tháo dỡ ván khuôn tường thân cống của nhà thầu Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đại Hiệp,” ông Liên cho biết.
Lập tức, những người có mặt ở hiện trường trực tiếp sơ cứu ban đầu và chở các nạn nhân đến Bệnh viện 115. Dù được các bác sĩ nỗ lực cứu chữa nhưng do chấn thương nặng, hai công nhân là ông Đặng Văn Chính và Phạm Ngọc Sửu (cùng trú tại huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) đã tử vong.
Theo đó, để đảm bảo chất lượng công trình xây dựng, đảm bảo an toàn lao động trong thi công, Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản lý dự án và các đơn vị có liên quan kiểm tra, chấp thuận, phê duyệt các nội dung liên quan trong quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật.
Cùng đó, kiểm tra năng lực của nhà thầu thi công xây dựng công trình so với hồ sơ dự thầu và hợp đồng xây dựng, bao gồm: Nhân lực, thiết bị thi công, phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng, hệ thống quản lý chất lượng của nhà thầu thi công xây dựng công trình.
Các chủ thể trên kiểm tra và giám sát chặt chẽ chất lượng, nguồn gốc xuất xứ của vật liệu, vật tư, thiết bị đưa vào công trình; biện pháp thi công, chất lượng thi công và công tác nghiệm thu hạng mục công trình, công trình đảm bảo đáp ứng các yêu cầu của hồ sơ thiết kế, chỉ dẫn kỹ thuật của dự án.
Ban quản lý dự án, chủ đầu tư kiểm tra, chấp thuận kế hoạch, biện pháp kiểm tra, kiểm soát chất lượng vật liệu, cấu kiện, sản phẩm xây dựng, thiết bị lắp đặt vào công trình theo yêu cầu thiết kế và chỉ dẫn kỹ thuật, đặc biệt đối với máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động sử dụng trong thi công xây dựng phải được kiểm định kỹ thuật an toàn.
Kiểm tra, đôn đốc các nhà thầu tuân thủ các điều khoản hợp đồng đã ký kết, đặc biệt đảm bảo chất lượng xây dựng công trình; kiên quyết xử lý nghiêm các nhà thầu vi phạm chất lượng công trình theo quy định của hợp đồng.
Đảm bảo công tác an toàn thi công
Đối với công tác đảm bảo an toàn trong quá trình thi công xây dựng công trình, Bộ GTVT yêu cầu thực hiện nghiêm việc kiểm tra, chấp thuận biện pháp đảm bảo an toàn giao thông, an toàn lao động, vệ sinh môi trường và chỉ cho phép nhà thầu triển khai thi công sau khi biện pháp thi công được chấp thuận.
Ban quản lý dự án, chủ đầu tư chỉ đạo tư vấn giám sát tăng cường công tác kiểm tra hệ thống quản lý, kiểm soát của nhà thầu thi công về công tác an toàn giao thông, an toàn lao động, vệ sinh môi trường, chấn chỉnh kịp thời việc triển khai tại hiện trường của nhà thầu thi công về bố trí các phương tiện, dụng cụ, thiết bị thi công, phương pháp thi công… phù hợp với biện pháp thi công được chấp thuận; biện pháp đảm bảo an toàn lao động (biện pháp phòng hộ, dụng cụ bảo hộ lao động, chế độ, thời gian làm việc…).
Cùng đó, các đơn vị này phải có biện pháp đảm bảo an toàn giao thông (bố trí lực lượng cảnh giới, hướng dẫn, các biển báo, rào chắn, đèn tín hiệu cảnh giới…) và các biện pháp đảm bảo vệ sinh môi trường trong quá trình thi công theo đúng biện pháp thi công đã được chấp thuận và theo quy định; kịp thời điều chỉnh, bổ sung khi cần thiết và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Các nhà thầu thi công tổ chức thực hiện kiểm định kỹ thuật an toàn đối với máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động sử dụng trong thi công xây dựng công trình theo đúng quy định của pháp luật.
Người đứng đầu chủ đầu tư, ban quản lý dự án chịu trách nhiệm toàn diện trước Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải và pháp luật đối với dự án được giao quản lý không đáp ứng chất lượng theo yêu cầu; chậm trễ trong việc xử lý vi phạm về chất lượng công trình và công tác đảm bảo an toàn giao thông, an toàn lao động, vệ sinh môi trường.